Trang chủ PGVN Nhân vật Phật giáo và cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phật giáo và cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

130
Trong tuần qua, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã có hàng triệu người trong và ngoài nước bàng hoàng và xúc động. Bằng những hành động khác nhau, các giới, các tầng lớp đều thể hiện lòng thành kính trước anh linh của Đại tướng, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới những gì mà Đại tướng đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam!




 Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã diễn ra từ lúc 7h30 sáng 12/10 tại Nhà tang lễ Quốc gia
(số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người vĩ đại, anh hùng dân tộc Việt, là vị Đại tướng huyền thoại, và là một trong những vị Tướng tài ba lỗi lạc nhất của nhân loại.

Đại tướng là một nhân cách lớn, luôn khiêm tốn, giản dị. Do đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày (từ 12 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 13/10/2013).

Đúng 7h30 sáng ngày 12/10/2013, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội chính thức bắt đầu. Trước khi bắt đầu lễ viếng, vào lúc 6h30′, chư tôn đức chùa Sủi (Hà Nội) đã tiến hành nghi lễ phát tang theo nghi thức Phật giáo cho gia quyến Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia.

Trước đó, sáng ngày 06/10, sáu chư Tăng của chùa Sủi đã có mặt tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Số 30 Hoàng Diệu – Hà Nội), cùng gia đình lập bàn thờ Đại tướng. Sau đó, sáu sư thầy chùa Sủi đã cùng gia đình thực hiện nghi lễ tụng kinh, cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lúc còn sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành nhiều sự quan tâm tới Phật giáo. Đại tướng luôn thật sự lắng nghe hoài bão của Tăng, ni tín và đồ Phật giáo trên tinh thần “cùng có công xây dựng tổ quốc” mở ra phương hướng cao rộng cho Phật giáo Việt Nam.

Được biết, sau một năm miền Bắc công bố hoàn toàn giải phóng miền Nam năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thân hành đến chùa Linh Mụ vấn an, thỉnh ý Hòa thượng Thích Đôn Hậu từng đảm trách Chủ nhiệm Ủy ban Hòa bình, Thống nhất, Dân chủ của Mặt trận Dận tộc Giải phóng miền Nam.

Hay mỗi lần về thăm làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Đại tướng đều đến thăm, dâng hương lễ Phật tại chùa An Xá. Sau đó, ngay tại sân chùa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện, thăm hỏi bà con quê nhà chuyện làm ăn, sức khỏe…rất tình cảm và xúc động.

Còn nhớ vào năm 2005, khi chùa Sủi (Hà Nội) đang tiến hành tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục đã bị xuống cấp. Biết được điều này, đích thân Đại tướng trong một lần đến thăm chùa đã cung tiến, ủng hộ nhà chùa 2 triệu đồng.

Đại tướng bảo: “Đây là số tiền được trích từ tiền lương của tôi, là tấm lòng của tôi, mong nhà chùa hãy nhận”. Lúc đó, chư Tăng trong chùa đều rất xúc động. Bởi họ cảm nhận được sự gần gũi, giản dị và khiêm tốn của một con người vĩ đại.

Năm 2007, trong một lần thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước cũng đến tận tư gia thăm Đại tướng. Khi thiền sư trở về, Đại tướng đã cho người nhà ra vườn hái chùm hoa cau tặng khách.

Chùm hoa cau mang dấu ấn của quê hương đã đưa vị tướng huyền thoại và vị thiền sư khi đó từ Pháp trở về như một sự thấu hiểu tinh thần Phật giáo trong truyền thống lịch sử dân tộc.

Khi đó, Đại tướng nói rằng Phật giáo du nhập vào Việt Nam, hòa nhập với văn hóa dân tộc, góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời nhà Trần, chính vua Trần Nhân Tông, người khoác áo cà sa tu hành và lập nên một dòng Phật giáo ở Việt Nam đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông, mở mang bờ cõi.

Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng, Phật giáo luôn sống trong lòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và có lẽ vậy, Đại đức Thích Thanh Phương (trụ trì chùa Sủi) đã mộc mạc bày tỏ : “Ai cũng biết rằng, ngoài vai trò là một nhà quân sự, nhà chính trị, nhà ngoại giao, Đại tướng còn được biết đến là một nhà văn hóa. Lúc sinh thời, người rất quan tâm đến việc chăm lo phát triển các tôn giáo, hòa hợp dân tộc, hòa hợp tôn giáo thành một khối thống nhất cho sự nghiệp chung. Đại tướng cũng là người rất đam mê nghiên cứu về Phật giáo, các giáo lý nhà Phật

“Những năm sau này khi đã yếu, không thể tự đi đến chùa Sủi được nữa, vào những dịp lễ tết, Đại tướng vẫn thường gửi hoa, gửi thiệp chúc mừng có chữ ký của mình đến chùa. Điều này khiến chúng tôi rất xúc động” – Đại đức Thích Thanh Phương cho biết thêm.

Không chỉ thường xuyên đến chùa lễ Phật mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn dành thời gian cho việc ngồi thiền (tọa thiền) tại tư gia. “Đại tướng thường dậy từ lúc 2 – 3 giờ sáng ngồi thiền, thiền xong thì đi xuống sân tập thể lấy nước để tắm rửa vệ sinh, rồi lên thắp hương ban thờ gia tiên, sau đó mới ngồi vào bàn viết; nếu không viết được gì thì đọc sách cho đến 9-10 giờ sáng, khi có khách đến lại ra tiếp khách. Còn ăn uống thì ba cháu ăn ít lắm, mỗi bữa chừng non nửa bát cơm, chủ yếu ba cháu ăn rau nhiều” – Trích bài viết “Ngồi thiền cùng tướng Giáp” của tác giả Sơn Định.

Và trong những ngày qua, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về với Bác Hồ” đã có hàng triệu đồng bào và bè bạn Quốc tế đã boàng hoàng, xúc động và thể hiện niềm tiếc thương vô hạn đến Đại tướng.

Riêng cộng đồng phật tử, ngoài việc đến viếng trực tiếp Đại tướng tại tư gia hay Nhà Tang lễ Quốc gia, trên các trang mạng xã hội đã có hàng ngàn phật tử cầu nguyện, treo cờ rủ, treo banner và hình đại diện của Đại tướng. 

 Linh xa của Đại tướng qua Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)

Ngoài ra, cho tới thời điểm này có rất nhiều Ban Trị sự hoặc cơ sở tự viện Phật giáo ở nhiều địa phương đã tổ chức những khóa lễ cầu siêu, tụng kinh A Di Đà cho Đại tướng, với mong muốn hương hồn của Đại tướng được siêu sinh Tịnh độ, về Tây phương cực lạc.

Đặc biệt, trong ngày chính thức diễn ra Quốc tang, hàng chục Chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trân trọng đến kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Có người nói rằng “dân đã thờ ai thì không nhầm”. Còn theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thu phục lòng dân bằng đức độ.

Những ngày qua, một “Quốc tang trong lòng dân” đang diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam. Lịch sử đã có Vua Trần Nhân Tông văn võ song toàn, người được nhân dân suy tôn như một vị Phật.

Thời đại ngày nay, người Việt Nam một lần nữa lại chứng kiến một thầy giáo dạy sử vì đất nước lâm nguy đã xả thân vào hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc và làm nên lịch sử.

Trong lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một thánh nhân.

Người có lòng tin và nghiên cứu sâu sắc về đạo Phật.

Người đã thực hành những bài Thiền Phật giáo ứng dụng vào cuộc sống và việc giữ gìn sức khỏe.

Người luôn có sự quan tâm sâu sắc đến Phật giáo nước nhà, và lúc lìa xa cuộc đời âm điệu câu kinh tiếng kệ hòa vào niềm kính tiếc của muôn triệu con dân nước Việt tiễn Ông về Tây Phương cực lạc.