Trước khi vào bài giảng, Thượng Toạ đã nhắc nhở tới hàng Phật tử phải khắc ghi công ơn của Hòa thượng Giáo Thọ Thích Bảo Nghiêm – trụ trì chùa Bằng. Bởi lẽ, ngoài đảm trách công việc lớn và quan trọng của Giáo hội, Thầy luôn thương tưởng, quan tâm đến hàng Phật tử cho nên đã tạo nhiều cơ duyên để Phật tử tu tập theo Chính Pháp, trong đó có Pháp hội Dược Sư này. Thầy nhắn nhủ: “Phật tử có nhiều thiện duyên được về đây tu tập, được Hoà Thượng bố thí chia sẻ pháp nhũ, là những lời của Chư Phật cho chúng ta. Ngài là người thực tu nên những lời dạy của Ngài luôn theo đúng chính pháp của Như Lai. Nên Phật tử hãy nhìn thấy phúc duyên may mắn thật quá lớn này mà trân trọng, từ đó phát tâm tinh tiến tu tập“.
Sau đó, Thượng Toạ Giảng Sư hướng dẫn đại chúng cách thực hành những lời Phật dạy để có cuộc sống an lạc, giải thoát. Người Phật tử tại gia hành trì Ngũ giới và tu Mười điều thiện từ Thân Khẩu Ý để thanh lọc. Lên cao một bậc nữa là tu Bồ Tát Giới. Ta thực hành đến đâu thì công đức và sự giải thoát an lạc đến đó. Lời Phật dạy là kim chỉ nam để chúng ta noi theo. Dù tu đắc Thiền, đắc Định, nếu không nương vào Pháp của Phật thì cũng là tà Thiền, tà Định mà thôi.
Thượng tọa nhấn mạnh “Được sinh làm người, đầy đủ sáu căn, thân đầy đủ chi, đầu óc minh mẫn là có phúc báo lớn. Biết đến Phật Pháp, quy Y Tam Bảo, biết đến đạo tràng, Pháp hội để đến tu tập. Người Phật tử chúng ta sống theo lời chỉ dạy của Đức Phật, hiểu đạo và tu tập. Dù chưa đủ duyên lành xuất gia để đoạn những phiền não trần lao của thế tục; nhưng nhân lành theo ta nhiều đời, kiếp nào đó ta sẽ thành Phật. Lúc đó sẽ trả được những oan nghiệp của chúng sinh. Đây là nhân thù thắng khi ta đến với Tam Bảo, để tu. Ta là người phàm phu, còn sinh lão bệnh tử, phiền muộn khổ đau nên khi tu cần y vào Kinh sách của Phật để thực hành. Đến Pháp hội Dược Sư, ngày ngày tụng Kinh Dược Sư, niệm danh hiệu của Đức Phật Dược Sư; với tâm thanh tịnh ta trì niệm nhất tâm thì mọi sở cầu sẽ được linh ứng, rất nhiệm màu; niềm tin và sự tinh tiến dũng mãnh hơn, tâm được an”.
Thượng tọa Giảng sư cũng chia sẻ tới đại chúng cách niệm Phật để nhất tâm bất loạn. Đó chính là niệm Phật nhất tâm, say mê với tín nguyện hạnh của Đức Phật Dược Sư, của các Đức Phật, các vị Bồ Tát. Khi say mê, vọng niệm, tán tâm sẽ đẩy lùi ra. Cách thứ Hai đó là quán chiếu vô thường, đối diện Sinh – Tử. Ta sống trong sinh tử luân hồi, đối diện với cái chết đang giành giật, chỉ có nhất tâm niệm Phật mới đưa ta ra khỏi sinh tử luân hồi.
Ta thực hành lời Phật dạy, nuôi lớn lòng Từ mỗi ngày, không tạo việc ác; công đức lớn dần lên. Ta đến chùa tu tập, ba nghiệp Thân khẩu thanh tịnh, cố gắng nhiếp Ý nữa thì Thân Khẩu Ý thanh tịnh thì công đức sinh ra. Thực hành theo lời Phật dạy: Tâm bình đẳng khiêm cung, coi mọi chúng sinh đều là Phật thì công đức sinh ra. Các Phật tử đã dành thời gian đến đây tu tập, tu “thật” là hãy từ bỏ những thói hư tật xấu đeo bám ta; hãy say mê lời Kinh, siêng năng niệm Phật. Từ đó, ta sẽ không còn phiền não, tâm Phật đã sáng tỏ, cực lạc đã có trong tâm mỗi người.
Kết thúc thời Pháp, Thượng Toạ nhắn nhủ tới đại chúng: “Nếu chúng ta có niềm tin chân tịnh, thực hành dũng mãnh, tinh tiến, nghiệp sẽ tiêu, Chư Phật hộ trì ta. Ta đang là phàm phu, phải nương vào Phật Pháp Tăng để tu, thực hành được điều đó sẽ đem lại kết quả mong muốn cho hàng Phật tử trên bước đường tu tập. Thầy cầu nguyện Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và mười phương Chư Phật gia hộ cho tất cả các Phật tử trong đạo tràng có thân tâm an lạc, tinh tiến tu tập, có đạo tâm kiên cố, đạo hạnh trang nghiêm, đạo quả viên thành. Thầy rất tán dương công đức các Phật tử. Các Phật tử đã có phúc báu duyên lành rất lớn khi được nương nhờ một bậc cao Tăng, một bậc chân tu, một vị Hoà Thượng đứng đầu Phật giáo thủ đô Hà Nội. Nguyện cho các Phật tử mãi mãi là người Phật tử chân chính hộ trì Chính Pháp và tu tập để tạo “nhân” thành Phật trong tương lai“.
Nam Nguyễn – Ban truyền thông