Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Các pho tượng quý và di sản cổ tại chùa Thầy (Hà...

Các pho tượng quý và di sản cổ tại chùa Thầy (Hà Tây)

1060

Dường như tại đây, những người có vai trò quyết định trong công việc trùng tu qua các thời đại đã có ý thức bảo lưu những kết cấu kiến trúc theo kiểu cũ, nhưng mở rộng và nâng cao để chứa đựng được khối di vật luôn được bổ sung trong đó. Số lượng di vật chùa Thầy vô cùng đồ sộ, niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng cho tới ngày nay. Sẽ không ngoa nếu ví chùa Thầy như một bảo tàng sưu tập hiện vật của nhiều thời đại.


NHỮNG PHO TƯỢNG QUÝ


Chùa Thầy hiện còn bảo lưu được 36 pho tượng cổ, niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn, xếp thứ 3 về số lượng tượng cổ (sau chùa Mía có 252 pho và chùa Cói có 37 pho).


Tòa điện Phật bài trí 6 lớp tượng. Tam Thế Phật ngự trên tầng cao nhất của tòa điện Phật, cả ba pho đều trong tư thế thiền định, chân xếp bàn kiết già, cùng kích thước (cao 0,82m). Pho ở giữa với mái tóc kết xoắn ốc, khoác cà sa chùng rộng, nếp áo phủ cân xứng qua hai bờ vai. Pho bên trái, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay trái đặt lên gối trái, nếp áo cà sa luồn thưa hơn, vắt từ vai trái qua vai phải. Pho bên phải, tay trái đặt trước lòng với ngón cái cong lên, tay phải đặt ngửa trên đùi phải.


Lớp thứ 2 là Tuyết Sơn, tiếp theo đến Di Lặc (TK XVIII). Quan âm thiên thủ thiên nhãn niên đại TK XVIII ngự ở hàng thứ 4, cao 0,8m, trong tư thế kiết già trên đài sen, đôi tay chính chắp trước ngực, 8 đôi tay còn lại xòe sang hai bên, cầm bát bửu (tháp, kẻo, ngọc, chuông…). A Di Đà ngự ở hàng thứ 5, Tòa Cửu Long bố trí ở lớp thứ 6, tạo tác vào TK XIX.


Xung quanh nhang án và tòa Cửu Long đặt bộ Kim Cang. Hai bên điện Phật bài trí 2 dãy Thập điện Diêm vương quay mặt vào nhau, nay chỉ còn 6 pho. Cùng dãy có thêm tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, không có tượng Ngọc hoàng Thượng đế, Điện Phật còn có các tượng: Thánh Tăng; Diệm Nhiên Đại sĩ, Đức Ông (2 pho); Hộ pháp (2 pho); Tứ Trấn (4 pho), tượng ngựa (2 pho). Đặc biệt nơi đây có tượng Khuyến Thiện TK XIX, cưỡi sư tử, tay nâng ngọn tháp, chất liệu đất sét giấy bổi.


Tòa điện Thánh bài trí nhiều pho tượng cổ quý giá: bộ Di Đà Tam Tôn. tượng A Di Đà nhỏ (TK XVII), tượng Từ Đạo Hạnh, tượng Lý Thánh Tông, tượng phỗng…
Hai dãy hành lang bên ngoài điện Phật thờ 18 vị La hán.


1. Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ cổ nhất Việt Nam


A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa tòa điện Thánh. Tượng theo tư thế kiết già. Đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc.


Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại TK XVI. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhân có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn.


Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Kích thước tượng: cao 1,48m, ngang vai 0,58m, ngang đùi 1,14m. Đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt.


Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng. Kích thước tượng: cao 1.22m, ngang vai 0.3m, ngang đùi 0.77m. Đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống tượng đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi.


Cả ba pho Di Đà Tam Tôn đều được tạc bang gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhà nghiên cứu Trán Lâm Biền, trong sách Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt cho rằng: “Bộ Di Đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta (đầu TK XVII). Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại TK XVII vì có hình thức gần với tượng Quan âm thời Mạc”. Trong sách Chùa Việt Nam, Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (ở chùa Thầy) có niên đại 1607 hiện là bộ tượng sớm nhất ở nước ta”.


2. Tượng Từ Đạo Hạnh


Được bài trí phía trước mắt bệ đá tòa sen hình hộp, tượng tạc bằng gỗ vào TK XIX, phủ một lớp sơn màu cánh gián nhạt, tư thế thiền định trên bệ gỗ hình tròn. Kích thước: cao 0.95m, ngang vai 0.35m, ngang đùi 0.58m. Đầu đội mũ thất Phật, làm bằng vải thêu kim tuyến. Mặt hơi gầy nhưng rắn rỏi, hai bên miệng có nhiều nếp nhăn, tai dài, lông mày cong, giống tượng chân dung. Ngoài thân tượng phủ kín bông lớp áo cà sa màu vàng (vải thật). Toàn bộ tượng và bệ gỗ được đặt trên một bệ đá sư tử đội tòa sen được chế tác từ thời Lý.


3. Tượng phỗng


Chùa Thầy có hai pho tượng phỗng khá độc đáo, đặt trước bàn thờ vua Lý Thần Tông. Niên đại của tượng là TK XVII, kích thước: cao 1.2m, ngang vai 0.42m. Tượng có thân mình mập khỏe, cởi trần, mặc váy, bụng phệ tròn căng. Hai chân trần chúc mũi chân xuống dưới, gót chống thẳng lên trên. Dải tóc dài quấn quanh đầu. Tai tượng to, có lỗ ở hai bên. Thắt lưng có hai múi lượn dài về phía trước.


HỆ THỐNG BỆ CHÙA THẦY


Chùa Thầy có hệ thống bệ (cơ đài) phong phú, thuộc nhiều thời đại (Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn), với nhiều chất liệu (đá, gỗ). Đáng quan tâm nhất phải kể đến các bệ: bệ đá sư tử đội tòa sen thời Lý, bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, bệ tượng vua Lý Thần Tông (gỗ, TK XV), bệ gỗ Tam Thế (gỗ, TK XVI), bệ Di Đà Tam Tôn (gỗ, TK XVII), bệ Quan âm thiên thủ thiên nhãn (gỗ, TK XVIII), bệ tượng Di Lặc và bệ Thích Ca sơ sinh (TK XIX)…


1. Bệ đá sư tử đội tòa sen thời Lý


Đây là bệ hiện đang dùng để đặt tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bệ được tạo từ chất liệu đá màu gan gà, cao 0.83m, chia làm nhiều tầng cấp. Phần đế là một hình bát giác cao 0.5m, với 4 cấp liên tiếp nhau. Trên đế là sư tử đội tòa sen. Sư tử trong tư thế phục chầu, miệng rộng, răng xếp hàng đều nhau, trên trán có u tròn nổi. Bộ râu sư tử gồm 3 chòm chải đều. Lưng phủ yếm, chân trước giẫm lên quả cầu. Điểm xuyết trên thân sư tử có những hoa nhiều cánh xoắn.


2. Bệ đá tòa sen hình hộp thời Trần lớn nhất Việt Nam


So với những bệ đá tòa sen hình hộp thời Trần nằm trong rất nhiều ngôi cổ tự ở Bắc Bộ, bệ chùa Thầy có kích thước đồ sộ nhất nước ta, đồng thời là chiếc bệ duy nhất gồm hai tầng bệ. Kích thước bệ: cao 1.36m, dài 3.91m, rộng 2.75m.


Bệ được chế tác từ đá xanh. Tầng bệ trên kết cấu tương tự một bệ đá tòa sen hoàn chỉnh ở vùng Bắc Bộ, gồm 3 phần. Trên cùng là đài sen với hai lớp cánh ngửa, một lớp cánh úp. Mỗi cánh sen ngửa thể hiện theo kiểu kép ba, đường gờ giữa xoắn đau tròn ở phía trên. Dưới hàng cánh sen có một đường diềm hoa dây, tiếp đến là đường gờ hình lá sồi úp.


Thân bệ tạc chim thần và rồng. Chim thần Garuda (Kim sí điểu) có mỏ ngắn, mắt tròn trơn, bụng phệ, hai tay đưa lên như đỡ lấy tòa sen. Chân của chim hơi khuỳnh hai bên, các móng tay nhọn và như đang nắm lấy viên ngọc. Mặt trước và hai mặt bên của thân bệ chạm rồng không vảy với cặp sừng chìm trong lóp tóc bờm.


Dưới hàng hình rồng có đường gờ trơn, tiếp theo hàng chân quỳ đè lên một đường gờ trơn khác,


Tầng bệ phía dưới lớn hơn bệ trên, cách thức cũng tương tự một bệ đá tòa sen hoàn chỉnh. Diềm trên có một hàng hoa dây, tiếp theo là một hàng sen kép, lớp chim thần, rồng, hoa, lá…


3. Bệ gỗ thế kỷ XV


Đây là bệ của tượng vua Lý Thần Tông, đặt gian bên trái tòa điện Thánh. Cấu trúc khá phức tạp, hình lục giác với các cạnh không đều nhau, giật cấp ba tầng. Mặt bệ có cạnh lớn 0,68m, cạnh nhỏ 0,54m, Hoa văn mặt bệ là một đường diềm với trang trí xung quanh có các u tròn, Thân bệ thu nhỏ, nhiều hình trang trí, diềm trên và diềm dưới có một lóp cánh sen mũi xoắn. Mặt trước của bệ có ô trang trí một con rồng. Thân rồng mập lượn cong, phủ vảy điểm xuyết những viên ngọc, bờm một dải tỉa mượt lượn phía sau. Đầu rồng ngoảnh về sau, miệng nhả ra viên ngọc. Bốn mặt bên của bệ chạm hình sừng tê giác, ngọc báu trên nền hoa văn lá đề có diềm hình ngọn lửa. Sáu góc bệ đều có trụ chống,trang trí hoa sen với những cánh thon và các múi nổi.


NHỮNG DI VẬT QUÝ KHÁC


Ngoài hệ thống tượng và bệ, chùa Thầy còn rất nhiều di vật quý khác như: nhang án, khám, tế khí, hạc, phượng, chân đèn, lư hương, sập thờ, khánh, chuông, nhiều bia đá, sắc phong…


Chùa Thầy hiện nay còn bao lưu được bảy nhang án cổ đặt trong tòa điện Thánh và tòa điện Phật.


Bên phải khám thờ, có giá gỗ giắt bộ kiếm thờ gồm 8 chiếc niên đại TK XVII, trong đó có một chiếc chạm rồng và hổ phù, một chiếc chạm hoa văn quy bối và kỳ hà. Hai bên của tượng vua Lý Thần Tông có bộ di vật TK XVII, bên trái có tiêu, sáo, hòm sách: bên phải có 4 thanh đao, 1 thanh kiếm, 2 chiếc gậy, 1 chùy, 1 phủ việt. Cạnh sập thờ, sau tượng vua Lý Thần Tông có một hòn đá thờ từ TK XVII.


Gian phía bên phải tòa điện Thánh có đôi hạc được chế tác vào TK XVIII. Hạc cao 2.4sm, thân thon, cổ cao và cong, mỏ dài. Đôi chân hạc đứng thẳng trên lưng rùa, bờm có những dải lông dài xen những dải lông nhỏ tỏa đều ở hai cánh, đau cánh chạm hình rồng, Rùa thân mập, đầu cổ rụt nhưng ngẩng cao, mai chạm hình lục lăng, bốn chân bám chân trên mặt bệ,


Gian bên trái tòa điện Thánh có 3 con phượng bằng gỗ ở tư thế đứng, niên đại TK XVIII. Phượng cao 2.3m, đầu ngẩng cao, mỏ quặp, chân thon khỏe. Mao phượng hình mây cuộn, bờm tỉa thành 4 dải tỏa lượn xuống sau gáy. Chân phượng cỏ 4 móng to quặp, đứng trên bệ gỗ được tạc lồi lõm như núi.


Góc bên trái phía trong cùng của tòa điện Thánh, ngay sau 3 con phượng có một chiếc sập bằng gỗ, được tạo tác từ TK XVII. Sập cao 0,65m, dài 1.7m, rộng 1.25m. Nghệ thuật chạm khắc trên sập chủ yếu là hoa văn như ý.


Xưa kia chùa có quả chuông đồng lớn, đúc vào năm Long phù Nguyên Hòa thứ 9 (l109), nhưng đáng tiếc ngay nay không còn. Chuông chùa đang thờ hiện nay được đúc lại vào năm Giáp Thân (1794). Kích thước chuông: cao 1.75m, đường kính đỉnh 0.44m, đường kính miệng 0.93m. Cả bốn ô của chuông đều chia lam 2 phần, phần rộng khắc bài minh, phần nhỏ ghi tên những người góp công đức việc đúc chuông. Chuông có 4 núm gõ. Quai chuông hình rồng cuốn thời Lê, cao 0,55m.


Chùa Thầy có 7 tấm bia đá, được chạm khắc vào các năm 1653, 1666, 1673, 1683, 1672 và 1717, Lâu đời nhất là tấm “Thiên phúc tự tạo lệ bi” niên đại Thịnh Đức thứ nhất (l653), Bia đặt trong nhà khách, hình khối chữ nhật dẹt, trán tròn, Kích thước bia: cao 1,66m, rộng 0,9m, dày 0,2m, Trán bia khắc “lưỡng ong triệu nguyệt”, diềm chạm lân chầu, Hai mặt bia khắc hoa văn và minh văn, bài ký “Thiên phúc tự tạo lệ bi” ghi lại vị trí và lịch sử của chùa.


Chùa còn lưu giữ 26 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến, niên đại trải dài từ TK XVII đến TK XX…


Lưng ngai bằng gỗ cổ nhất Việt Nam


Một trong những di vật quý giá nhất của chùa Thầy được các nhà khảo cổ học quan tâm nghiên cứu là lưng ngai, thời Trần. Trên phần chuôi mộng cuối cùng của lưng ngai khắc 19 chữ Hán, có nghĩa: “Niên hiệu Thiệu Phong (Trần Dụ Tông) năm Bính Tuất (l34ó), ngày 25 tháng 10, người coi điện là Đinh Thiện ở làng Trung Thuỷ, xã Đô Minh Cẩm, với nhân duyên của mọi người trong vùng, tạc nên hai pho tượng Thánh Phụ, Thánh Mâu, đặt an trí dài lâu, cầu được phúc bình, chắp tay xin ghi lại”, Thánh Phụ, Thánh Mẫu ở đây là thân phụ và thân mẫu của Từ Đạo Hạnh (ngài Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan).


Nhà nghiên cứu Tống Trung Tín, trong cuốn sách Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý – Trần (TK XI- XIV), đã nhắc tới nhiều di vật quý của chùa Thầy: bệ đá mâm bồng thời Lý, bệ đá hoa sen thời Trần, cỗ lưng ngai thời Trần… Theo ông thì: “Lưng ngai chùa Thấy có niên đại chính xác năm 1346. Trong điêu khắc, hình “sừng tê ngọc báu” lồng vào trong hình lá đề mới chỉ gặp ở thời Trần, đó là biểu hiện sự gần gũi giữa thiền và Đạo giáo trong Phật giáo Lý – Trần”.


Rất nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu khảo cổ, đều cho rằng: lưng ngai bẵng gỗ ở chùa Thầy là một trong số hiếm hoi những di vật gỗ thời Trần vượt qua được sự huỷ hoại của thời gian đến ngày nay, và đây cũng là cỗ lưng ngai cổ nhất Việt Nam.


Khám Khám thờ Từ Đạo Hạnh:


Khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh đặt ở góc trong cùng của tòa điện Thánh, trên một đế bệ (cơ đài). Trong khám có tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh vô cùng độc đáo. Tượng có nhiều đốt khớp với sợi dây xích để khi mở khám ra, tượng sẽ tự đứng dậy “chào” quý khách, Xưa kia, nghệ thuật múa rối nước rất phát triển ở Sài Sơn, nên những nghệ nhân đã chế tạo pho tượng này theo loại hình con rối để tạo ấn tượng linh dị, Nhưng tới thời Nguyễn, người ta cho rằng, việc Thánh sư đứng dậy chào người trần là không hợp lẽ, nên họ đã cắt bỏ dây xích này, vì thế ngày nay pho tượng không còn cử động được nữa.


Khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh cao 3m, dài và rộng 1.83m. Khám gồm ba lớp: mái, thân, đế. Mái khám có hai tầng, giống như hình mui luyện, Trụ nhỏ mọc trên đỉnh mái, nâng cao một nụ sen. Mỗi góc mái đều có hai xà nhô ra chạm hình đầu rồng. Bốn cột tròn chạm rồng dựng tại các góc khám. Rồng dài thon cuộn tròn quanh cột theo chiều dài, thân phủ vảy, râu và vây có các dải mây lượn. Giữa các thanh xà nối bốn cột, có những cụm đấu củng hình vuông. Mỗi mặt có 3 cụm đấu, xen giữa là những biến thể hoa văn. Quanh xà có những đường diềm bao kín, chăm hoa dây, sen, mai, cúc. Giả lan can của khám có trụ vuông ở bốn góc, các trụ chính cũng là để mở lối vào khám.


Mặt trước khám lắp bộ cửa gồm 2 cánh, cùng vách ngăn ở hai bên. Cánh cửa hình chữ nhật chia thành 4 ô trang trí. Hai ô trên cùng chạm hình rồng thân thon, lượn vặn vỏ đỗ từ dưới lên trên thành hình lá đề. Hai ô dưới đều chạm con phượng đang trong tư thế nhảymúa. Đuôi phượng mảnh, tỉa nhiều lớp uốn lượn toả ra phía sau, xen kẽ có các cụm mây hình khánh.


Đế khám chia làm 3 tầng, kết cấu tương tự bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần. Đế bệ chạm hồi văn được chia thành nhiều ô chữ nhật nhỏ, tỉa hình ca rô các hình trám lồng. Mặt đế khắc 3 lớp cánh sen. Chân đế kiểu chân quỳ dạ cá, trang trí các cuộn lá đề và mây cuộn. Thân đế có một cánh sen ngửa, mũi sen xoắn lõm.


Khám có niên đại TK XVI, trừ một vài bộ phận đã được thay thế vào thời Nguyễn.


Hiếm thấy ngôi chùa nào đã ngót ngàn năm tuổi, vẫn giữ vị trí tọa lạc không thay đổi như Thiên Phúc tự (chùa Thầy). Dĩ nhiên không thể còn nguyên vẹn kiến trúc thời Lý do Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng, dấu tích còn lại đến bây giảm kết quả của những đợt trùng tu lớn (vào TK XVII, TK XVIII).


Dường như tại đây, những người có vai trò quyết định trong công việc trùng tu qua các thời đại đã có ý thức bảo 1ưu những kết cấu kiến trúc theo kiểu cũ, nhưng mở rộng và nâng  cao để chứa đựng được khối di vật luôn được bổ sung trong đó. Số lượng di vật chùa Thầy vô cùng đồ sộ, niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng cho tới ngày nay. Sẽ không ngoa nếu ví chùa Thầy như một bảo tàng sưu tập hiện vật của nhiều thời đại.