Trang chủ Thời đại Xã hội Chánh niệm trong quản trị

Chánh niệm trong quản trị

95

Từ năm 2011, Google đã mở khóa tu học “Tìm trong chính mình” với sự tham dự của hàng ngàn nhân viên. Mỗi hai tháng, toàn công ty có buổi ăn trưa chánh niệm “Mindful lunches” hoàn toàn im lặng.

Các buổi hành thiền này được bắt đầu từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh được mời đến thuyết giảng tại Google vào năm 2011. Gần đây, tập đoàn này còn thiết kế không gian dành riêng cho hành thiền.

Nhân viên Google tập thiền ngoài mục đích giữ gìn sức khoẻ thì nhiều người còn mong muốn đánh thức những cảm xúc thấu hiểu thế giới, con người xung quanh, tập trung năng lượng phát triển khả năng sáng tạo.

 

Không chỉ Google, nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ cũng ứng dụng phép rèn luyện tinh thần đậm màu sắc phương Đông cho nhân viên của mình. Các công ty nổi tiếng như Twitter và Facebook cũng ứng dụng thiền vào doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các khóa thiền tại văn phòng.

Hồi đầu năm nay, khoảng 1.700 người đã tham dự chương trình Trí tuệ – Wisdom 2.0 tổ chức tại San Francisco, trong đó có giám đốc các công ty lớn hàng đầu như Linkedin, Cisco và Ford…

Đại học Boston chứng minh chỉ cần tập thiền 3 tiếng rưỡi, người tập có xu hướng phản ứng ít hơn trước những hình ảnh nặng nề cảm xúc hoặc tranh cãi, cải thiện trí nhớ…

Trường Đại học Duke of Medicine đã nghiên cứu và cho thấy, một giờ tập yoga một tuần làm giảm mức độ căng thẳng trong người lao động một phần ba, nên có thể cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trung bình 2.000 USD mỗi năm…

Chính vì vậy, cũng như Google, các phương pháp hành thiền Phật giáo hiện rất được các công ty kỹ thuật tại Mỹ và nhiều nước chú trọng. Bởi những người làm việc trong lĩnh vực này thường chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh và đòi hỏi có sức sáng tạo rất cao.

Các bài tập thiền đã giúp giảm thiểu căng thẳng, tập trung trí tuệ giải quyết các công việc phức tạp hoặc có những phát minh sáng tạo. Thiền cũng là cách các công ty tạo ra môi trường làm việc vui tươi, thoải mái, thân ái…

Những người trẻ theo đuổi chánh niệm trong những năm 1960 từng được coi là phong trào phản văn hóa nhưng lại là động lực hình thành một loạt các công ty nổi tiếng như Virgin, Ben & Jerry và Apple.

Trong đó, cố lãnh đạo của Apple là Steve Jobs đã từng đến Ấn Độ học thiền định và luôn cho rằng bản thân ông và thiết kế của Apple ảnh hưởng bởi triết lý của thiền.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chuyến hoằng pháp tại nhiều công ty Bắc My chia sẻ, sự bùng nổ cách mạng kỹ thuật điện tử đã góp phần làm đời sống bận rộn hơn, khiến không còn thời gian nhìn lại chính mình hoặc để tạo nguồn sáng tạo. Doanh nghiệp sẽ thành công hơn khi có những nhà lãnh đạo trầm tĩnh, hạnh phúc, tràn đầy thương yêu hiểu biết.

Thiền sư Nhất Hạnh cho biết: “Chúng ta phải đảo ngược xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, người thân yêu ta, trở về với thiên nhiên. Những thiết bị điện tử đã làm ta xa cách chính ta. Chúng ta đánh mất mình trong thế giới internet, kinh doanh, dự án rồi không còn thời gian cho ta. Không còn thời gian chăm sóc người thân yêu, không còn thời gian cho mẹ Trái đất ấp ủ, chữa lành bệnh cho ta”.

Nhiều trường kinh doanh hiện cũng đang đưa chánh niệm vào giảng dạy như Đại học Claremont, Trường Kinh doanh Nebraska – Lincoln… Ở chiều ngược lại, Keisuke Matsumoto, một nhà sư Nhật Bản, đã lấy bằng MBA tại Trường Kinh doanh Ấn Độ tại Hyderabad và hiện đang áp dụng những bài học kinh doanh cho ngôi chùa ông đang trụ trì.

Trong cuốn sách “Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”, Max Weber cho rằng Tin Lành là động lực của nhiều doanh nghiệp phương Tây với chủ nghĩa duy lý và tự kiềm chế bản thân. Với những gì mà nhiều công ty phương Tây đang theo đuổi chánh niệm, có vẻ như Phật giáo cũng đang trở thành một động lực mới của nhiều nhà quản trị với khả năng cân bằng và tập trung năng lượng.