Trang chủ Diễn đàn Dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view bất chính (Bài...

Dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view bất chính (Bài 4: Cần làm gì?)

63

Cụm từ hoạt động truyền thông tiêu cực có thể sử dụng để chỉ việc dùng tu sĩ Phật giáo làm mồi câu view. Để chỉ hoạt động truyền thông tiêu cực gây tác hại trong một thời điểm nào đó, các sách giáo khoa truyền thông gọi là “khủng hoảng truyền thông”. Tôi không thống nhất với cụm từ này, vì nó có vẻ cường điệu, nhưng vì nó được sử dụng phổ biến, nên xin tạm đưa vào đây.

Để giải quyết một cuộc khủng hoảng truyền thông, đã có một số tài liệu hướng dẫn tổng quát về những bước chủ yếu. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu một trong số những chỉ dẫn như vậy, trích từ “Giáo trình quan hệ công chúng chính phủ trong văn hóa đối ngoại”, tác giả PGS. TS. Lê Thanh Bình (chủ biên), Th. S. Đoàn Văn Dũng, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011. Đoạn trích bắt đầu từ trang 69:

Kỹ năng giải quyết khủng hoảng của một tổ chức (kể cả cơ quan chính phủ)

1.    Mục tiêu cơ bản:

a)    Củng cố lòng tin, duy trì sự tín nhiệm (về năng lực, hành động minh bạch; hướng giải quyết vấn đề chân thành, nghiêm túc; đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, kịp thời);

b)    Nhằm tránh sự hiểu lầm, sai lệch dù vô tình hay hữu ý (giải thích rõ các dữ kiện từ thực tế với tính thuyết phục cao);

c)    Chủ động đối thoại với công chúng, giành quyền diễn giải (diễn giải các dữ kiện theo định hướng, nêu bật ý nghĩa và đưa ra thông tin nền tảng để công chúng nắm, không bị phân tán, lợi dụng).

2.    Nguyên tắc và phương pháp:

+ Tốc độ nhanh, chân thành, cởi mở, thấu đáo (nhằm gây sự tin tưởng, nâng cao tín nhiệm); có thể đưa ra một báo cáo giàu tính logich và thuyết phục với đủ các lý do, phạm vi thời gian xảy ra khủng hoảng;

+ Việc đầu tiên là chỉ đưa ra các dữ liệu thực tế, không nêu nhận xét mơ hồ, con số phỏng đoán;

+ Dự đoán các phản ứng của công chúng, giới truyền thông để xử lý, không nhường diễn đàn cho họ bằng cách im lặng, lùi bước hay tỏ thái độ bằng ngôn từ, hành động gây phản cảm;

+ Phương pháp diễn giải các sự kiện là đưa các khái niệm có tính mâu thuẫn, xung đột nhau để công chúng nhìn sự vật hệ thống, toàn cảnh không đơn lẻ, cá biệt; nên ví dụ về khủng hoảng tương tự ở các quốc gia khác để so sánh; khôn khéo làm giảm nhẹ vấn đề. Chủ động, chân thành nêu một số sai lầm, thiếu sót và đưa ra các giải pháp khả thi, tâm huyết;

+ Chỉ được viện dẫn lý do khủng hoảng do “bất khả kháng” và hoàn cảnh hiểm nghèo, khó tránh theo đúng thực tế.

–    Chú ý về việc cử người tiếp xúc với công chúng: Đó là người có chức trách, cương vị phù hợp; hiểu vụ việc, có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề khủng hoảng, quen tiếp xúc với báo chí (kể cả nhà báo nước ngoài); ngoại hình dễ thân thiện, linh hoạt trong ứng xử với đám đông….

–    Chú ý về thủ pháp: “Xoa dịu và lẫn tránh” dễ khiêu khích người nghe, do đó nên chủ động, nghệ thuật đối diện với vấn đề và nêu rõ quan điểm, cách nhìn riêng có lý có tình của mình (nhất là khi ta đại diện cho chính phủ).

–    Chú ý về phương tiện hỗ trợ diễn giải: Nếu có tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình, phim ảnh… có thông tin; lời bình có lý, có tình, thiện cảm với tổ chức/người đang đối mặt khủng hoảng thì nên làm minh chứng.

–    Chú ý về lộ trình: Ngay sau khi sự kiện gây khủng hoảng xảy ra: Đứng ra “phất cờ” tuyên bố rõ các dữ kiện chọn lọc từ thực tế và điểm lại các sự kiện (dễ tác động đến công chúng), xem xét các vấn đề một cách nghiêm cẩn, toàn diện. đưa ra một số tuyên bố chân thành, xây dựng, cầu tiến (không họp báo khi chưa đủ thông tin, dữ liệu);

Khoảng vài ngày sau khủng hoảng: Tập hợp khẩn trương dữ kiện thực tế để ra thông cáo báo chí và họp báo công khai;

Khoảng một tuần sau: Lại bồi thêm những diễn giải mới;

Thời gian tiếp theo: Cần đưa thêm thông tin chi tiết của vấn đề và các phụ lục;

Trong thời gian khủng hoảng: Cứ chờ kết quả và không đưa ra các thành tựu của mình, dễ gây phản tác dụng;

Khi khủng hoảng lắng dịu: Đừng nhắc lại chủ đề này nữa, dù làm hài lòng thêm những người từng trực tiếp giải quyết khủng hoảng hoặc có thêm chi tiết dữ liệu thanh minh, tác động giảm khủng hoảng, v.v…;

Kết thúc “chiến dịch”: Phải thông báo cho những người đã tham gia giải quyết khủng hoảng biết chiến lược mới, lâu dài để tránh khủng hoảng tương tự, mở ra giai đoạn phát triển ngay sau khủng hoảng.”

Qua đoạn trích trên, xin đặc biệt lưu ý đến ý: “KHÔNG NHƯỜNG DIỄN ĐÀN CHO HỌ BẰNG CÁCH IM LẶNG, LÙI BƯỚC”.

MT