Đến với khóa tu, các em thanh thiếu niên được nghe Sư cô Thích Nữ Huệ Đức (Trụ trì Quan Âm Tu Viên, Trưởng Ban tổ chức khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm) thuyết giảng về đề tài “Xin đừng bỏ con”, xem phim về sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ để cảm nhận và trân quý sự sống kì diệu của thai nhi, xem phim hình ảnh liệu về nạo phá thai và nghe ca khúc “Đừng bỏ con Mẹ ơi” do bé Bảo An trình bày trên nền tranh cát của họa sĩ Lê Phong Giao. Sau đó các em được chia nhóm diễn các tiểu phẩm về đề tài thai nhi và các hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Đây là phần sôi nổi và cũng mang lại nhiều cảm xúc cho các tu sinh và Ban tổ chức, các em đặt mình trong những tình huống là sinh viên, học sinh, hoặc công nhân viên chưa có gia đình đã lỡ dại dột để rồi mang thai và phải giải quyết hậu quả lầm lỡ này. Đã có em òa khóc vì không thể giải quyết được tình huống khi đặt mình vào tâm trạng của nhân vật trong cuộc khiến cả đại chúng đều im bặt, tất cả dường như đang rơi vào một ngõ cụt không có lối thoát để hướng tới một tương lai nào đó tốt hơn cho 1 cô gái học sinh lớp 9. Trong một tiểu phẩm khác, nhân vật nữ của một gia đình Nho gia đã lỡ mang thai với một gã họ Sở đành phải kết liễu đời mình cùng đứa con trong bụng, một phần vì cô không đành lòng bỏ đi sự sống của con để tiếp tục sự sống của mình, một phần vì không được người cha chấp nhận và tha thứ cho sự lỡ lầm của cô, cái chết của cô gái đã làm cho cả hội trường như vỡ òa, xót xa tột độ trong tiếng hát nài nỉ van xin của thai nhi trong ca khúc “Mẹ ơi con muốn làm người” và sự thể hiện giằng xé của hau bạn múa. Sau phần thể hiện của các em, chư tôn đức Ban giám khảo đã nhận xét về các cách giải quyết tình huống có tính khả thi sát với thực tế hay không hoặc có đưa đến một kết cục có hậu hay không,…
Tiếp theo là chương trình “Lắng nghe để hiểu”, trong chương trình này các em tu sinh trình bày những vướng mắc trong lòng, chia sẻ nỗi lòng của mình trước chư tôn đức và các bạn đồng tu và được lắng nghe những lời phân tích, động viên, khích lệ của chư tôn đức Tăng Ni. Sau đó, các em tu sinh được hướng dẫn tụng kinh Trường Thọ Diệt Tội để hồi hướng cầu an cho các bà mẹ và thai nhi, cầu siêu cho các hương linh thai nhi xấu số, rồi cùng nhau làm lễ phóng sanh cá trên sông Sài Gòn.
Những nội dung trong chương trình của khóa tu đều hướng đến việc giúp cho các em thanh thiếu niên có sự hiểu biết cơ bản về sức khỏe sinh sản, nâng cao ý thức đạo đức và trách nhiệm trong lối sống của bản thân, đặc biệt là khơi dậy tâm từ bi và cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực, những hậu quả nghiêm trọng đối với tự thân, gia đình và xã hội từ lối sống buông thả dẫn đến việc nạo phá thai ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Chủ đích của Ban tổ chức trong việc tổ chức khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm 18 với chủ đề “Xin đừng bỏ con” là nhằm góp phần cùng với xã hội giáo dục lối sống đạo đức lành mạnh, ý thức trách nhiệm cho giới trẻ để giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên học đường.
Theo báo cáo mới đây trong một cuộc Hội thảo tại bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM cho biết, ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó có 60-70% là học sinh, sinh viên. Việt Nam cũng là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Đây quả là một con số đáng giật mình về tình trạng nạo phá thai ở nước ta. Công bằng mà nói, trong số 300.000 ca nạo phá thai ấy, chỉ có một số ít ca mà ở đấy người mang thai dường như vô cảm với việc nạo phá thai và nạo phá thai nhiều lần, còn đa phần là người mang thai đều rất đau khổ, dằn vặt và không còn lựa chọn nào khác mới đi đến việc phá thai. Một kết luận chung nhất cho các trường hợp nạo phá thai là do mang thai ngoài ý muốn. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì việc mang thai ngoài ý muốn là do lối sống tự do, phóng khoáng và dễ dãi của các em trong mối quan hệ với người khác phái. Trong xã hội hiện tại, các em có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các phim ảnh có tính kích dục, nhiều sách báo đồi trụy, nếu không được giáo dục cẩn thận thì các em rất dễ bị kích động bởi những văn hóa phẩm không lành mạnh ấy và dẫn đến những hành động vượt giới hạn, muốn “thử trái cấm”, muốn trải nghiệm cảm giác “người lớn”. Đây cũng chính là một tác nhân quan trọng của nạn phá thai ở tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng cao. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta trút hoàn toàn trách nhiệm lên các em. Các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, người làm công tác xã hội cũng có phần trách nhiệm đối với tình trạng nạo phá thai đáng báo động này.
Dù sao đi nữa thì đa phần các em thanh thiếu niên, các em học sinh, sinh viên phải nạo phá thai đều đáng thương hơn là đáng trách. Thương vì các em chưa có sự hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản, về biện pháp tránh thai; thương vì các em chưa được cha mẹ, thầy cô quan tâm và giáo dục cẩn thận nên mới có những việc làm vượt quá giới hạn cho phép, có những hành vi thiếu tự chủ khi bản thân chưa đủ năng lực để chịu trách nhiệm về việc làm và cuộc sống của mình; thương vì các em đều rất đau khổ, dằn vặt khi phải bỏ đi đứa con trong bụng mình. Hãy thương yêu các em và chăm sóc, bảo bọc các em, tha thứ cho lỗi lầm của các em, quân tâm chăm sóc, giáo dục các em nhiều hơn nữa để các em có cơ hội làm lại cuộc đời, để các em sống tốt hơn và không tái phạm sai lầm ấy nữa.
Sự hiểu biết đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Các em thanh thiếu niên mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cũng một phần do thiếu hiểu biết. Vì thế, các bậc làm cha làm mẹ, những người làm công tác giáo dục, truyền thông trong xã hội hãy làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình để giáo dục thế hệ trẻ, cung cấp cho các em những tri thức căn bản và thiết thực cho cuộc sống để các em có thể vững vàng bước vào đời, hạn chế bớt những lầm lỡ, sai phạm dẫn đến những kết cục đau thương, những hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và tạo gánh nặng cho xã hội.
Khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm 18 với chủ đề “Xin đừng bỏ con” thực sự đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho các bạn trẻ tham gia. Và một điều hiển nhiên là không hẳn tất cả các bạn trẻ tham gia khóa tu đều đã từng nạo phá thai, nội dung của khóa tu cũng không chỉ dành riêng cho những ai đã từng nạo phá thai. Như đã đề cập ở trên, nội dung khóa tu là nhằm cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, nâng cao ý thức đạo đức, trách nhiệm và khơi mở tâm từ bi nơi mỗi người. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, trường hợp cá nhân của mỗi em mà các em có cách cảm nhận, cách nghĩ và cảm xúc khác nhau từ khóa tu. Ngay trong khóa tu, khi nghe Sư cô Huệ Đức thuyết giảng, khi xem phim và cả khi chia sẻ, trải lòng rồi lắng nghe những lời phân tích, khích lệ của chư tôn đức, không ít bạn trẻ đã khóc, đã sụt sùi nước mắt hoặc gục đầu hay thở dài. Có lẽ đó là những giọt nước mắt ân hận, đau thương, cũng có thể là nước mắt của sự đồng cảm, sẻ chia. Sau khi kết thúc khóa tu, một số bạn đã mạnh dạn chia sẻ với Sư cô Huệ Đức về cảm nghĩ của mình.
Đây là lời chia sẻ của một bạn trẻ có pháp danh là Diệu Pháp: “Sư phụ ơi, tham gia khóa tu này xong con cảm thấy buồn và cắn rứt quá. Tuy con không phải là người phá thai nhưng con là người dắt bạn con đi phá thai. Thật sự thì con cũng không muốn mọi chuyện xảy ra như vậy. Con đã khuyên và ngăn cản bạn ấy hết lời, nhưng bạn ấy vẫn quyết định bỏ đi cái thai đó. Vì bạn ấy là bạn thân của con nên con không yên tâm để bạn đi một mình, do vậy con đã dắt bạn ấy đi phá thai. Nhưng Sư phụ ơi, không phải một lần mà đã mấy lần rồi! Con còn dắt người khác đi phá thai nữa. Cứ mỗi lần như vậy là con lại sợ và bị ám ảnh. Chắc là tội của con cũng nặng lắm phải không Sư phụ?”. Và một số bạn khác thì chia sẻ trên Facebook của Quan Âm Tu Viện rằng: “Sau khóa tu này, con nhận ra những gì con từng suy nghĩ thật là ích kỷ và đáng xấu hổ, con rất cám ơn Sư phụ và các Cô đã tạo cơ hội cho con được quyền suy nghĩ lại về những điều tốt đẹp hơn! Con rất vui vì được tham gia khóa tu này! A Di Đà Phật!”. Và đây nữa: “Con cảm ơn khóa tu rất nhiều. Một ngày thật bổ ích! Con đã học được rất nhiều điều. Những giọt nước mắt của con đã rơi, con biết đó là sự đồng cảm, sự thấu hiểu của tất cả tu sinh. Con đã nhìn thấy Sư phụ rơi nước mắt. Con thật sự biết ơn tình thương yêu của Sư phụ và quý cô đã dành cho chúng con và tất cả chúng sanh. Nam mô A Di Đà Phật”. Những lời chia sẻ này tuy ngắn nhưng rất chân tình và cảm động, phần nào thể hiện sự tác động tích cực từ nội dung của khóa tu.
Việc tổ chức khóa tu Giao Hạt Từ Tâm 18 với chủ đề “Xin đừng bỏ con” cũng là một cách giáo dục thế hệ trẻ, kết hợp giữa tôn giáo và khoa học để vừa nâng cao ý thức đạo đức, tình thương và trách nhiệm, vừa cung cấp tri thức, kỹ năng sống cho các em thanh thiếu niên. Đây là một nội dung mới trong chương trình các khóa tu, các chùa các tu viện khác có thể đưa trực tiếp, hoặc lồng ghép nội dung giáo dục này vào trong chương trình các khóa tu của mình để góp phần giáo dục đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ, nhằm tạo ra một thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài, đủ trình độ nhận thức để tiếp nối và dựng xây quê hương, đất nước.