Trong khuôn khổ giới thiệu các tư liệu về tình hình tôn giáo ở vùng núi và cao nguyên Việt Nam, có thể phục vụ cho hoạt động hoằng pháp đến đồng bào dân tộc thiểu số, là tài liệu tham khảo hữu ích cho tăng ni Phật tử Việt Nam phát nguyện làm Phật sự quan trọng này, trong bài dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn từ sách “Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam”, tác giả PGS TS Nguyễn Hồng Dương, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2013. Phần được trích dẫn có tựa đề “Đạo Tin Lành với văn hóa Việt Nam” đề cập nhiều đến việc truyền đạo ở cao nguyên.
“Đạo Tin Lành với văn hóa Việt Nam
Đạo Tin Lành được gọi là đạo cải cách bởi nó khai sinh trên cơ sở của Ki tô giáo có cải cách về tín lý, giáo lý, tổ chức giáo hội. Đạo ra đời đầu thế kỷ XVI. Với luật lệ, lễ nghi đơn giản, từ châu Âu, đạo mau chóng phát triển ra nhiều nước thuộc khắp các lục địa.
Tiếp theo hệ phái CMA là hệ phái Tin Lành Cơ đốc Phục Lâm (Adventism) hoạt động truyền giáo ở các tỉnh phía Bắc, thời điểm là năm 1933.
Do gặp phải những điều kiện và hoàn cảnh không thuận lợi nên trong khoảng thời gian dài từ năm 1911 đến năm 1954, Tin Lành ở Việt Nam có khoảng 60 nghìn tín đồ, gần 100 mục sư và truyền đạo. Việc truyền bá, phát triển đạo lên vùng các dân tộc và miền núi thu được kết quả cũng hết sức nhỏ bé.
Từ năm 1954 đến 1975, Tin Lành ở miền Nam lợi dụng điều kiện chiến tranh được các tổ chức Tin Lành quốc tế, chủ yếu là Tin Lành Mỹ nâng đỡ, hỗ trợ, nên đã phát triển khá mạnh. Trong khi thời điểm năm 1975, Tin Lành ở miền Bắc có khoảng 5.000 tín đồ thì ở miền Nam số lượng tín đồ tăng vọt với 200.000, với hơn hai mươi hệ phái và các nhóm Tin Lành.
Đến thời điểm 1975, Tin Lành ở Việt Nam có 205.000 tín đồ. Với số lượng tín đồ như trên, vai trò của Tin Lành đối với văn hóa và phát triển là hết sức hạn chế.
Về lĩnh vực văn hóa vật thể, nhà thờ Tin Lành kiến trúc rất đơn giản. Về cơ bản nó chỉ là ngôi nhà để tín đồ nhóm họp thực hành nghi lễ tôn giáo. Ở đó không có tranh, tượng, sự tạo hình trong kiến trúc nghèo nàn.
Về lĩnh vực văn hóa phi vật thể, mọi nghi lễ Tin Lành đều được tổ chức trong nhà thờ với những mô thức được quy định thống nhất, chặt chẽ. Những bài hát phục vụ cho nghi lễ cũng thấy có sự sáng tạo.
Tin Lành không có sự hội nhập văn hóa từ nghi lễ, trang phục đến các cơ sở thờ tự. Chẳng những thế, do lệ thuộc vào kinh thánh mà một số hệ phái và mục sư, truyền đạo có cái nhìn khá cứng nhắc.
Trong một số lĩnh vực kinh tế – xã hội, Tin Lành Việt Nam đã có những đóng góp nhất định. Ở những chi hội tín đồ là nông dân, các mục sư, giảng sư tuyên truyền, vận đông tín đồ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Về chủ quan, đời sống tín đồ nâng cao, hôi thánh nhờ đó mà thu được nhiều đóng góp của tín đồ.
Về khách quan, đó là việc tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tin Lành nghiêm cấm tín đồ uống rượu, hút thuốc (đặc biệt là thuốc phiện) vì như thế làm ô uế đền thánh vì theo quan niệm của Tin Lành, cơ thể con người là đền thánh thờ Thiên Chúa. Tín đồ đạo Tin Lành thực hiện hôn nhân một vợ một chồng nên ít thấy có tảo hôn và ly dị. Tin Lành dạy tín đồ sống cần kiệm, chăm chỉ làm việc, ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cộng đồng tín đồ tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện, giúp nhau làm ăn, nhất là khi khó khăn, hoạn nạn.
Từ năm 1975 đến nay, hoạt động của Tin Lành ở Việt Nam vẫn theo chiều hướng tương đối phức tạp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, dân tộc.
Mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất. Tây Nguyên là địa bàn nóng bỏng về chính trị do hoạt động chống phá cách mạng của tập đoàn phản động Fulro như xây dựng lực lượng vũ trang, gây bạo loạn. Mặc dù trong thời kỳ Mỹ – Ngụy, Fulro và Ban Chủ nhiệm Tin Lành Trung Thượng hạt có những liên hệ về chính trị, nhưng thời gian sau giải phóng, Tin Lành ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn hoạt động bình thường. Hệ thống tổ chức giáo hội cơ sở vẫn tồn tại, nhà thờ mở cửa sinh hoạt, chức sắc tiếp tục hành đạo.
Trong quá trình trấn áp Fulro, những chứng cứ cho thấy có sự cấu kết giữa một số nhân vật cầm đầu hội thánh Tin Lành địa phương với Fulro. Mục sư chủ nhiêm Trung Thượng hạt của Tin Lành làm cố vấn của Trung ương Fulro, 3 mục sư, 16 truyền đạo tham gia giữ các chức vụ khác nhau (gồm 1 đại tá bộ trưởng, 2 trung tá, 3 thiếu tá, 10 sĩ quan cấp tiểu đoàn).
Một số nhà thờ Tin Lành trở thành nơi cất giấu vũ khí, truyền đơn chống phá cách mạng.
Với những bằng chứng cụ thể đã nêu trên, các tỉnh ở Tây Nguyên chính quyền ra lệnh đình chỉ hoạt động Tin Lành. Tin Lành Tây Nguyên chỉ tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng tại gia.
Cũng từ thời điểm giữa những năm 80, ở miền núi phía Bắc nước ta, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của người Hmông và một bộ phân người Dao có việc truyền bá phát triển đạo Tin Lành bất bình thường gây xáo trộn về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội và mất ổn định an ninh chính trị.
Quá trình truyền bá, phát triển đạo trong đồng báo Hmông từ năm 1986 đến nay có thể chia thành 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1986 đến năm 1990): Dựa vào các văn bản và nguồn tư liệu từ thực tế, theo chúng tôi thời kỳ này trong cộng đồng người Hmông từ chỗ nghe một số kẻ cầm đầu tung tin đến chỗ có một bộ phận theo Vàng Chứ, cúng Vàng Chứ, bỏ thờ cúng Tổ tiên và một số tập tục lâu đời của dân tộc mình.
Giai đoạn thứ hai (từ năm 1991 đến năm 1992): Một bộ phận người Hmông xin chuyển theo đạo Công giáo. Song Công giáo Việt Nam cụ thể là Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tòa Giám mục Hưng Hóa đã không có chủ trương, kế hoạch để đón tiếp họ.
Giai đoạn thứ ba (từ năm 1993 đến nay): Quần chúng theo đạo nhận mình là tín đồ của đạo Tin Lành. Hội thánh Tin Lành miền Bắc (số 2, Ngõ Trạm – Hà Nội) có vai trò tích cực trong việc truyền bá, phát triển đạo. Hình thành tổ chức giáo hội cơ sở. Xuất hiện những tụ điểm cầu nguyện.
Ảnh hưởng của việc truyền bá phát triển đạo trong người H mông
Trước hết nó làm đảo lộn trật tự xã hội truyền thống, một xã hội lấy dòng họ làm nền tảng, nền tảng ấy bao đời nay duy trì lớp lang, ổn định xã hội người Hmông.
Tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống bị loại bỏ, Người theo đạo không còn thờ cúng tổ tiên. Không còn chơi hội núi, hát dân ca, thồi kèn.
Hậu quả về kinh tế là hết sức nặng nề. Bọn xấu sách động hàng trăm quần chúng tìm đường sang Lào; hàng nghìn quần chúng di cư đến Lai Châu, Sơn La. Một số thôn bản toàn bộ cư dân bỏ làng bản, tài sản, ruộng nương ra đi, trong đó có một số làng bản kéo đến Tây Nguyên. Việc di cư gây khó khăn cho địa phương, đặc biệt là nạn phá rừng. Không ít người lâm vào cảnh đói kém, con cái thất học, bệnh tật phát sinh. Một số người có tâm lý không chịu làm, chờ đợi những phép lạ của Vàng Chứ, của Chúa Trời. Bà con phải nộp thuế 10% và đóng góp tiền của cho bọn truyền đạo nên đời sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.”
MT (giới thiệu)