– Xin thầy cho biết cảm xúc của thầy lúc này?
– Khi nhận được hoa và quà ai mà không mừng, nhất là từ học trò. Hơn nữa nếu không có em đến thăm, tôi cũng chưa nhận ra ngày 20/11 sắp đến gần. Tuy nhiên tôi vui hơn vì vừa tặng sách cho em. Niềm vui của người tặng quà thường lớn hơn người được nhận. Em có công nhận không.
– Đúng vậy ạ, nhưng thầy là người thầy đặc biệt…
– Chắc em muốn nói đặc biệt là ở chỗ thầy giáo – doanh nhân và có rất nhiều học trò đúng không.
– Ý em ở chỗ khác, thầy rất hay tặng quà, mà quà của thầy thường là sách. Hơn nữa thầy công khai nhận mình là Phật tử, trong khi đa số các thầy cô giáo khác chưa dám tự nhận như vậy. Thầy có thấy ngại không ạ?
– Ô hay, tại sao lại ngại. Mình là Phật tử thì phải nhận, nên nhận 1 cách công khai chứ. Là người con của Phật là một niềm vinh dự. Hơn nữa khi chúng ta công khai bất cứ cái gì, chúng ta cần cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn. Ngày xưa người ta thường chọn mục “tôn giáo” trong lý lịch để khai “không” nhằm tránh phiền toái với các cơ quan nhà nước. Ngày nay khác rồi, thậm chí nhiều lãnh đạo cấp cao cũng còn tự công khai mình là Phật tử nữa mà.
– Ngày 20/11 của thầy và Thái Hà Books có gì đặc biệt?
– Xã hội coi đó là ngày “nhà giáo” còn thầy từ nhiều năm nay gọi là “Tết thầy trò”. Tết tức là phải vui, phải tặng quà, mừng tuổi. Tết thầy trò tức là cả thầy và trò đều chúc mừng nhau. Em đến với thầy thì thầy lại chúc mừng em. Rất ý nghĩa em ạ. Làm như vậy thầy trò càng ngày càng gần gũi nhau hơn.
Trên facebook và nhiều nơi khác, các bạn đồn nhau rằng thầy phản đối chuyện chạy điểm, mua điểm, quà cáp, biếu xén để có tấm bằng đẹp!
Mình thích những ai học thật. Học để lấy kiến thức. Học để đi làm chứ không phải học thuê cho bố mẹ, cho thầy cô, cho bằng cấp. Học không để khoe. Ở nhiều nước, nhà trường không có quyền công bố điểm của học sinh, sinh viên. Ở nhiều nơi, sinh viên được chọn thầy cô. Điều này có nghĩa rằng những thầy cô dạy chưa tốt, hay không giỏi có thể thất nghiệp. Mình có nghe tin ở một số lớp, sinh viên góp tiền nộp cho thầy giáo trước mỗi khi thi để thi đỗ. Lại có những nhóm sinh viên tìm đến nhà thầy cô để đưa phong bì mong không bị trượt hoặc được điểm cao. Thầy thật sự không tin có chuyện này.
– Theo thầy, thầy giáo – Phật tử khác gì thầy giáo bình thường ạ?
– Khác nhiều chứ. Là Phật tử thì ai cũng phải giữ giới, giữ 5 giới cơ bản. Làm thầy cô giáo thì càng phải gương mẫu. Thầy luôn tự nhắc mình “dạy bằng cách làm gương”. Chỉ cần làm gương thôi, không dần dạy gì thêm cả thì học trò đã học được nhiều lắm rồi.
Nếu cho thầy quyền được có 1 sự thay đổi trong tất cả các trường học, thầy sẽ làm gì?
Thầy sẽ đưa ngay môn “đạo đức làm người” vào trường học.
– Nhưng trong các nhà trường hiện nay vẫn có môn “đạo đức” hay “giáo dục công dân” đó chứ ạ. Mà tại các trường học đều treo khẩu hiệu lớn “Tiên học lễ, hậu học văn” mà!
Môn mình muốn là “Đạo đức làm người – tìm hiểu và ứng dụng luật nhân quả”. Chỉ khi nào mỗi chúng ta hiểu rõ luật nhân quả thì mới sống tốt được. Mình cho rằng luật nhân quả là phát minh vĩ đại vô cùng. Luật này vẫn có từ bao đời nay nhưng từ ngày có Đức Phật mới được ứng dụng rộng rãi. Nếu ai cũng hiểu luật nhân quả, không ai dám làm bậy. Bạn có thể tưởng tượng xã hội khi đó tốt thế nào không.
– Nếu ngay bây giờ mời thầy đến 1 trường học để giảng 1 bài, thầy sẽ giảng về cái gì?
– Mình đi ngay với bạn để giảng về “ 5 bí quyết để giàu có và hạnh phúc”.
– Thầy có thể nói rõ hơn nội dung không ạ?
– Có gì đâu. Bí quyết thứ nhất là không sát sinh và nên phóng sinh, nên thương yêu tất cả quanh ta. Khi đó ta khỏe mạnh và được yêu thương. Bí quyết thứ 2 là không trộm cắp và nên bố thí và giúp đỡ mọi người. Khi đó ai cũng giàu có và nhà cửa không cần phải khóa. Thứ 3 là không tà dâm và biết bảo vệ hạnh phúc cho mọi gia đình. Khi đó ai ai cũng hạnh phúc và bình an, ai cũng được bảo vệ và sống trong an toàn. Bí quyết cuối cùng là không sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích. Khi đó ai cũng làm chủ được mình, có trí tuệ sáng suốt.
– Thầy có lời chúc nào cho bạn đọc và tất cả những ai được đọc những dòng này?
– Nguyện mong cho mọi người có đủ sức mạnh để vượt qua mọi chông gai trong cuộc đời, có đủ tỉnh thức để biết đúng sai, có đủ tâm rộng lớn để yêu thương mọi chúng sinh, có đủ kiên nhẫn và trí tuệ để tu tập đi đến giác ngộ.