Mở đầu bài giảng, các Phật tử đã được nghe Đại đức Giảng sư trích dẫn phẩm “Hạt muối”, thuộc chương 3 trong Tăng Chi Bộ I Đại tạng kinh Việt Nam.
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo:
Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, nhỏ nhen. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa họ vào địa ngục.
Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, rộng lượng. Người như vậy, có làm việc ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
Này các Tỳ kheo, vì như có người bỏ nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muối trở thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông Hằng, khối nước ấy rất lớn không vì nắm muối này mà trở thành mặn và không uống được”.
Đại đức giảng sư nhấn mạnh “Trong đời sống nếu ta có tạo điều ác nào đó như: giết người, trộm cắp tội tử hình, tà hạnh, đại vọng ngữ; những tội nặng như thế cần sám hối tu hành thật lâu dưới sự hướng dẫn của thiện tri thức mới có thể chuyển hóa, tiêu sạch tội của mình. Nếu tạo tội nhẹ, dù không biết tu Thân – Tâm – Giới – Tuệ thì việc ác nhỏ cũng dẫn ta đi trong địa ngục. Nếu biết tu Thân – Giới – Tâm – Tuệ, thì quả báo ác đó đến ngay trong đời này nhưng rất nhẹ, sẽ không đến trong tương lai. Nắm muối chính là “Nghiệp”, nước là cốc nước “Phúc báu”. Nếu không đủ công đức, phúc báu; khi quả báo đến sẽ trả không kịp. Từ vô lượng kiếp đến nay vì vô minh ta đã tạo ra vô lượng nghiệp, nhận ra lỗi lầm, siêng năng tu tập cho nước công đức phúc báu nhiều lên, để chuyển sạch quả báo nhỏ”.
Trong bài giảng, Đại đức giảng sư đã chia sẻ cách giữ Thân – Giới – Tâm – Tuệ cho đúng chính pháp để lợi lạc cho tự thân mỗi người.
Tu Thân phải trong sạch từ cơ thể đến oai nghi, thường xuyên có chính niệm tỉnh giác, nhìn thấy Thân. Có chính niệm tỉnh giác sẽ giúp Phật tử nhận thức được sự oai nghi của thân đúng hay sai và điều chỉnh nó. Tu Thân cũng có nghĩa là người này bằng chính niệm tỉnh giác yêu thương đối xử với những người xung quanh một cách hợp đạo, chân thành, yêu thương.
Tu giới chính là bỏ ác làm lành. Căn bản Giới chính là không làm điều ác. Còn phát triển Giới chính là dựa trên căn bản đó phát triển các điều Thiện tích cực. Khi ngũ căn tiếp xúc lục trần, tâm dấy khởi lên các ý niệm xấu, giới hạn bắt đầu hiện ra. Giữ giới chính là quay về Tam Bảo, quay về hơi thở, niệm Phật, trở về nơi Tâm của mình. Đây là Tu Giới. Nếu không thực hành được tu Thân thì khó tu Tâm. Vậy nên cần thực tập tu Thân trước, giữ oai nghi phép tắc của người Phật tử để giữ chính niệm tỉnh giác. Từ đó quay về Tâm, sửa Tâm, chuyển hoá Tâm.
Tâm con người bao gồm tâm phi pháp và tâm thiện pháp. Tâm phi pháp (Ác tâm) là tâm suy nghĩ, tìm cầu xu hướng ác như tham – sân – si – tán loạn – hẹp lượng – ô nhiễm – thấp kém – vô thường. Tâm thiện pháp (Thiện tâm) chính là Tâm suy nghĩ, suy tư về ly dục – tham – ác hại – sân – si – không ác hại, tâm được quảng đại rộng lớn, giải thoát. Thực hành tu Tâm, mỗi người cần sống chính niệm tỉnh giác, nhận thức được mọi thứ đều là vô thường, để học bố thí, buông xả những điều xấu ác, bất thiện. Làm những việc thiện để tăng trưởng công đức, nuôi dưỡng lòng từ, học cách sẻ chia yêu thương.
Trích Kinh Dược Sư có dạy “Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, nếu những hữu tình, tùy theo Như Lai nhận các chỗ học mà phá thi la; lại có kẻ tuy chẳng phá thi la mà phá quỷ tắc, kẻ giữ được cả thi la, quỷ tắc lại hủy chính kiến; lại có kẻ tuy chẳng hủy chính kiến mà bỏ đa văn chẳng thể hiểu rõ nghĩa sâu trong kinh của Phật đã nói: có kẻ đa văn, lại tăng thượng mạn, vì tăng thượng mạn che lấp tâm rồi, khen mình chê người, phỉ báng Chính Pháp, làm bạn với ma, người ngu như thế, tự mình đi vào con đường tà kiến, lại còn làm cho vô lượng ức triệu hữu tình cùng theo xuống hố hiểm sâu”.
Thế gian có những người không chịu học; hoặc có người ham học nhưng không hiểu đúng sinh ra ngã mạn, tà kiến. Thế nên ta phải siêng học với những bậc thiện tri thức, các bậc Hoà thượng Tôn túc, kết hợp Văn – Tư – Tu nghĩa là thành tâm học rộng nghe nhiều đúng chính pháp, sau đó nghiền ngẫm kĩ, với tâm chân thành tha thiết tu học để ngộ được tri kiến Phật nơi mình. Đó được gọi là Tuệ.
Sau cùng, trước khi khép lại bài giảng, Đại đức Giảng sư khuyến tấn Phật tử “Khi tu tập đủ Thân – Giới – Tâm – Tuệ như thế sẽ chuyển hoá được cuộc sống trong đời này, nghiệp nặng thành nhẹ, nhẹ thành không có. Cuộc sống an lạc, giải thoát ngay trong đời này và đời sau”.
Diệu Tường – Ban truyền thông