Trong tôi là cả một đại dương sóng dậy, sau khi đọc bài viết của anh Quảng Diệu Trần Bảo Toàn. Tôi cảm phục anh vô cùng, một trí thức đúng nghĩa, một tài năng thực thụ, một Phật tử đầy nhiệt huyết và đạo tâm. Anh đã dùng khả năng và các mối quan hệ rộng rãi của mình với các bác sĩ tài giỏi nhất để chữa bệnh cho thầy. Anh đã lo lắng chăm sóc sức khỏe cho thầy với tất cả tâm thành và khả năng của anh. Tôi ước gì được gặp anh để một lần bày tỏ sự khâm phục và cảm ơn anh.
Trong giấc ngủ chập chờn sau đó, tôi thấy thần thức mình bay về Thị Ngại am đảnh lễ và ôm chân thầy. Thầy cười hiền từ: “Sao anh lễ lạy một ông già như tôi?”. Tôi thưa: “Con đâu đảnh lễ cái xác thân tứ đại này, con đảnh lễ biển trí huệ mênh mông kia, đức phạm hạnh như trăng sao, lòng son vì đạo pháp và nước non, tâm từ bi hoằng pháp vì lợi sanh…”. Tôi nguyện đem thân mạng sống vô dụng và thừa thãi của mình hoán đổi mệnh cho thầy, đem số năm thọ mạng còn lại chuyển cho thầy, để thầy có thêm thời gian tiếp tục công cuộc hoằng hóa lợi sanh, phục hoạt Phật Việt, dịch kinh dạy chúng, quan hoài vận mệnh quốc gia…
Nhưng rồi tôi giật mình tỉnh giấc, tôi ý thức được chuyện hoán cải mệnh chỉ có trong Lão giáo, trong kiếm hiệp thần tiên truyện, liêu trai… Phật giáo không có chuyện này, không thể có chuyện hoán mệnh được, nhân quả không bao giờ sai vạy. Kỳ lân có mệnh của kỳ lân, thằn lằn cắc ké có mệnh thằn lằn cắc ké. Tâm thành kính mến, ngưỡng mộ đến mấy cũng không sao hoán đổi hay thay thế mệnh được!
Qua những lời tường thuật của anh Bảo Toàn, tôi hình dung những cơn đau khủng khiếp mà thầy đã và đang chịu đựng, mặc dù định lực cao nhưng những cơn đau khiến thầy toát mồ hôi hay run rẩy thì mới biết mức độ đau đến dường nào. Ban đầu thầy từ chối chữa trị nhưng rồi thầy đồng ý chữa trị không phải vì tham sống sợ chết mà vì công cuộc phục hoạt Phật Việt vẫn còn dở dang, bộ Đại Tạng Kinh vẫn chưa phiên dịch xong, Giáo hội dân vẫn tròng trành ngã nghiêng, bao nhiêu tâm nguyện chưa thành… Thầy tiếp tục sống vì lợi sanh, vì tứ chúng chứ bản thân thầy thì sống chết có nghĩa lý gì, ngoài những mục đích trên thì chẳng có lý do gì để tìm cách duy trì sự sống trong cơn đau khủng khiếp ấy! Ung thư di căn vào xương, không thể giải phẩu, không thể hóa trị hay xạ trị. Bác sĩ bảo chỉ còn sống chừng sáu tháng nhưng rồi thầy đã vượt qua năm năm. Ấy là sức mạnh tinh thần của thầy, nội công định lực của thầy. Ấy cũng là công sức và tài năng của những bác sĩ giỏi nhất về ung thư, nội tiết, niệu của cả Việt Nam và Nhật Bản.
Xin cảm ơn anh Bảo Toàn và các vị bác sĩ đã chăm sóc sức khỏe cho thầy, các vị đã làm được việc mà bao nhiêu người khác không làm được. Các vị là những vị hộ pháp đắc lực đã hộ trì bậc long tượng sư vương, thạch trụ thiền lâm. Các vị đã giúp duy trì hơi thở cho một nhân cách Việt, một trí huệ Việt, một người Việt chân chính nhất.
Nước Việt, người Việt, Phật Việt chịu nhiều tai họa, tổn thất, loạn lạc… nhưng cũng may mắn có được những bậc sư vương long tượng như ngài Huyền Quang, Quảng Độ và thầy là người tiếp nối mạng mạch Phật Việt, đương thân gánh vác trọng trách trùng hưng Phật Việt, dịch Đại Tạng Kinh ra tiếng Việt, phục hoạt Giáo hội dân. Thầy đã hết lòng vì cơ đồ của Như Lai cũng như cơ đồ của tổ tiên, vận mệnh của dân tộc. Thầy chịu bao khổ nạn tù đày, hình án, quản chế, cô lập, cấm bế, mạ lỵ… Nhưng với bậc Bồ Tát hoá thân vào đời thì thiền thất hay ngục thất có hề chi. Phật Việt và cơ đồ tổ tiên vẫn còn nhiều nguy nan, đêm trường vẫn ngự trị nhưng may mắn thay còn đó một vì sao!
Thầy giờ đây như ngọn đèn sắp tàn bấc cạn dầu, thầy yếu lắm rồi, có khi ngồi dậy không nổi nhưng thầy vẫn hoạt động không ngừng nghỉ: Việc thiền định đương nhiên vẫn thế, việc dịch bộ Đại Tạng Kinh chưa xong nên thầy vẫn tiếp tục tra cứu, đối chiếu, phiên dịch. Bệnh không thể ngăn cản việc thầy dành trọn tâm huyết để phục hưng Phật Việt, phục hoạt Giáo hội, chấn tác thiền môn, quan hoài quốc vận dân sinh.
Bậc hiền sĩ vốn xem thân mạng nhẹ như lông hồng, sống chết không phải là vấn đề đáng lo lắng. Bậc long tượng sư vương vốn xem thân tứ đại này chỉ là phương tiện, dùng nó để hoằng hóa Phật pháp, vì lợi ích chúng sanh.
Thầy gầy gò trong bộ áo lam, đôi mắt sáng như sao giữ đêm trường. Trong tấm thân ấy là cả một nội lực hơn muôn người. Xác thân tứ đại ấy là cả một biển trí huệ từ nội điển đến ngoại điển. Con người gầy gò ấy là cả một tấm lòng cao cả bao la, một nghệ sĩ tài hoa, một thiền sư xuất chúng, một tinh thần quả cảm của một chiến binh, một chiến binh của lòng từ bi. Thầy hiện thân của tinh thần kim cang vô úy. Ngôn ngữ thế gian này cũng chỉ nói được đến thế mà thôi!
Thầy ơi! Nói sao hết nỗi niềm ngổn ngang trong lòng đây? Thầy như mặt trời rực rỡ soi sáng cho chúng con. Chúng con ngưỡng vọng và tôn kính thầy, chúng con cảm nhận nỗi đau của thân xác mà thầy đang ngày đêm chịu đựng. Chúng con nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ để những cơn đau thuyên giảm để thầy tiếp tục công việc hoằng pháp lợi sanh. Chúng con tha thiết muốn đảnh lễ thầy nhưng đành vọng từ xa. Có lần về quê, chúng con muốn đến đảnh lễ thầy nhưng biết thầy nhập thất, thời giờ của thầy dành trọn cho việc dịch kinh, hoằng pháp vả lại chúng con cũng tự biết bản thân mình nên không dám làm phiền quấy rầy thầy. Mặc dù chưa một lần diện kiến nhưng trong tâm chúng con hình bóng thầy như nhật nguyệt luôn luôn thường trực. Trong tâm chúng con hình bóng ông thầy gầy gò hiền từ đôi mắt sáng như sao. Trong tâm chúng con ông thầy ngồi bấm dương cầm như thể trong giấc mơ.
Thầy, một vị sư già gần gũi thân thương. Thầy hiện thân như ông Bụt giữa đời thường, dù có nói thế nào cũng không làm sao hết ý cạn lời.
Thầy đã đến
Dụng công trùng hưng lại miếu đền
Phục hoạt dòng Phật Việt
Giáo hội dân, non nước cơ đồ
Đêm trường lấp lánh một vì sao
Giữa loạn động vững tòng lâm thạch trụ
Khúc dương cầm cúng dường mười phương Phật
Những vần thơ cho đất nở hoa
Thị Ngạn am an trụ pháp tòa
Đại tạng kinh ngày đêm chuyển ngữ
Thầy ngồi đó lay lòng lữ thứ
Nụ cười hiền sứ giả Như Lai
Sanh tử có hề chi
Tất cả vì lợi ích chúng sanh
Công cuộc hoằng dương chánh pháp
Đêm gần tàn mà ngày chưa thấy sáng
Cuộc trùng hưng còn lắm nỗi gian nan
Tuy thân bệnh mà tâm hồn rỗng rang
Thầy bền gan kim cang vô úy
Thầy gầy gò lồng lộng hồn đại sĩ
Làm tất cả mà như thể vô vi
Trái tim nhỏ ẩn chứa đại bi
Chẳng bận đến đi chỉ vì lợi sanh độ chúng.
Tiểu lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 1123