Đại Tuệ là ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành, cây cỏ xanh tươi bốn mùa. Trải bao mưa nắng thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn phế tích. Song nhân dân địa phương và du khách vẫn hằng ngày trèo đèo, lội suối, rẽ lau lách, cỏ dại, tìm đường lên nền chùa thắp hương cầu Phật và phụng thờ những người có công với nước. Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 6000m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng,cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Đứng trên đỉnh Thăng Thiên ta nhìn thấy dòng Lam Giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở Biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn.
Chánh điện chùa cổ Đại Tuệ
Chùa Đại Tuệ và núi Đại Huệ có thể xem như một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ xưa nay. Đây là một công trình tín ngưỡng tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, hướng thiện nổi tiếng của nhân dân trong vùng. Hiện nay, dấu tích còn lại của chùa là 3 bức tượng xây bằng gạch cao 2,2m; dày 0,5m xung quanh khuôn viên có kè đá bao quanh rộng khoảng 20m, dài 30m. Phía đông chùa có một ngôi mộ được ghép bằng đá cao khoảng 1m mà nhân dân cho rằng đó là mộ Vua Cảnh Thịnh. Cách chùa 50m về phía Đông Bắc là một giếng nước được kè đá xung quanh dùng để phục vụ tế lễ. Hiện nay chỉ còn một số hiện vật lưu giữ được tại di tích như tượng Phật, đồ tế khí, sách kinh, bia đá, hồ sen. Để gìn giữ và phát huy một di tích lịch sử – văn hoá có giá trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của phật tử, nhân dân trong vùng.
Ngôi mộ đá cổ phía đông chùa Đại Tuệ
Trước những đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ nền độc lập cho dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử, trước nhiệt tâm nhiệt thành của thập phương phật tử gần xa, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho phục dựng và thỉnh sư trụ trì (Thượng tọa Thích Thọ Lạc) cùng với nhân dân và Phật tử thập phương chung tay góp sức xây dựng chùa Đại Tuệ trên dãy núi Đại Huệ và hướng dẫn Phật tử tu học. Theo qui hoạch thiết kế, chùa Đại Tuệ có diện tích xây dựng trên 20ha với gần hai mươi hạng mục công trình, từ Tháp thờ Phật Mẫu Đại Tuệ, Chính điện, Thích Ca điện, Bốn điện thờ Tứ đại Bồ Tát, Thiền đường, Tịnh độ đường, Tổ đường và vãng sinh đường, Lầu chuông khánh, Giảng đường, Thư viện, Trai đường, nhà Tăng Ni xá, Nhà khách, Cổng Tam quan… nhiều loại tượng chư Phật, Bồ Tát, các vị La Hán, đúc chuông khánh, các đồ pháp khí… Các công trình đều mang nét kiến trúc văn hóa truyền thống dân tộc, hài hòa với không gian thờ tự, thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật pháp của Tăng ni Phật tử, xứng đáng là một công trình văn hóa tâm linh của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Đại diện TW GHPGVN trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Đại Tuệ cho Thượng tọa Thích Thọ Lạc
Ban trị sự GHPGVN cung nghinh Ngọc Xá Lợi về chùa cổ Đại Tuệ
Song song với ngôi chùa cổ Đại Tuệ, Đền Chùa Gám hay còn gọi là Chùa Chí Linh ( Yên thành) cũng không kém phần hấp dẫn Đền – chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành từ lâu là cụm văn hóa tâm linh nổi tiếng. Tại đây có sự gặp gỡ, hội tụ về tín ngưỡng, tôn giáo của vùng dân cư rộng lớn. Theo sử sách, đền Gám thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại Vương, Tứ vị thánh nương. Chùa Gám (còn gọi là chùa Chí linh) có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và họa tiết được xác định là công trình kiến trúc phật giáo theo tông phái Trúc Lâm.
Hội thi đánh trống trong lễ hội Đền -Chùa Gám
Đền – chùa Gám tồn tại trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, tư tưởng trung quân ái quốc theo tinh thần Khổng giáo. Nơi đây từ xa xưa đã có tinh thần hòa đồng về tín ngưỡng, là hiện thân của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên – một nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ViệtNam. Và ngày nay, bản sắc đó được phẩn ánh rõ nét thông qua lễ hội đền – chùa Gám. Lễ hội được tổ chức ( từ ngày 14-16/2 âm lịch) với nhiều nội dung tế lễ, sinh hoạt khác nhau nhưng được phối hợp tổ chức một cách hài hòa. Tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng Lão giáo, tín ngưỡng Nho giáo song hành, hòa quyện trong tín ngưỡng dân gian của làng quê, làm phong phú và đặc sắc cho lễ hội.
Chánh điện Đền- Chùa Gám
Những ngày lễ hội, chùa Gám thường xuyên chuẩn bị từ 3 đến 5 nghìn suất cơm chay cho các phật tử, các du khách và cư dân bản địa về với lễ hội. về với lễ hội Đền- Chùa Gám du khách được tìm hiểu về đạo phật, tham dự lễ hội hoa đăng, lễ cầu an, cầu siêu, tham gia các sinh hoạt Phật giáo, Lão giáo. Đồng thời được tham gia các sinh hoạt, trò chơi giàu tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, yêu quê hương, dân tộc. Du khách đến lễ hội còn được chứng kiến các nghệ nhân đánh trống biểu diễn nhiều khúc thức, kỳ, hồi phong phú, tài hoa. Tiếp đó là biễu diễn tuồng cổ- một phần không thể thiếu trong các lễ hội ở làng Gám. Màn trình diễn của 22 nghệ nhân đôi tuồng Kẻ Gám diễn viên là những nông dân, công nhân viên chức sinh sống tại làng Gám, thông qua vở tuồng cổ Trần Bình Trọng, để tái hiện sinh động hào khí Đông A, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc. Về với lễ hội, người dân trong vùng và du khách thập phương được tham gia các phần chính lễ trang nghiêm, long trọng với sự tham gia có khi lên đến hàng vạn người như: Lễ rước cờ Tổ quốc, cờ phật, ảnh Bác Hồ, rước Đức Phật, Tâm tòa Đại vương và Tứ vị thánh nương, Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương, thủy tổ của các dòng họ lớn trong làng, ngựa thần đền Gám…từ núi Gám về chùa – đền Gám để tế lễ. Tham dự đêm hoa đăng, thắp nến và cầu an, lễ cầu siêu do Đại đức Thích Trúc Thông Kiên – trụ trì chùa Gám (Chí Linh tự) làm chủ lễ; tham dự khai quang, yết cáo, địa tế, lễ tạ ở đền Gám do ban lễ nghi 9 dòng họ lớn trong làng Gám làm chủ tế.
Giảng đường Đền- Chùa Gám.
Hiện nay Đền – Chùa Gám đã thông qua đề án quy hoạch khu du lịch tâm linh, sinh thái Rú Gám; theo Quyết định số 515 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch tâm linh và sinh thái Rú Gám và Kết luận số 73 năm 2012 của chủ UBND tỉnh chỉ đạo về về việc quy hoạch dự án. Theo đó, UBND tỉnh cho phép khôi phục hoạt động Phật Giáo tại chùa Gám, đồng thời xây dựng nơi đây một thiền viện thiền phái Trúc Lâm với quy mô lớn của vùng. Dự án có tổng diện tích quy hoạch xây dựng 316,575 ha thuộc địa phận 2 xã Xuân Thành và Tăng Thành, bao gồm 5 khu vực chính: Khu di tích gốc được bố trí tại chùa Chí Linh (Xuân Thành) thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ Tát; Khu tâm linh – lễ hội ở rú Gám; Khu đền Bạch y (xã Tăng Thành); Khu nghĩa trang và nhà thờ các anh hùng liệt sỹ. Các công trình xây dựng gồm: Đền chính, bảo tàng, nhà bia, khuôn viên cây xanh sân vườn và khu vực nghĩ dưỡng sinh thái, dịch vụ tổng hợp… Cùng với đó là hệ thống đường giao thông kết nối cũng nằm trong quy hoạch.
Tạo hóa đã ban tặng cho xứ Nghệ một quần thể danh thắng thiên nhiên vô cùng hấp dẫn , khí hậu trong lành, phong cảnh nên thơ như núi Đại Huệ. Núi Thiên Nhẫn, hồ Tráng Đen, thác Hồ thành… Lich sử huy hoàng mấy ngàn năm dựng nước và giữa nước của dân tộc lại trao cho người dân xứ Nghệ bảo tồn nhiều di tích của các dòng họ vĩ đại, các danh nhân kiệt xuất. Đó chính là tiềm năng to lớn để Nghệ An phát triển ngành du lịch sinh thái- lịch sử- văn hóa tâm linh.