Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Bí ẩn khó lý giải về bộ kinh cổ nhất Việt Nam

Bí ẩn khó lý giải về bộ kinh cổ nhất Việt Nam

159

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đã có lúc bộ kinh bị quên lãng hơn một thế kỷ dưới lòng đất. Trong một cơ duyên tình cờ, bộ kinh lại được tìm thấy và gây ấn tượng mạnh mẽ cho toàn thể những người chứng kiến. 

Được phát hiện sau hơn trăm năm nằm dưới lòng đất

Ngày 16/11/1987, tất cả hòa thượng và phật tử chùa Phật Quang (tọa lạc trên đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang tất bật quét dọn chùa để chuẩn bị cho ngày lễ vía phật A Di đà và lễ tất niên. Khi quét dọn đến tẩm thờ Tam thế Phật, các sư thầy bỗng dưng phát hiện một số tấm ván lót dưới nền bị gập ghềnh. Mọi người cùng rủ nhau kéo ra để sắp xếp lại, vô tình phát hiện một hầm ngay giữa chính điện, trong hầm có chứa một cũi rất kiên cố làm bằng gỗ căm xe. Khui nắp cũi ra, mọi người ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết vì trong cũi là một bộ kinh Pháp Hoa được khắc trên 118 tấm gỗ chắc chắn. Vậy là sau hơn một thế kỷ nằm yên trong lòng đất, bộ Kinh Pháp Hoa đã được tìm ra và gây chấn động cho nhiều người vì giá trị lịch sử và ý nghĩa nhân văn to lớn của nó.

Một tấm gỗ khắc kinh Pháp Hoa.

Bộ Kinh Pháp Hoa tên đầy đủ là Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Kinh ghi lại lời thuyết giảng trong 8 năm của Đức Phật bằng chữ Hán trên cả hai mặt của 118 tấm mộc, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26 m, dày 0,026 m với tổng cộng hơn 60 vạn chữ. Điều đáng nói ở đây là bộ kinh được khắc ngược nhưng không sai, không lặp hay không thiếu một chữ nào so với bản gốc. Bộ kinh gây ấn tượng cho người tiếp xúc bởi sự tinh tế, tỉ mỉ và điêu luyện trên từng đường nét chạm trổ. Người xem không khỏi thán phục, trầm trồ vì sự đôi tay tài hoa, khéo léo của người khắc. Do được khắc trên gỗ thị đỏ, một loại gỗ tích nhiệt cao, không loài sâu mọt nào dám đến gần nên bộ kinh hầu như còn nguyên vẹn 100% dù đã có niên đại 311 năm.

Được biết, cây thị đỏ chỉ phát triển được duy nhất tại vùng Bình Thuận, Ninh Thuận. Một năm, thị đỏ chỉ rụng 7 lá, thân cây phát ra một nhiệt lượng rất nóng không loài vật nào dám lại gần. Vào đời vua Lê- chúa Trịnh, thị đỏ được cống nạp ra Bắc để dùng chạm khắc các tài liệu quan trọng của triều đình. Ngoài những tấm mộc bản khắc nội dung kinh Pháp Hoa, còn có 7 tấm chạm khắc lại cảnh Đức Phật Thích Ca giảng kinh cho thánh chúng nghe. Đây không chỉ là những hình ảnh minh họa về Đức Phật và chúng sinh, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, quý hiếm. Theo lời chú giải được khắc trên gỗ về nguồn gốc bộ kinh, ba thiền sư người Hoa là Khất Sỹ Minh Dung, Thiệt Huệ, Thiệt Sát đã khắc trong 28 năm ròng (tức là từ năm 1706 đến năm 1734 ) mới hoàn thành.

Đáng kinh ngạc hơn cả là bộ kinh được khắc hoàn toàn từ đôi tay tài ba của hòa thượng Thiệt Huệ. Không chỉ thế, để có kinh phí hoàn thành bộ kinh, hòa thượng Thiệt Sát đã phải khất thực trong 28 năm khắp phủ Bình Thuận cũ. Rung động trước tài năng của ông, chúa Nguyễn Phúc Chú phong tặng danh hiệu “hòa thượng thánh thủ”. Cho đến mãi ngày nay, vẫn còn rất nhiều nghi vấn cần giải mã về bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất Việt Nam này. Không ai biết được tại sao phải chôn bộ kinh dưới lòng đất, ai là người đã chôn bộ kinh. Bộ kinh được làm ở đâu? Phải chăng bộ kinh có chứa một bí mật quan trọng nên cần phải chôn giấu cẩn mật như vậy ?

Theo giả thiết của hòa thượng Thích Huệ Tánh, trụ trì chùa Phật Quang, dưới thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã ra lệnh trưng dụng tất cả đồ dùng bằng đồng của các chùa chiền, kể cả tượng phật để lấy nguyên liệu đúc vũ khí đánh quân Thanh. Các hòa thượng đã phải chôn giấu để bảo vệ bộ kinh nguyên vẹn. Sau đó, vì một số nguyên nhân nên bộ kinh đã bị quên lãng đến tận ngày nay. Lời giải thích này có vẻ khá hợp lí. Tuy nhiên bộ kinh làm bằng chất liệu gỗ không phải bằng đồng, nên nguyên nhân phải chôn cất vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Quả bom rơi trúng nắp hầm chứa kinh nhưng không nổ.

Đối mặt với 6 quả bom nhưng vẫn nguyên vẹn

Ngôi chùa có 3 kỷ lục guiness Việt Nam

Tính đến thời điểm này, chùa Phật Quang đã được công nhận là ngôi chùa có 3 kỷ lục guiness Việt Nam về bộ kinh Phật khắc bằng gỗ đầy đủ và cổ xưa nhất, quả chuông gia trì lớn nhất, cặp mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất. Quả chuông gia trì có đường kính 1,2m, cao 1m, nặng 400 kg, huông do nhóm thợ người Quảng Nam thực hiện. Cặp mõ gia trì mỗi chiếc cao 0,8, ngang 0,92m làm bằng gỗ mít lấy từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình do nhóm thợ Quảng Nam làm trong 7 năm (1997-2004). Chùa được xây dựng thời Hậu Lê, trải qua 18 đời truyền thừa, là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất tỉnh Bình Thuận.

Trao đổi với PV về bộ kinh Pháp Hoa, niềm tự hào và di sản văn hóa vô giá của chùa Phật Quang, hòa thượng Thích Huệ Tánh chia sẻ: ” Ít người biết rằng, bộ kinh này đã trải qua nhiều lần nguy hiểm tưởng chừng sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn. Khoảng những năm 1950, vào thời kháng chiến chống Mỹ, chùa đã bị bỏ bom nhiều lần. Thời gian đỉnh điểm, chùa bị bỏ 6 quả bom liền khiến chính điện hầu như tan nát thành phế thải. Quả bom thứ 7 đã được thả ngay trên nắp hầm chôn kinh. Thế nhưng, điều kỳ diệu là quả bom này không phát nổ nên bộ kinh vẫn còn nguyên vẹn như bây giờ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều lần những tưởng bộ kinh bị hư hao, thất lạc nhưng dường như có một bàn tay vô hình vẫn luôn gìn giữ, che chở để bộ kinh còn được lưu truyền cho hậu thế”.

Hiện nay, trên thế giới các nhà nghiên cứu chỉ mới tìm được 3 bộ kinh Pháp Hoa có niên đại lâu đời. Trong đó gồm 2 bộ kinh của Trung Quốc và 1 bộ của chùa Phật Quang tại Việt Nam. Song, một bộ khắc trên chất liệu đồng và một bộ khắc trên chất liệu đá tại Trung Quốc do trải qua thời gian lâu dài nên đã bị phong hóa, mục nát và mất nhiều bản khắc nên nội dung không còn đầy đủ, nguyên vẹn, chỉ còn lại khoảng 20%. Do vậy, bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang được xem như bộ kinh quý hiếm và trọn vẹn duy nhất là chính xác. Ngày 2/1/2006, bộ kinh Pháp Hoa này đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu bộ kinh Phật khắc gỗ cổ nhất Việt Nam.

Theo hòa thượng Thích Huệ Tánh, điều đáng tiếc nhất hiện nay là vẫn chưa tìm thấy người biên dịch, soạn thảo nội dung cho 60 vạn chữ Hán của bộ Kinh Pháp Hoa này. Đội ngũ tăng ni, sư sãi của chùa đã tập trung vào công tác biên tập, phiên dịch trong nhiều năm qua. Nhưng vì thiếu kiến thức chuyên môn và sự khác nhau về cách sử dụng ngôn ngữ của hai thời đại nên ý nghĩa bộ kinh vẫn chưa được khai thác triệt để. Từ ngày được phát hiện đến nay, những người đến thăm và tìm hiểu về bộ kinh đa số là tín đồ, du khách. Vẫn chưa có nhà nghiên cứu, chuyên gia nào bắt tay vào công tác nghiên cứu nội dung của bộ kinh. Do đó, lượng kiến thức và giá trị học thuật bộ kinh cung cấp cho phật tử và những người quan tâm vẫn còn hạn chế.

Thấy được những giá trị to lớn của bộ kinh, toàn bộ đội ngũ tăng ni phật tử đã phải canh giữ, trông coi và bảo quản bộ kinh hết sức cẩn thận. Hằng ngày, bộ kinh được mang ra lau chùi và cất giữ trong tủ kính với 2 ổ khóa kiên cố. Cứ 2- 3 tháng, chùa phải di chuyển địa điểm cất kinh để tránh kẻ gian nhòm ngó.