Tuy nhiên, rõ ràng là mặc dù có sự phát triển vật chất này, nhưng những vấn đề của con người vẫn không được giải quyết hoàn toàn. Các mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ vẫn tồn tại giữa các quốc gia, phát triển thành chiến tranh, bạo lực, chống đối; trong khi đó ở mức độ cá nhân, con người tiếp tục kinh nghiệm những lo lắng, sợ hãi và các hình thức phiền não khác.
Điều này cho thấy rằng chỉ có sự phát triển vật chất không thôi thì không đủ, rằng có một nhu cầu khẩn cấp về sự phát triển ở mức độ tương đương như vậy về tinh thần và nội tâm. Hành thiền là một phương pháp tuyệt vời cho sự phát triển này.
Có nhiều cách thiền khác nhau, nhưng tựu chung lại chúng đều có các kỹ thuật làm cho tâm bình an. Hai đặc điểm nổi bật của thiền Phật giáo là Trí Tuệ và lòng Từ Bi. Càng trở nên quen thuộc với tâm và tiến tới nhận thức về vô thường, khổ, vô ngã trong cuộc sống riêng của mình thông qua việc hành thiền, thì chúng ta càng đồng cảm với những chúng sinh khác và trái tim vị tha càng lớn mạnh một cách tự nhiên trong bản thân mình. Điều này là quan trọng trong cả việc theo đuổi hạnh phúc của mỗi người cũng như trong những đóng góp của người đó đối với hòa bình thế giới.
Thật đáng khích lệ khi có những người phương Tây đã hấp thụ đầy đủ các truyền thống của phương Đông để có thể chia sẻ những hiểu biết đó với người khác như những gì mà các tác giả cuốn sách này đang làm. Cầu mong cho những nỗ lực này đóng góp vào sự bình an của mọi chúng sinh.
Tác phẩm Thiền quán – con đường của tuệ giác ra đời từ sự hợp tác của hai tác giả trong quá trình hướng dẫn các khóa thiền nhập thất Vipassanā trên khắp thế giới. Những khóa thiền tích cực này, với độ dài từ vài ngày nghỉ cuối tuần cho đến ba tháng, tạo cơ hội nghiên cứu trực tiếp và đơn giản về thân và tâm. Thông qua việc phát triển chánh niệm tỉnh giác, tuệ giác trực tiếp của bản thân hành giả về bản chất thay đổi của các sự vật hiện tượng sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Sau đó, nó dẫn đến một sự hiểu biết về nguyên nhân của đau khổ trong bản thân chúng ta và những người khác; về năng lực của lòng từ bi và tự do thực sự.
Cuốn sách đưa ra lời giải thích rõ ràng cho các hướng dẫn thiền tập và những bài tập được đưa ra trong khóa tu nhập thất. Mặc dù hương vị và phạm vi của nó được đưa ra từ sự thực hành nhập thất yên lặng, nhưng những lời dạy này cũng được thiết lập trong một bối cảnh rộng lớn để biến việc hành thiền trở nên có ý nghĩa và thích ứng với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Những lời dạy này có nguồn gốc căn bản từ truyền thống đạo Phật, đặc biệt là truyền thống đã phát triển và nở rộ tại Thái Lan và Miến Điện. Hai truyền thống chính đã được trộn lẫn vào nhau trong cuốn sách này là truyền thống tu viện trong rừng [thiền lâm: ND] của Thiền sư Achaan Chah và việc thực hành thiền vipassanā (Tứ niệm xứ) tích cực được ngài Mahasi Sayadaw hướng dẫn trước đây. Chúng sẽ cùng nhau cung cấp một tầm nhìn rộng lớn và sự hiểu biết sâu sắc – những đặc tính của tuệ giác của đức Phật.
Giới thiệu tác giả:
Joseph Goldstein (sinh năm 1944) là một trong những thiền sư vipassana đầu tiên của Mỹ, đống sáng lập trung tâm thiền Insight Meditation Society(IMS) với Jack Kornfield và Sharon Salzberg. Ông đã được gặp và thọ giáo với nhiều thiền sự, đạo sự nổi tiếng ở Miến Điện, Ấn Độ, Tây Tạng như Anagarika Sri Muninda, Sri S. N. Goenka, Nani Bala Barua (Dipa Ma), Sayadaw U Pandita…. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách hướng dẫn thiền vipassana rất quen thuộc với độc giả Việt Nam như 30 ngày thiền quán, Kinh nghiệm thiền quán, Tâm bình an.
Jack Kornfield (sinh 1945) là một thiền sư vipassana. Ông từng tới Thái Lan, Miến Điện và Ấn Độ để học thiền và xuất gia. Ông cũng là một trong những học trò xuất sắc của Ngài Ajahn Chah – một thiền sư nổi tiếng Thái Lan. Ông tham gia hướng dẫn thiền Minh sát tuệ nhiều nơi trên thế giới từ năm 1974. Cùng với Joseph Goldstein và một số thiền sư khác ông thành lập trung tâm thiền Insight Meditation Society và là đồng tác giả của cuốn sách này.