Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Ngày thứ hai của Pháp hội Dược Sư truyền thống...

Hà Nội: Ngày thứ hai của Pháp hội Dược Sư truyền thống tại chùa Bằng

Sáng ngày 14/11/2023, bước sang ngày tu tập thứ hai của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (63 Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhận lời mời của Ban tổ chức, Đại đức Thích Trí Thuần - Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng cho hàng Phật tử hiểu về "Nền tảng căn bản của Phật tử trong thời đại mới". 

140

Trước khi bắt đầu bài giảng, Đại đức Giảng sư đã hướng dẫn đại chúng phát nguyện:

Nguyện cho con thoát khỏi mọi oan trái
Có đầy đủ sức khoẻ bình an và hạnh phúc
Thân không tật bệnh, tâm không phiền não
Hàng ngày an vui tu học
Không gặp chướng ngại
Nam Mô Đông Phương Giáo Chủ Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!

Thế giới ta đang sống luôn thay đổi, vận động như một dòng sông, ngày đêm không trở lại. Trong chính thân thể mỗi người, từng giờ, từng phút, từng giây luôn luôn vận động, thay đổi. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, thế giới này, con người này luôn luôn thay đổi, bị vô thường chi phối. Tất cả chúng ta đến cuộc đời này, mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, vị trí không ai giống ai. Nhưng có một điểm chung, người Phật tử thấy rõ ràng, ai cũng chịu sự thay đổi trong cuộc sống, từ thân – tâm – vũ trụ này đều vô thường.

Người Phật tử căn bản nhất là ý thức được con đường đi trong đời sống này, mỗi sát na nhìn lại dưới chân mình, con đường đi có vững vàng, chệch hướng hay không; ta đi đến đích hay chưa? Hay dừng lại giữa đường, hoặc rẽ sang con đường khác? Đức Phật dạy rằng, một khúc gỗ trôi trên sông, theo lộ trình mà đi thì sẽ ra đến biển, nhưng đến một khúc cua nào đó, không trôi ở giữa dòng thì sẽ bị tạt vào bờ, rẽ sang con đường khác, hoặc bị người hai bên bờ kéo lên. Cũng như vậy trên bước đường tu học của người Phật tử, nếu một đường thẳng tiến, Phật tử sẽ đi vào biển giải thoát. Nhưng giữa chừng, rẽ phải, rẽ trái, đứng lại giữa đường, bị cám dỗ sẽ không đi đến được.

Đại đức Giảng sư nhấn mạnh “Nền tảng chính là gốc rễ, móng, là cái bắt đầu xây dựng lên điều gì đó. Nó cũng là cái cuối cùng xây dựng một toà nhà hay một lộ trình. Nếu thiếu điều này, giống như xây một toà nhà nhưng móng không vững, càng cao càng dễ đổ vỡ. Đối với người Phật tử, điều này cần thiết cho chúng ta bắt đầu và kết thúc đường đi. Nếu không có điều này ta không tiến về phía trước được”.

Đại đức Giảng sư chia sẻ nền tảng đầu tiên căn bản nhất là phải luôn luôn nương tựa vào Tam Bảo với một niềm tin thanh tịnh và sự hiểu biết đúng đắn. Bởi lẽ quy y là bước đầu đến với Phật, bằng đức tin, sự hiểu biết của ta với Tam Bảo. Phải có tư duy đúng chính pháp, để có được điều này, người Phật tử phải bước qua những lộ trình như thân cận thiện hữu trí thức, Thầy hiền bạn tốt: những người đi trên con đường Thiện, chia sẻ với chúng ta niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và san sẻ khổ đau. Biết nói lên cái sai, cái đúng của chúng ta. Biết nhận lỗi lầm và nhường công lao cho người khác.

Sau cùng, Đại đức Giảng sư sách tấn hàng Phật tử “Muốn về cõi Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư hay cõi Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì hàng ngày chúng ta cần ý thức sống và hành động nương theo hạnh nguyện của các Ngài. Người Phật tử cần quyết tâm, cẩn thận, hiểu rõ vấn đề của ta bây giờ là gì, như thế nào, tâm địa của ta đang ra sao. Phải chính niệm, tỉnh giác, đừng coi thường lời nói, hành động nhỏ trong đời sống hàng ngày. Thấy được chất “Phàm” của mình để tu để sửa. Ta không biết chết lúc nào và giác ngộ lúc nào. Khi có tâm từ bi, hỷ xả, thương yêu phát khởi thì phải nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày. Đồng thời, cần duy trì việc hàng ngày tụng Kinh, niệm Phật, nghe Pháp, sống theo chính pháp, đưa khuynh hướng tâm ý chúng ta đặt vào tâm Phật thì tâm Phàm sẽ bị bào mòn, hiện tại được an vui, tương lai chắc chắn sẽ đến những cảnh giới tốt đẹp“.

Diệu Tường – Ban truyền thông