Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật "Con đường giác ngộ" không phải là phim "giải trí thuần túy"

"Con đường giác ngộ" không phải là phim "giải trí thuần túy"

102

Bài viết này không phải là bài phê bình phim “Con đường giác ngộ” (chùa Hoằng Pháp tổ chức thực hiện). Người viết bài này chưa được xem phim đó.

Bài viết bàn luận về những bài viết “phê bình” phim “Con đường giác ngộ” được đưa lên mạng internet trong thời gian vừa qua, khen chê lẫn lộn.

Các bài “phê bình” phim truyện nói trên đều thiếu tính thuyết phục. Đặc biệt là những bài có ý đánh giá thấp bộ phim, đã có những lời đánh giá khá nặng nề, như nêu ra ý “nếu chỉ xem đây là một bộ phim giải trí thuần túy…”

Chùa Hoằng Pháp chắc chắn không đầu tư tâm trí, công sức và tiền bạc để chỉ làm một tác phẩm “giải trí”, và chắc chắn không hề có ý định dùng hình tượng điện ảnh về Đức Phật để giải trí cho ai đó. Tăng Ni Phật tử chùa Hoằng Pháp, đoàn làm phim với bao nỗ lực, rốt lại, chỉ có một “bộ phim giải trí thuần túy” thôi sao?

Nói như thế là quá nặng lời, thậm chí cay độc. Bộ phim nói về cuộc đời vị giáo chủ tôn giáo bị hạ bút đánh giá như thế.

Tôi học ở Khoa Lý luận Phê bình trường Sân khấu Điện ảnh ra, được học với những nhà lý luận phê bình điện ảnh nổi tiếng như Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Luân Kim, Nguyễn Đức Kôn…, đều là những nhà khoa bảng về nghệ thuật học, cũng chưa thấy thầy nào đánh giá một bộ phim đến mức như thế, trừ trường hợp những màn tấu hài được chuyển thể lên màn ảnh.

Lý luận phê bình điện ảnh chỉ ra điện ảnh, cũng như văn học nghệ thuật, có nhiều chức năng, trong đó giải trí chỉ là một. Nói một bộ phim truyện về cuộc đời Đức Phật với câu “Nếu chỉ xem đây là bộ phim giải trí thuần túy thì đáp ứng 80% cho quần chúng Phật tử đang chờ đón”, thực chất, là phủ nhận sạch trơn những giá trị khác của bộ phim.

Trong giới nghệ thuật học, nói tác phẩm của một ai đó chỉ là thứ giải trí thì đã là tột đỉnh miệt thị (dĩ nhiên trừ trường hợp khiêm tốn tự nhận như Nguyễn Du đối với Truyện Kiều: Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh).

Phê bình đến mức như thế thì người đọc ắt phải đọc kỹ lại bài phê bình, xem tác giả bài viết căn cứ vào đâu để đánh giá bộ phim tệ hại đến vậy…

Hóa ra trong các bài phê bình đó không có một chút kiến thức gì về điện ảnh hết. Vậy, mà có bài tác giả không một chút kiến thức về phê bình điện ảnh đó lại lại tự nhận là “dưới cặp mắt chuyên nghiệp”.

Chuyên nghiệp thì phải biết rằng phê bình phim truyện, vở diễn là công việc rất khó. Trong những trường hợp đặc biệt lắm, nhà phê bình mới dám hạ bút đánh giá khi xem phim một lần, nếu không phải viết loại bài như điểm phim, giới thiệu vở diễn (thường chỉ là khen chung chung, không đánh giá chi tiết, cụ thể, nhất là chê bai).

Sinh viên khoa lý luận phê bình sân khấu điện ảnh được dạy rằng xem một tác phẩm điện ảnh hay sân khấu rất khác với tiếp nhận tác phẩm văn học. Người xem tác phẩm sân khấu điện ảnh không thể dừng lại để suy nghĩ, đọc lại để nghiền ngẫm như đối với tác phẩm văn học. Điều này được dạy cho sinh viên lý luận phê bình sân khấu điện ảnh giống như dạy “an toàn điện” cho sinh viên khoa điện – điện tử vậy. Người tự xưng là “mắt chuyên nghiệp” thì đương nhiên được học và biết điều này, không hạ bút đánh giá một tác phẩm bất kỳ ở mức như thế với chỉ một hai lần xem. Nếu không, thì đã tự phủ nhận sự chuyên nghiệp (nếu có) của mình.

Đọc qua những bài “phê bình” đánh giá thấp bộ phim “Con đường giác ngộ”, đều thấy một nét chung là những người viết không am hiểu về nghệ thuật điện ảnh nhưng lại tỏ vẻ mạnh miệng.

Nếu viện dẫn kiến thức chuyên môn ra đây để bàn luận, thì có lẽ câu chuyện sẽ rất dài. Vì vậy, chỉ xin đi vào vấn đề cốt lõi, đó là khi chê phim truyện “Con đường giác ngộ”, tác giả những bài viết như thế không có một căn cứ nào hết khi tiếp cận bộ phim.

Người ta không hiểu được vấn đề cốt lõi của điện ảnh, rằng bộ phim là của ai, ai là tác giả, ai chịu trách nhiệm, tác giả đã xử lý công việc ra sao, đã thao tác nghệ thuật như thế nào.

Không hiểu được như thế, các bài viết khi phân tích những chi tiết trong phim “Con đường thánh chúng”, thì chỉ nói đến những điều vụn vặt, như phục trang, chọn cảnh…

Có bài đi sâu hơn một chút về diễn xuất của diễn viên.

Trong khi đó, trong thao tác phê bình điện ảnh, cái cốt lõi phải nhắm tới là nghệ thuật đạo diễn. Tác phẩm điện ảnh là tác phẩm của đạo diễn. Đạo diễn là người ký tên dưới một bộ phim, chịu trách nhiệm về bộ phim. Đáng tiếc, không bài viết phê bình nào vận dụng nguyên tắc cơ bản này khi viết về bộ phim “Con đường giác ngộ”.

Có người nói qua vài câu về kịch bản văn học. Làm như vậy là “lạc đề” khi tìm hiểu tác phẩm điện ảnh. Một kịch bản kém qua tay một đạo diễn giỏi vẫn có thể là một tác phẩm lớn. Khi dàn dựng một bộ phim, đạo diễn điện ảnh có toàn quyền đối với kịch bản văn học, thậm chí điều chỉnh, sáng tạo thêm nếu xét thấy cần. Một kịch bản văn học có thể được dựng thành nhiều tác phẩm điện ảnh rất khác biệt nhau. Cái cách trình bày của những bài viết đánh giá thấp bộ phim “Con đường giác ngộ” cho thấy người viết không hiểu vấn đề sơ đẳng này của điện ảnh.

Xin lấy một ví dụ cho dễ hiểu, hồn ma trong kịch Hamlet của Shakespeare, khi dựng thành những phim truyện khác nhau, được đạo diễn xử lý khác nhau, với những hiệu quả khác nhau. Đó có thể là một cái bóng trắng, một bộ giáp trụ rỗng, hay một đầu lâu lăn trên đất, hoặc một đóm lửa… Và cũng tùy, đạo diễn muốn tạo hiệu quả gì: kinh sợ, thương cảm… Nghiên cứu tác phẩm điện ảnh Hamlet thì phải tìm hiểu hình tượng các bóng trắng hay chiếc đầu lâu đó, không phải trở về với văn bản của Shakespeare.

Diễn xuất của diễn viên trong điện ảnh cũng có vai trò phụ, so với diễn xuất trên sân khấu. Người diễn viên điện ảnh có thể diễn đi diễn lại nhiều lần (không như diễn viên sân khấu phải diễn liên tục) và đạo diễn chỉ chọn những hình ảnh diễn xuất nào đạt yêu cầu, cũng như đạo diễn có thể chỉ đạo chi tiết diễn xuất. Do đó, trách nhiệm xây dựng hình tượng nghệ thuật Đức Phật trong phim “Con đường thánh chúng” trước hết là ở đạo diễn. Phê bình điện ảnh mà không thấy vai trò đạo diễn, không biết sáng tạo của đạo diễn, không nói trách nhiệm của đạo diễn là không phải phê bình điện ảnh.

Trách những người phê bình phim “Con đường giác ngộ” như thế thì cũng khắt khe, vì thực ra trên báo chí hiện nay cũng nhan nhản những bài viết phê bình điện ảnh nhưng không nắm được đặc trưng điện ảnh như thế. Có thể, nhà báo không được đào tạo ở dạng chuyên nghiệp. Cũng có thể họ chạy theo khán giả, chỉ nhìn tác phẩm điện ảnh bằng cặp mắt của trình độ khán giả phổ thông, không thể thấy những vấn đề phía sau màn ảnh, trên phim trường và trong phòng dựng.

Phim “Con đường giác ngộ” có thể chưa được như khán giả tăng ni Phật tử mong mỏi. Tôi chưa được xem phim nên không thể nói nhiều hơn về phim. Nhưng điều chắc chắn là với sự nỗ lực của chùa Hoằng Pháp và tập thể làm phim, phim “Con đường giác ngộ” không thể là “phim giải trí thuần túy”, cho dù là “nếu”.

Những nhà tu hành và những tín đồ không đưa câu chuyện thiêng liêng về cuộc đời vị giáo chủ “pháp vương vô thượng tôn” của mình để xây dựng thành một tác phẩm chỉ để “giải trí thuần túy”. Cái kiểu nói về phim như thế không chỉ là xúc phạm nhà tổ chức thực hiện, đoàn làm phim mà còn xúc phạm những khán giả Phật tử, trong đó sẽ có tôi.

Không một tín đồ Phật giáo nào đi xem một bộ phim về cuộc đời Đức Phật mà chỉ là “phim giải trí thuần túy”.

MT