Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Hình ảnh Ngôi chùa Siêu Lý (Nam Tông) tại Vĩnh Long

Hình ảnh Ngôi chùa Siêu Lý (Nam Tông) tại Vĩnh Long

329

Chùa tọa lạc tại số 162/8 Đường 14-9, Phường 5,Thị xã Vĩnh Long,Tỉnh Vĩnh Long,được xây dựng từ năm 1963 (Quý Mão) được hiến cúng do bà Tô Thị Sa làm chủ đất.

Những năm 1958 của thế kỷ trước chùa chỉ là ngôi tịnh thất cây lá để bà chủ đất làm nơi tu tại gia , đến năm 1963 bà hiến cúng cho Hòa Thượng Tịnh Sự  làm chùa.

Chánh điện tại chùa Siêu Lý ( Vĩnh Long) 

Chùa Siêu Lý trước năm 1981 thuộc Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam – Theravāda ; sau năm 1981, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập, Chùa Siêu Lý gia nhập vào Giáo Hội thuộc hệ phái Phật Giáo Nam Tông. Trải qua bao binh đao khói lửa, cùng với những thăng trầm của lịch sử và thời gian, chùa Siêu Lý  đã bị mai một dần, cho đến năm 1980 chùa mới được trùng tu và tôn tạo lại , sau khi Thượng Tọa Giác Sơn về trụ trì, năm 2000 Chùa tiếp tục đựơc trùng tu và tôn tạo lại  với tổng diện tích khuôn viên 7000 m2 , chánh điện được trang trí 1 bức tượng phật đắp nổi phù điêu, hoa văn với những hoạ tiết của hệ Phật giáo Nam tông nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ,   trong khuôn viên chùa còn có 1 dãy  nhà thiền  gồm  10 cái cốc  dành cho thiền sư giải thiền.


Dãy nhà thiền tại chùa siêu Lý

Chùa đã trải qua 7 đời của vị trụ trì: Hòa Thượng Tịnh Sự – Tổ khai sơn Chùa Siêu Lý; Thượng Tọa Pháp Nguyệt;  Đại Đức Kim Trí; Đại Đức Kim Cang;  Đại Đức Trí Đức;  Đại Đức Pháp Đức; Thượng Tọa Giác Sơn (Ủy viên Ban trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên BCH Hội Chữ Thập Đỏ P5-TXVL, là vị trụ trì hiện tại của Chùa Siêu Lý).

Chùa Siêu Lý thuộc Phật Giáo hệ pháiNam tông nên các vị trụ trì đều thuộc thành viên của hệ phái Phật Giáo Nam Tông. Tại chùa có tổ chức lớp học giáo lý về các môn Abhidhamma (Vi Diệu Pháp, A-tỳ-đàm, Thắng Pháp) từ sơ cấp cho đến cao cấp, Phật học chuyên đề, Ngữ pháp tiếng Pāli… cho các Tăng sinh, Tu sỹ ở các nơi đến tu học và Phật tử địa phương. Học viên dự thính khoảng 20 đến 30 người. Các Tăng sinh, tu sỹ và phật tử đều được hướng dẫn tu niệm theo đúng hệ phái Nam tông; Trải qua nhiều khóa học, sau khi hoàn mãn khóa, có nhiều vị Tăng sinh tiếp tục học tại các Học viện Phật Giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh và có nhiều vị Tăng sinh được gửi đi du học ở các nước như Thái Lan, Miến Điện , Srilanka…


Góc nhỏ giảng đường chùa Siêu Lý 

Sau khi học xong, các tu sỹ trở lại chùa Siêu Lý và Viên Giác để mở nhiều khóa học về ngôn ngữ Pa-li, Tam tạng kinh điển bao gồm Kinh – Luật – Luận cho người dân và phật tử Chùa Siêu Lý vẫn mang sắc thái khá đặc biệt của cộng đồng dân cư đã được hình thành từ lâu đời của vùng đất Vĩnh Long.

Một buổi thọ trai của Chư tăng chùa Siêu Lý

Hiện nay chùa có trên 1000 tín đồ, phật tử; bao gồm người dân tộc Kinh-Khmer-Hoa, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Họ đến với chùa trong những ngày lễ hội truyền thống trong tinh thần đoàn kết, cùng quy tụ trước Bồ-đoàn Đức Phật Thích Ca vang lên lời kinh, tiếng kệ; đồng nguyện cầu cho quốc thới dân an, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc…, một nét rất khác biệt với Phật giáo Bắc Tông là  ngoài lễ, tết thường niên, hàng ngày phật tử  cũng đến chùa chiêm bái Phật, dâng cơm cúng dàng cho chư tăng; đám cưới, gả con  trong gia đình đến chùa thỉnh Sư  đến chứng giám… Cũng chính vì đặc điểm như vậy, nên chùa Siêu Lý được hiểu rõ là nơi sinh hoạt chung, thể hiện sự hòa hợp các dân tộc đang sinh sống trong cộng đồng dân cư. Cùng đoàn kết bên nhau, chắt chiu nghĩa tình, như anh em cùng chung một nhà. Sự đoàn kết gắn bó ấy của các dân tộc đã trải qua nhiều thế hệ. Họ có chung ý niệm là cùng hướng thiện theo con đường lánh dữ, làm lành mà từ thuở xa xưa đã được đức Phật dạy và được các bậc sư tổ  Phật giáo Nam tông Việt Nam  truyền lại cho đến ngày nay.