Trang chủ Văn học Tùy bút Sen bách diệp

Sen bách diệp

255

Mái chùa cong rêu phủ, giếng nước chùa trong trẻo, tháp cổ bên cây bồ đề suốt mùa xanh thắm, và hồ bán nguyệt trước chùa nở đầy những đoá sen trắng, sen hồng. Chiến tranh đi qua, tôi mất cả một bầu trời nhỏ. Và chỉ còn lại “áo lam mẹ về đường quê” trong ký ức buồn của tôi.


Mẹ mặc áo lam hay áo nâu hồng? Mẹ mặc áo lụa màu mỡ gà hay áo bà ba đen?… Nhiều người mẹ vẫn còn in dấu ấn trong nỗi nhớ của con cháu mình như thế. Nhưng với mẹ tôi, mỗi khi đi lễ chùa đầu năm đến mặc chiếc áo dài màu lam và trên tay là một bó sen hồng. Mẹ phải qua đò ba bến để đến chùa. Ngày ấy, con sông Như Ý chảy qua giữa làng đã chia làng tôi thành ba giáp. Chưa có câu bắc qua sông. Ở giữa khúc sông đã có đò ba bến từ hồi nào hồi nào. Nơi ngã ba sông nổi lên một cồn cát. Tiếng người gọi đò và những câu hò man mác trời trên sông nước quê tôi.


Khi tôi xa làng để lên phố đi học thì làng tôi đã trở thành vùng “xôi đậu”. Tôi đi, về thăm nhà trong những ngày căng thẳng như thế. Tôi đã đau xót, ngậm ngùi trước vườn chùa tiêu tiêu xơ xác, cánh đồng lúa bị bom đạn cày xới. Nhưng người trong làng vẫn bám trụ. Và mẹ tôi cũng ở lại. Ở ngã ba sông vẫn còn ơi ới tiếng gọi đò ngang. Giữa những âm thanh không sắc không màu, mẹ tôi vẫn bình yên bên ngôi chùa cổ. Nhiều bà mẹ quê thường mặc áo lam, áo nâu tìm đến chùa để cầu nguyện cho “quốc thái dân an”. Cái hồ bán nguyệt trước chùa  đã khô cạn. Có một lần về thăm làng, tôi theo mẹ đi dọc con đường quê, qua đò ba bến để đến chùa. Lần đó mẹ tôi không có bó hoa sen mà chỉ có tấm lòng. Lúc đứng bên hồ khô cạn, mẹ tôi “lối” ca dao rằng: “Sen xa hồ sen khô hồ cạn. Lụu xa đào lụu ngả đào nghiêng…”. Dường như trong câu nói đó có nỗi lòng của mẹ tôi. Không phải là người có nhiều chữ nghĩa, nhưng mẹ tôi đã thuộc ca dao, dân ca nằm lòng.


Mẹ tôi nói ca dao tự nhiên, và thường xen vào giữa câu chuyện một vài câu ca dao, dân ca thế ý nhị. Dường như mẹ tôi thuộc được nhiều câu ca dao nói về hoa sen… Tôi đã học được nhiều điều ở mẹ tôi từ nhữlng câu ca dao thân thuộc. Một lần khác mẹ phải tản cư lên phố để tránh giao tranh ác liệt. Mẹ căn dặn các con bằng ca dao, ngầm ý nói chúng tôi đang sống xa quê giữa phồn hoa đô hội thì không được lây xấu, mà làm sao phải giữ được trong sạch thanh cao.


Rồi Mẹ tôi nói “lối” ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng/Nhụy vàng bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Và bất chợt mẹ tôi hỏi: “Con biết loại hoa nào được gọi là hoa quân tử?”. Không thể chờ lâu hơn, mẹ liền nói: “Hoa sen là hoa quân tử!”. Và mẹ tôi hỏi tiếp: “Có cái hồ mô gọi là lòng yên tĩnh?”. Câu hỏi quá khó so với tuổi của tôi hồi đó. Tôi lặng im và mẹ tôi chỉ cười rất hiền.


Sau này lớn khôn, tôi mới biết ở Thành Nội cố đô Huế có một cái hồ rộng và rất thơ mộng, gọi là hồ Tịnh Tâm. Hồ sen này có hơn hai trăm năm tuổi. Giữa hồ có ba hòn đảo, trên đó xây nhiều lâu đài xinh đẹp, có hai cây cầu gỗ nối liền đảo với cung đường của Cấm thành. Hồ được trồng một thứ sen quý, mùa hè tỏa ra một mùi hương ngào ngạt. Vua Thiệu Trị đã có bài thơ “Tịnh hồ hạ hứng”, liệt hồ này vào một trong hai mươi danh thắng của đế đô. Thời ấy, hồ Tịnh Tâm chỉ trồng một loại sen bách diệp, là thứ sen nhiều cánh nhỏ màu hồng. Loại sen quý hiếm này đã đi vào ca dao: “Hồ Tịnh Tâm nhiêu sen bách diệp/Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam /Ai về cầu ngói Thanh Toàn/Cho em về với một đoàn cho vui. Ngày nay, hồ Tịnh Tâm không còn loại sen bách diệp nữa mà chỉ trồng một loại sen trắng…


Mỗi độ xuân về, tiếng chuông ngân, đóa sen nhiều cánh màu hồng và con đường quê xưa vốn đêm sâu trong ký ức bất chợt hiện về. Trong không gian thân thuộc đó như có mẹ tôi mặc chiếc áo lam, tay cầm bó sen hồng lướt đi trên con đường xưa. Bây giờ thì mẹ tôi đã đi xa lắm, nhưng những câu ca dao về “Sen khô hồ cạn”, về “Hoa quân tử?”, về “Lòng yên tĩnh”… vẫn mãi cù rúc thương nhớ. Và nơi yên tĩnh ấy, loại sen bách diệp hiếm quý mãi là một lời nhắn nhủ cuối cùng của mẹ tôi.