Trang chủ Diễn đàn Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM – Bài 12: Cần...

Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM – Bài 12: Cần địa điểm hành lễ công cộng

115

Tại TPHCM, quảng trường trước nhà thờ Đức Bà được thiết kế như một địa điểm hành lễ lộ thiên của đạo Ca tô La Mã. Quảng trường này có khả năng tập họp hàng trăm ngàn người và trước năm 1975, vẫn được sử dụng như chức năng được thiết kế. Cuộc lễ tôn giáo công cộng lộ thiên được tổ chức ở đây năm 1959 có thể nói là cuộc lễ tôn giáo lớn nhất Sài Gòn. Đó là Đại hội Thánh mẫu tháng 2 năm 1959, có Hồng y Agagian, sứ thần của Giáo hoàng chủ sự.

Theo sách “Thập giá và lưỡi gươm”, linh mục Trần Tam Tỉnh thì: “Ba trăm ngàn giáo hữu đã đi theo cuộc rước khổng lồ trong ngày kết thúc, sau đó hồng y đã long trọng dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm” theo tin tức báo chí thời ấy. Để cuộc rước đó thành công, ngoài sự tưởng tượng của Roma và Pari, người ta đã huy động hàng ngàn lính công binh để xây dựng một bệ lớn trước nhà thờ chính tòa Sài Gòn, để dựng lên cổng chào, đồng thời đưa ra hàng trăm xe căm nhông để vận chuyển hàng chục ngàn giáo dân từ các tỉnh về”.

Đối với Phật giáo, tại Sài Gòn, năm 1964 mới có tổ chức hành lễ lộ thiên nơi công cộng với khoảng 100.000 người tham dự (lễ Phật Đản). Địa điểm tổ chức là Bến Bạch Đằng, đối diện tòa Đô Chính lúc đó. Địa điểm tổ chức lễ Phật đản năm 1964 ở trung tâm Sài Gòn như thế được coi là gần như cân xứng với quảng trường Hòa Bình, từ 1964 là quảng trường Kennedy. Nói gần như cân xứng, vì xét ra, Bến Bạch Đằng chỉ ở trung tâm cấp thành phố, trong khi quảng trường Hòa Bình ở vị trí trung tâm cấp quốc gia, nơi là điểm mốc khởi đầu của các quốc lộ tính từ Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, lễ Phật Đản ở Sài Gòn chỉ được tổ chức tại trung tâm thành phố một lần duy nhất. Những năm sau đó, đại lễ Phật đản công cộng lộ thiên được tổ chức trên đường Sư Vạn Hạnh, trước chùa Ấn Quang. Đây chỉ là một khu phố lao động nhỏ, nằm xa trung tâm thành phố. Như vậy, lễ Phật đản đã bị đưa ra khỏi khu trung tâm thành phố.

Sau 1975, lễ Phật đản được tổ chức trên đường Sư Vạn Hạnh vài năm, rồi dời ra đường Bà Huyện Thanh Quan, rồi sau đó thường xuyên hơn ở sân chùa Vĩnh Nghiêm, rồi nay ở sân chùa Phổ Quang, một nơi không rộng hơn sân chùa Vĩnh Nghiêm bao nhiêu, với sức chứa vài ngàn người. Nhưng đáng tiếc hơn cả ở chỗ đây là nơi nằm xa trung tâm thành phố, ở gần sân bay, trước đây là khu ngoại ô.

Nói phía đạo Ca tô La Mã không có những cuộc lễ công cộng lộ thiên đông người từ năm 1975 thì cũng đúng, nhưng thực ra họ vẫn tổ chức những cuộc lễ lớn trong sân các nhà thờ như Phật giáo tổ chức lễ Phật đản trong sân chùa Vĩnh Nghiêm.

Khác với phía Phật giáo, xu hướng tổ chức lễ Phật đản ngày càng có quy mô nhỏ hơn và dời xa khỏi khu trung tâm, từ sau đổi mới, phía Ca tô La Mã tìm cách khôi phục lại các cuộc lễ công cộng lộ thiên đông người ở trung tâm thành phố. Tất nhiên, phương án cô lập các con đường trên quảng trường Công xã Pari là không thể trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhiều phương án đã được nghiên cứu.

Khoảng năm 2000, một dãy nhà trong khuôn viên Trung tâm Mục vụ trên đường Tôn Đức Thắng đã được tháo dỡ để xây dựng quảng trường các thánh tử đạo Việt Nam với lễ đài, tượng điêu khắc, trang bị một hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại.

Quảng trường các thánh tử đạo Việt Nam có sức chứa khoảng 10.000 người, khi sử dụng cả sân Đại Chủng viện liên thông ở cạnh bên, có thể tập trung khoảng gần 20.000 người.

Tại Tây Ninh, quảng trường Tòa thánh Tây Ninh đã được cho phép sử dụng cho các đại lễ tôn giáo vào một số ngày trong năm. Ở đây, đã diễn ra những cuộc lễ lộ thiên quy tụ cả trăm ngàn người.

Như vậy, có tôn giáo khôi phục được địa điểm hành lễ lộ thiên trước đây, có tôn giáo xây dựng được địa điểm hành lễ lộ thiên mới.

Không cần đến trực tiếp tận nơi, qua trang You Tube, chúng ta cũng có thể thấy được những quảng trường này được khai thác phục vụ cho việc hành lễ lộ thiên tập trung đông người như thế nào. Quảng trường Các thánh tử đạo Việt Nam được liên tục sử dụng hàng năm với số người tập trung từ vài ngàn người đến chật cả quảng trường.

Do không coi trọng nhu cầu một địa điểm hành lễ lộ thiên công cộng, ở trung tâm thành phố, cũng như không có kế hoạch khai thác một địa điểm như thế, phía Phật giáo đã đi sau các tôn giáo khác, và đáng buồn hơn là vẫn không có hướng để nhìn ra vấn đề và giải quyết vấn đề. Các cuộc lễ Phật đản tập trung đông người ngày càng dời xa khu trung tâm TPHCM. Từ đó, diện mạo lễ hội tôn giáo công cộng đông người ở trung tâm TPHCM trở thành diện mạo đạo Ca tô La Mã.

Quảng trường các thánh tử đạo Việt Nam là một tính toán hết sức khéo léo của Giáo hội Ca tô La Mã tại Việt Nam. Địa điểm của quảng trường vẫn nằm ở khu trung tâm thành phố, trong khu vực các công sở lớn trung ương. Thế nhưng, vì nằm trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, nên việc tổ chức lễ rất thoải mái và đơn giản, thích hợp với luật pháp hiện hành. Các cuộc lễ lớn đủ những tên gọi diễn ra ở đây trong cả năm, tận dụng khả năng của quảng trường, đưa vào tập trung hàng chục ngàn tín đồ Ca tô La Mã ở trung tâm TPHCM thành việc dễ dàng và thường xuyên.

Tại quảng trường này, các nghi lễ đòi hỏi không gian rộng như rước kiệu, vốn không thể tổ chức được vì trước hết là vấn đề địa điểm. không gian, đã được tổ chức trở lại. Quảng trường này đã phát huy tác dụng của nó trong hoạt động tôn giáo.

Chúng tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm của phía Ca tô La Mã đối với việc tổ chức không gian hành lễ công cộng đông người tại TPHCM là điều Phật giáo TPHCM có thể tham khảo. Sự suy thoái của Phật giáo TPHCM trong việc tổ chức không gian hành lễ công cộng lộ thiên đông người, thiết tưởng, có nguyên nhân từ chính Phật giáo TPHCM. Trong một hoàn cảnh như nhau, mà nay có tôn giáo đã tổ chức được địa điểm hành lễ công cộng lộ thiên đông người, trong khi ở Phật giáo lại diễn tiến theo hướng ngược lại.

Một khu đất rộng ở trung tâm TPHCM làm quảng trường tổ chức các đại lễ Phật giáo đã là điều hết sức xa vời. Có chăng là khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu trung tâm mở rộng TPHCM có thể nhìn thấy từ trung tâm hiện hữu thành phố, là cơ hội mong manh sau cùng. Còn là cơ hội vì nơi đây chưa được xây dựng, vì thế, nếu cố gắng vẫn có thể có điều chỉnh nào đó trong quy hoạch. Nếu mai đây, khu đô thị mới đã xây dựng, thì diện mạo tôn giáo khu trung tâm TPHCM, từ diện mạo kiến trúc đến diện mạo lễ hội, mãi mãi là diện mạo của chỉ một tôn giáo khác.

MT