Chúng ta cũng đã tìm hiểu một phương tiện truyền đạo đặc thù là dùng phát thanh sóng ngắn phát từ nước ngoài, một phương tiện vẫn còn xa lạ với hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam.
Những phương tiện này đã khiến việc hoằng pháp của Phật giáo đến với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cao nguyên đã muộn màng càng muộn màng hơn nữa.
Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc tăng ni Phật tử một tài liệu cho thấy kỹ thuật cải đạo người miền cao dân tộc Hmông sang đạo Tin Lành. Việc tham khảo nội dung tài liệu trích dẫn ở đây sẽ giúp quý tăng ni Phật tử có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về công cuộc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cao nguyên, những vấn đề, những khó khăn có thể gặp phải. Có giải quyết những vấn đề này thì mới có thể giải quyết tình trạng hoằng pháp muộn màng của Phật giáo Việt Nam ở vùng núi và cao nguyên hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Tài liệu được trích dẫn là sách “Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay”, tác giả TS Đậu Tuấn Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội năm 2013, từ trang 117:
“Các nguyên nhân khác
a) Nguyên nhân theo đạo và truyền đạo trái phép
Tìm hiểu nguyên nhân di cư của người Hmông, không thể xem xét đến vấn đề cải đạo và hoạt động truyền giáo Tin Lành trong hơn hai thập kỷ qua ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và miền Tây tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Trong đời sống tinh thần của người Hmông có rất nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng chủ yếu là tín ngưỡng thờ cúng đa thần, vạn vật hữu linh vốn tồn tại phổ biến ở hầu hết các dân tộc người thiểu số ở miền núi Việt Nam. Tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Hmông tuy đơn giản về niềm tin nhưng có nhiều nghi lễ rườm rà, phức tạp, thậm chí, có những nghi lễ không còn phù hợp với xã hội mới và gây tốn kém về kinh tế. Trong bối cảnh đó, đạo Tin Lành – một tôn giáo hiện đại, nghi lễ đơn giản, sẵn sàng đổi mới, thích nghi với mọi nền văn hóa đã xâm nhập vào vùng dân tộc thiểu số Việt Nam và một bộ phận người Hmông đã tin và theo đạo Tin Lành với hy vọng tôn giáo này sẽ mang đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp họ thoát khỏi được sự ràng buộc của những phong tục, tập quán truyền thống.
Trong những năm gần đây, người Hmông di cư còn do một số đối tượng truyền đạo trái pháp luật trong các tổ chức Tin Lành tuyên truyền, lôi kéo. Ở Cao Bằng, lợi dụng nhu cầu cải đạo ở một bộ phận người Hmông, các đối tượng cốt cán truyền giáo Tin Lành đã lôi kéo và kích động người Hmông di cư với luận điệu: “Việc xây dựng thủy điện Sông Gâm nước sẽ ngập nơi cư trú; ở đây chính quyền không cho đạo Vàng Chứ hoạt động, vào Nam thì được tự do theo đạo”.
Ở Bắc Cạn, Lào Cai, các đối tượng tuyên truyền: “Tin Lành ở Tây Nguyên phát triển khắp các buôn làng, nơi nào cũng có nhà thờ và tín đồ đa phần cũng là người dân tộc thiểu số, đất đai lại nhiều và màu mỡ rất thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống, nếu di cư vào Tây Nguyên sẽ được tự do theo đạo và có nhiều đất tốt sản xuất”. Luận điệu tuyên truyền như trên đã làm cho một bộ phận người Hmông tin rằng, nếu đến Tây Nguyên không chỉ có nhiều đất màu mỡ để sản xuất, mà còn được “tự do sinh hoạt tôn giáo”.
Trên thực tế, nhiều nhóm dân di cư tôn giáo từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên là do số cốt cán truyền giáo Tin Lành trái pháp luật cầm đầu lôi kéo. Cụ thể, hoạt động lôi kéo người Hmông di cư của Giàng Seo Trắng (Hà Giang), Ma Seo Lử (Lào Cai) và nhiều đối tượng khác đã hình thành các đường dây di cư tự do từ Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn vào các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nhất là vào Đắc Lắc. Một số đối tượng người Hmông theo Tin Lành di cư vào Tây Nguyên, đã qua địa bàn miền Tây tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo người Hmông ở đây di cư tự do vào Tây Nguyên và sang Lào để được tự do theo đạo.
Một số đối tượng khác là người Hmông ở Nghệ An, trước đây di cư sang Lào nay trở về thăm thân cũng tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người đồng tộc, anh em họ hàng di cư sang vùng Mường Mọc (Xiêng Khoảng), Viêng Thoong (Bô Ly Khăm Xay) để thành lâp những bản riêng của người Hmông theo đạo Tin Lành.
Trong thời gian gần đây, các trung tâm truyền giáo Tin Lành bên ngoài cũng đã thông qua mạng internet, các tổ chức phi chính phủ, người nước ngoài du lịch tự do để phát tán các tài liệu tôn giáo trái phép; tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Hmông di cư vào các tỉnh Tây Nguyên và đẩy mạnh hoạt động truyền đạo Tin Lành tới vùng có người Hmông sinh sống, đặc biệt là vùng biên giới Việt – Lào nhằm tập hợp lực lượng, hình thành các cộng động dân tộc – tôn giáo để thực hiện ly khai. Hoạt động nói trên đã tác động tới một bộ phận người Hmông, làm cho họ không yên tâm sản xuất, bán hết tài sản, nhà cửa di cư sang Lào.
Một số đối tượng người Hmông ở Kỳ Sơn (Nghệ An) còn lập danh sách những người chuẩn bị di cư theo đạo Tin Lành để gửi ra nước ngoài xin được giúp đỡ.
Những năm gần đây, trên địa bàn miền Tây Thanh Hóa còn xuất hiện dòng chuyển cư ngược từ số người Hmông đã di cư vào Tây Nguyên, nay di cư trở lại để sang Lào, nhiều trường hợp trong số đó còn tiếp tục di cư sang Thái Lan, Mianma chờ đi Mỹ…
b) Âm mưu của các thế lực thù địch
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đồng bào Hmông di cư tự do trong những năm gần đây là do có sự lôi kéo của các thế lực thù địch. Hoạt động lôi kéo của các thế lực thù địch thể hiện trước hết ở việc tuyên truyền, kêu gọi người Hmông di cư sang Lào lập “vương quốc Hmông”. Hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người Hmông ly khai lập “Vương quốc Hmông” được các thế lực phản động thực hiện dưới nhiều hình thức, chủ yếu là thông qua các đài phát thanh tiếng Hmông ở hải ngoại; các tổ chức phản động của số người Hmông sống lưu vong trên đất Thái Lan, Mianma và phỉ ở Lào; và trực tiếp lôi kéo một bộ phận người Hmông từ Việt Nam di cư sang Lào tham gia các tổ chức phản động, vũ trang bạo loạn cướp chính quyền để đón vua, lập “Vương quốc Hmông”…
Từ kinh nghiệm sử dụng đài “Châu Á Tự do” trong việc chống phá các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết trước đây, các thế lực phản động đã xây dựng các đài phát thanh tiếng Hmông (FEBC, H mông ABC, H mông Lao Radio, Mojthem…), các website về “Vương quốc Hmông” và đẩy mạnh hoạt động phát sóng chương trình phát thanh bằng tiếng Hmông, với nội dung khơi dậy ý thức về một nhà nước của người Hmông.
Thời gian gần đây, các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người Hmông ly khai thành lập “Vương quốc Hmông” đang diễn biến phức tạp, không chỉ dừng lại ở những hoạt động có tính chất tác động đến tâm lý, tư tưởng qua các phương tiện thông tin, các ấn phẩm văn hóa, các hoạt động truyền giáo Tin Lành… mà còn hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn thông qua các nhóm phỉ, các tổ chức phản động của người Hmông trên tuyến biên giới Việt – Lào để tuyên truyền, lôi kéo. Thông qua các mối quan hệ họ hàng, đồng tộc, các thế lực phản động đã phát tán các loại băng, đĩa ghi âm, ghi hình để tuyên truyền, lôi kéo người Hmông ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên.
Do tác động của những luận điệu tuyên truyền, đến nay đã có nhiều người H mông sống ở vùng biên giới Việt – Lào trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An di cư sang Lào. Ở tỉnh Điện Biên, nhiều thanh niên còn sang Lào để gia nhập “bộ đội Hmông Lào”; tham gia các lớp huấn luyện quân sự, luyện võ nghệ để chuẩn bị cho việc thành lập “Nhà nước riêng của H mông”; một số còn tham gia tổ chức “người Hmông yêu thương người Hmông” do Vừ A Nính ở Mường Chà (Điện Biên) cầm đầu.
Ở Nghệ An, một số người Hmông khi di cư sang Lào đã tham gia vào các đường dây vận chuyển tiền bạc, tài liệu tuyên truyền về “Vương quốc Hmông”. Một số đối tượng người Hmông ở các bản Huổi Đun và Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) sau khi di cư vào các vùng phỉ Lào trở về đã dùng cờ sáu cánh, có nền màu đỏ để tuyên truyền cho sự tồn tại một nhà nước của riêng người Hmông. Trong số những người di cư vào vùng phỉ Lào có đối tượng Thò Bá Cải ở bản Hợp Thành (Xá Lượng, Tương Dương) được giao nhiệm vụ trở về vùng dân tộc H mông Nghệ An tuyên truyền “Vua Mèo sẽ về, người Hmông phải theo vua Mèo để lập vương quốc cho người Hmông”.
Ngoài số người Hmông bị lôi kéo ly khai thành lập “Vương quốc H mông”, một bộ phận người Hmông ở Nghệ An còn bị tác động bởi luận điệu: “Thời gian tới Hội người Hmông ở Mỹ sẽ về Lào mở lớp dạy tiếng Anh cho người Hmông ở Xiêng Khoảng, nếu ai tham gia học sẽ được đi Mỹ”. Do đó, một số thanh niên, học sinh người Hmông ở Nghệ An đã di cư sang thị xã Pôn Xa Vẳn (Lào) để học tiếng Anh chờ ngày đi Mỹ. Ngoài ra, trong những năm gần đây, ở miền Tây Nghệ An còn xuất hiện tình trạng tuyên truyền, vận động phụ nữ người H mông sang Lào lấy chồng là người Hmông từ Mỹ trở về để được bảo lãnh sang Mỹ.
Cho đến nay, cộng đồng người Hmông định cư ở hải ngoại có rất nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có nhiều tổ chức hoạt động mang màu sắc chính trị như: “Hội người Hmông thế giới” và “Liên hiệp người Hmông tự do” của Vàng Pao; “Tổ chức phát triển người Hmông ở Mỹ của Lee Pao Xiong; “Hội trí thức người Hmông” của Giàng Chá Nhìa và Giàng Đạo. Trong thời gian qua, các tổ chức phản động của nhóm người Hmông lưu vong ở nước ngoài cũng đã cho ra đời tổ chức gọi là “Đảng Cộng sản Hmông” và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người Hmông ở Việt Nam di cư tự do sang Lào thành lập lực lượng vũ trang; lãnh đạo người Hmông đấu tranh thành lập nhà nước độc lập, hình thành khu tự trị riêng của người Hmông tại ba tỉnh phía Bắc Lào. Bên cạnh việc xây dựng các tổ chức phản động chống phá cách mạng hai nước Lào – Việt, các thế lực thù địch cũng đang chú ý lôi kéo, nuôi dưỡng những người trẻ tuổi, có học thức, con cháu của những người thuộc tầng lớp trên trong cộng đồng người Hmông có thời gian gắn bó với chính quyền thực dân trước đây để đào tạo, bồi dưỡng.
Tính đến năm 2001, trong cộng đồng người Hmông đã có 126 người được đào tạo tình độ thạc sĩ và 3.500 người được đào tạo trình độ cử nhân. Nhiều người trong số họ hiện đang giữ những vị trí nhất định trong đời sống xã hội và trong các tổ chức văn hóa, khoa học ở Mỹ, Pháp… Những đối tượng này không chỉ được hỗ trợ về vật chất và tinh thần, mà còn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi khác như cho nhập quốc tịch để trở thành công nhân của nước Mỹ, được hoạt động dưới danh nghĩa của các tổ chức từ thiện, nhân đạo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ chống phá cách mạng Việt Nam.”
Đoạn trích trên cho chúng ta thấy việc theo đạo Tin Lành của người Hmông, ngoài chính nguyên nhân tôn giáo, còn có nguyên nhân chính trị, xã hội, kinh tế, dân tộc, di trú. Không chỉ trong cộng đồng người Hmông tại Việt Nam, mà còn mang yếu tố quốc tế.
Vì vậy, phải thấy hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và cao nguyên không chỉ đơn thuần là vấn đề tôn giáo, không chỉ liên hệ đến riêng Phật giáo.
MT (giới thiệu)