Họa sĩ Lê Thiết Cương, trong một dịp trò chuyện đã khá bức xúc: “Vào chùa bây giờ chả thấy cây đại, cây ngâu đâu, chỉ thấy toàn là bon sai đắt tiền, quy ra cũng phải hàng tỉ. Vong bản mất gốc hiện diện ngay trong chùa thì thật buồn”. Anh kể, thực tế là không còn ngôi chùa nào quanh hồ Tây còn giữ được không gian cổ kính. Nhiều chùa chặt đại, phá ngâu để thay vào là bonsai tiền tỉ do phật tử cung tiến.
Trong một buổi tọa đàm về văn hóa Việt do một báo tổ chức, nhà báo Hữu Thọ nói: “Văn hóa là một trong 4 trụ cột giúp quốc gia phát triển bền vững. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MacNamara trước đây đã tổng kết 8 nguyên nhân khiến Mỹ thất bại ở Việt Nam, trong đó nguyên nhân thứ hai là không hiểu văn hóa Việt. Suốt chiều dài nghìn năm Bắc thuộc kẻ thù cũng không thể đồng hóa chúng ta, đến nỗi thời nhà Minh, Minh Cảnh Tổ phải ra chỉ dụ: Muốn khuất phục nước Việt phải xóa bỏ văn hóa Việt”.
Ông cũng cho biết thêm: “Hiện nay thế giới đang tồn tại khái niệm bảo vệ Tổ quốc về phi Chính phủ, tức là không chỉ bảo vệ biên cương hải đảo, dù điều đó cực kì quan trọng, mà còn biên giới mềm, còn khái niệm xâm lăng về văn hóa, nhân quyền chủ quyền, tức là một cuộc đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà nội dung về văn hóa rất được đề cao”. Trong văn hóa có di sản, kho tài nguyên vô giá của ông cha, ứng xử với di sản thế nào là phụ thuộc vào nhận thức, hành xử của mỗi người.
Hiện nay, không ít những điều chướng tai, gai mắt vô tình hay cố ý đang hiện hữu rành rành ở nơi được coi là chốn tôn nghiêm đình, chùa. Đặc biệt, hiện tượng này, ngày càng theo chiều hướng gia tăng, nhân rộng khiến cho không ít người xót xa, nuối tiếc.
Tôi nhớ, trong một sáng mùa xuân, bên cạnh ly càphê dang dở, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, kẻ lãng du đa tình, người nhạc sĩ của đồng quê thảng thốt khi nhắc đến di sản. Anh bảo thật xót xa khi đi qua nhiều ngôi chùa trước đây từng là chùa cổ, đẹp màu rêu phong của dòng thời gian, nay sau khi trùng tu, tôn tạo khoác cho mình chiếc áo lòe loẹt, diêm dúa. Hình hài quen thuộc, gần gũi khi xưa giờ trở nên xa lạ, kì quặc đến khó hiểu.
Trong một dịp tiếp xúc với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ nhắc đến vấn đề di sản, ông cho biết: Giờ người ta thi nhau xây to, xây mới đền, chùa. Thực ra chùa Việt, nhất là những ngôi chùa miền Bắc có cái đẹp tổng hòa với môi trường xung quanh. Cái đẹp của đền, chùa là vẻ đẹp khiêm nhường, nương nép hòa trong không gian chứ không tách bạch, đơn điệu, riêng lẻ với không gian xung quanh. Người ta đến nơi tâm linh, tín ngưỡng là có cảm giác như được gột rửa, thanh sạch, bỏ mặc những u ám, bụi bặm thường nhật ở đời thường. Bỏ hết cái tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố để hướng mình đến một cõi thế giới huyền bí soi rọi. Nếu như nơi đó, sau khi thiết kế thi công có thể hoành tráng, bề thế đấy nhưng sao con người thấy ít nhiều lạ lẫm, ngơ ngác.
Tại mỗi làng quê nào ở Việt Nam, hay không đâu xa, ngay tại những con phố cổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội, dù cho bao mưa nắng của thời gian vẫn giữ được những ngôi chùa, đình, đền có niên đại hàng trăm năm tuổi. Từ lâu, nét đẹp về làng quê bình dị, thân thương với mái đình, giếng nước, cây đa đã bước vào trong văn học, đi sâu vào bao nhiêu người con của làng xã dù có đi xa vẫn mãi thổn thức, in đậm về hình ảnh quê nhà. Thời cuộc đổi thay, kinh tế phát triển, điều kiện ngày càng khấm khá, dư giả.
Trước đây, người ta ăn ngon, mặc đẹp giờ ăn tinh, mặc mốt. Người ta xúng xính váy áo tân thời, hàng hiệu, chỉnh trang nhà cửa, thay vôi bằng sơn, từ nhà tập thể đến nhà chung cư, từ một tầng đến nhà nhiều tầng, rồi cũng vì thế mà phú quý sinh lễ nghĩa, người ta lại tô son, điểm phấn không ngại gì mà thay luôn áo cho những ngôi đình, chùa, đền cổ. Thậm chí thay luôn cả những bức tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu mà bao lâu nay vẫn trụ vững, tôn nghiêm, tọa ngự ở trên ban thờ.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, (Cục Di sản – Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, có hôm đang nửa đêm, tại nhà riêng của ông, chuông điện thoại dồn dập, người dân báo, một chùa bên quận Long Biên (Hà Nội) đã thay hết các bức tượng cũ đổi bằng tượng mới. Mà tượng cũ là tượng cổ, tượng của di sản ông cha để lại đã bao đời. Ông tức tốc sang bắt phải giữ nguyên hiện trạng.
Hàng ghế in chữ do đoàn thể, cá nhân cung tiến. |
Các phật tử thành kính đi lễ cầu bái khắp nơi, không ít xót xa khi bước chân đến không gian tín ngưỡng, lặng người khi thấy người ta vừa mới thỉnh mời tượng mới tọa ngự ban thờ, dưới hầm dưới, chỏng chơ, hiu quạnh bức tượng cũ. Có nơi người ta khoác tấm vải lên, hoặc để tượng đơn lẻ, mốc meo đặt luôn vào khoảng trống dưới ban thờ. Kì lạ, sự thật là, rất ít nơi có ý định trùng tu, sửa sang lại tượng cũ mà chỉ thích thay ngay tượng mới.
Một ngày thu, chúng tôi đi qua cầu Thăng Long gió lộng, sông Hồng mênh mang sóng nước để đến với địa phận Đông Anh, ngay dưới chân cầu rẽ vào là ngôi chùa Chài. Chùa có tên chính là Thập Tam Bảo Tự, giáp ranh với An Hà, dân quanh đây bao đời làm nghề chài lưới nên có tên làng Chài, ngôi chùa cũng vì thế mà gọi là chùa Chài. Chùa Chài là một di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia. Tại đây, lưu giữ được rất nhiều bia đá cổ có niên đại vài trăm năm.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền và Nguyễn Lân Dũng sau khi khảo sát đều đưa ra kết luận: “Đây là bia đá cổ có từ thời Lý, Trần”. Lần thứ nhất chúng tôi sang là đầu tháng 8 vừa rồi, chùa chưa được chỉnh trang trải qua bao mưa nắng thời gian vẫn nguyên mùi rêu mốc, những bức tượng cổ có tự bao đời tôn nghiêm mà ấm áp, thân thuộc, sân gạch cũ rộng hướng ra dòng sông. Phía xa là những khóm cây đua sắc. Đến chùa ấm cúng có cảm giác như là nhà mình. Mọi người ai nấy đều chẳng muốn về. Một bác chắp táp cho nhà chùa thông báo khoảng ba tuần nữa là có hội chùa mọi người đến chơi nhé.
Gần cuối tháng, chúng tôi lên thăm lại ngôi chùa thì trước mắt ở ngay sân gạch là một mái tôn lợp bóng loáng dài rộng nặng nề vừa được sư trụ trì cho xây lên. Sư bác bảo: Mấy năm nay lần nào có hội chùa, nhà chùa cũng phải đi thuê bạt về căng ra để chắn gió, chắn mưa cho phật tử ngồi ăn trưa. Giờ, nhà chùa gom góp làm luôn tấm lợp này các phật tử thoải mái ngồi mà không sợ gió mưa gì nữa cả. Sư bác hồ hởi, hào hứng với thành quả này nhưng chúng tôi thì ít nhiều nuối tiếc. Tấm lợp kim loại to ngang, dày dặn mà sao lại vô duyên. Lẽ ra, đứng dưới sân chùa ngước mắt lên chúng tôi có thể nhìn thấy mây, trời, trăng, sao thì giờ đây bị tấm lợp kim loại che hết. Bầu không gian bị co kéo, bóp nghẹn gây cảm giác bức bối, tù túng.
Đang ngơ ngác, nuối tiếc thì sư bác và một phật tử rầu rĩ bảo: “Thương quá vì chùa nghèo”. Đi nhiều, nghe nhiều, khái niệm chùa giàu, chùa nghèo với nhiều người: Chùa giàu là được phật tử cúng tiến nhiều, được chỉnh trang nâng cấp sửa chữa to cao, bề thế, hoành tráng. Chùa nghèo là vật chất đơn sơ, ít được chú tâm sửa chữa. Không, chúng tôi chỉ mong sao những ngôi chùa cổ vẫn giữ được nét đẹp đơn sơ, gần gũi đừng có phật tử nào dư giả lại bỏ nhiều kinh phí để lai tạo ngôi chùa với nét đẹp lòe loẹt, lai căng. Cái đẹp không đơn giản. Cái đẹp còn phải bắt nguồn từ thưởng thức văn hóa và trình độ thưởng thức