Kham nhẫn
Đức Phật nói rằng kham nhẫn là liều thuốc đối trị lòng sân hận. Kham nhẫn theo cách hiểu của tôi và của mọi người có thể khác nhau một ít. Theo cách hiểu thông thường thì nhẫn có nghĩa là bạn không mất bình tĩnh, bạn có thể chờ đợi mọi việc kết thúc. Khi người ta phạm lỗi, hay sỉ nhục bạn, bạn không bận tâm. Bạn có thể làm việc liên tục, cần mẫn, không than phiền. Sự chịu đựng này là một phẩm chất tốt trong mỗi người, nhưng không phải là nó luôn luôn tạo ra nghiệp tốt hay cắt đứt cơn giận.
Khi Đức Phật nói nhẫn là liều thuốc đối trị lòng sân hận, thì người muốn nói đến thứ nhẫn tạo ra nghiệp lành. Lòng kham nhẫn đó liên quan đến việc không làm tổn hại hay gây thương tích cho người khác, và làm cho ta biết săn sóc cho mình và cho người. Đó là tâm trí không bị xáo động khi có người muốn hại mình hay khi mình đang chịu đau đớn. Kham nhẫn không phải là yếu đuối. Nó tràn đầy lòng nhiệt thành. Nó là hoàn toàn cống hiến, tập trung, và chú ý, chứ không phải là một chú lừa đang kiệt sức kéo một lô hàng nặng lên dốc.
Sự kham nhẫn có thể giúp bạn đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống và trong công việc. Những lời mà chúng ta thường nghe, chẳng hạn “Tôi chán ngán quá rồi”, “Tôi không thể nào chịu đựng thêm nữa”, “Tôi không còn hơi sức nào nữa” – là dấu hiệu cho thấy sự thiếu lòng kham nhẫn. “Ngán quá”, rõ ràng là do thiếu kiên nhẫn. Nếu bạn làm việc trong một thời gian dài dưới điều kiện căng thẳng nên bạn bị mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi, thì đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn chán ngán trong điều kiện bình thường, hay không thể ráng sức thêm một chút hơn mức bình thường thì đó là ngán do thiếu kiên nhẫn.
Khi bạn mất hứng thú mà bị buộc phải tiếp tục làm việc thì bạn trở nên ngán ngẩm. Bạn có ý nghĩ như, “Tôi không thể nào chịu đựng thêm chút nào nữa”; “Đây không phải là chỗ của tôi”; “Ngày mai tôi sẽ chuồn thôi; “Tôi muốn ly dị”…
Vậy là bạn sẵn sàng từ bỏ con cái, lìa bỏ cha mẹ già, công việc, bạn bè, và các thứ khác. Lòng kham nhẫn cộng thêm lòng nhiệt thành sẽ tạo ra hứng thú trong cuộc sống và trong công việc. Bạn sẽ mệt mỏi nhưng bạn không cảm thấy chán chường. Niềm vui mà bạn nhận được từ sự kham nhẫn và nhiệt tình thường cho ta cảm giác dễ chịu hơn là sự mệt mỏi do chán chường: niềm vui thường mạnh mẽ hơn, tích cực hơn và có hiệu quả cao hơn. Khi bạn có niềm vui đó thì bạn ít nổi giận, cơn giận không kéo dài và nó sớm ngưng quấy rầy bạn.
Chúng ta hãy khắc phục những tình cảm bất thiện bằng cách không đầu hàng chúng. Cần có nhiều phương pháp áp dụng cùng một lúc. Lòng nhiệt tình là một trong những cách đó. Để cắt vật gì cứng, bạn cần một con dao sắc. Lòng nhiệt tình làm cho con dao của bạn trở thành sắc bén.
Loại kham nhẫn này không liên quan đến việc trở thành tấm thảm chùi chân của mọi người. Có người suy nghĩ, “Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi lời đổ lỗi và mọi người ai cũng đúng ngoại trừ một mình tôi – Tôi luôn sai. Hoặc ngay cả khi tôi đúng, tôi cũng không cãi lại”. Nếu làm như thế, người ta sẽ đổ mọi thứ lên đầu bạn. Bạn có thể thừa nhận lỗi lầm, nhưng không đổ lỗi cho mình. Ngay khi bạn bắt đầu đổ lỗi cho mình thì bạn sẽ thành một chiếc thảm chùi chân. Mọi người sẽ cán lên bạn – bằng xe hơi, xe đạp, xe tải, xe ủi. Đây không phải là kham nhẫn, mà là đánh mất lòng tự trọng.
Tự hủy hoại mình không phải là cách rèn luyện tâm linh. Sự thực tập tâm linh là để giúp mình, cải thiện mình chứ không phải hủy hoại mình. Mục đích của Đức Phật là cho thấy chúng ta có thể cải thiện mình đến mức giác ngộ hoàn toàn. Hủy hoại hay tự làm mình suy yếu không phải là cách rèn luyện tâm linh. Khi có gì xấu xảy ra và bạn sai lầm, thì hãy quy lỗi cho những tình cảm bất thiện và các nguồn gốc của chúng, chứ đừng nổi giận với chính mình.
Khi có người “cố làm hại bạn”, bạn có thể làm gì? Đương nhiên là các bạn phải tự vệ. Nhưng bạn không tự vệ bằng cách giận dữ hay căm ghét người ấy. Có một thí dụ mà Ram Dass có lán kể cho tôi nghe, ông ấy dạy tâm lý học tại Đại học Harvard đầu thập niên 1960, khi ấy nhiều người, kể cả anh ta, đang thử chơi LSD (một chất ma túy gây ảo giác, n.d.). Sau khi đã “phi” một lần, anh ta tính toán sai và thấy mình vẫn lên đường vào ngày anh phải về thăm gia đình để dự lễ Rosh Hashanah. Tết của người Do Thái, Ram Dass/ lúc ấy vẫn có tên là Richard Alpert, thuộc một gia đình Do Thái danh giá ở Boston. Anh ta cạo râu, mặc áo quần nghiêm chỉnh và lái xe về nhà cha mẹ. Anh nói anh thấy vô lăng trông giống như một con rắn nằm cuộn tròn, thế nhưng vẫn cứ lái được về nhà.
Ở bàn ăn, anh ngồi đối diện với một thương gia bảo thủ, không thích lối sống của Ram Dass. Người thương gia bắt đầu chỉ trích anh, và đột nhiên Ram Dass thấy nhiều mũi tên xuất phát từ miệng của người thương gia bay thẳng đến anh.
Không để cho các mũi tên trúng vào người, Ram Dass lần lượt chụp bắt từng mũi tên và nhẹ nhàng đạt xuống cạnh đĩa thức ăn. Suốt bữa ăn anh phải chụp bắt các mũi tên và đặt xuống. Nếu anh ta để cho mũi tên đâm vào người, có lẽ anh ta sẽ đáp lại những sự sỉ nhục, nhưng vì anh tránh được cho nên không trả đũa.
Thế đấy, bạn không nên nghĩ rằng, “Cứ để cho người ta làm những gì họ muốn và mình hãy cứ nhẫn nhịn”. Nếu để cho người khác làm hại bạn thì đó không phải là nhẫn. Đó là tự tước bỏ khả năng tự vệ của mình.
Nếu có người đang làm gì đó có hại và không có cuộc tranh luận nào diễn ra thì bạn phải tìm cách tự vệ. Nhưng dù là như vậy, không cần phải ghét bỏ họ. Bạn không cần phải làm gì để chống lại họ, nhưng bạn phải làm gì đó để tự bảo vệ mình, và nếu có thể, đừng làm hại ai trong quá trình đó. Thỉnh thoảng bạn cũng cần phải ngăn chặn người khác nếu cần thiết. Điều ấy không có nghĩa là bạn thiếu kham nhẫn.
Từ sân đến nhẫn
Nếu các bạn nhẫn nhịn một cách dễ dàng, thì thật là tuyệt vời. Nếu không thì làm sao để từ giận chuyển thành nhẫn? Khi các tình cảm bất thiện nổi lên mạnh mẽ, chúng chiếm lĩnh tâm trí bạn: Bạn không thể nào lắng nghe lời cảnh tỉnh bên trong, bạn không thể áp dụng phương pháp đối trị. Bạn cần thời gian. Trước hết hãy tự xét xem mình có đang nổi giận hay không. Nếu không sẵn sàng làm như thế thì lời khuyên của tôi là các bạn nên nghỉ ngơi một chút. Hãy đi ra ngoài. Hãy đi đến nơi nào có phong cảnh đẹp. Hãy hướng sự chú ý của mình đến cái gì trung tính như là thiên nhiên.
Khi ý nghĩ giận dữ hay bạo động nổi lên mạnh mẽ mà bạn hướng được tâm trí vào một đối tượng trung tính thì sức mạnh thôi thúc bạn làm điều bất thiện sẽ suy yếu. Mỗi khi nó đã suy yếu thì nó không thể làm được gì cả. Ở Tây Tạng, nhiều vị thầy của tôi thích leo lên núi cao nhìn xuống thung lũng, dòng sông và các rặng núi. Họ để cho những xáo động trong tâm trí bay đi – nếu có – và hít sâu không khí trong lành.
Một số truyền thống khuyên bạn ngắm cảnh hoàng hôn từ một vị trí hơi cao, đứng với tư thế mềm mại, nhún người nhè nhẹ trên phần mềm gần ngón chân. Bạn hãy thở thật nhẹ ba lần, chín lần hoặc hai chục lần, dùng hơi thở làm phương tiện để đẩy đưa ý nghĩ ra ngoài. Hãy để những ý nghĩ nặng nề ra đi cùng mặt trời và chào giã từ chúng…