Mới đây, một vị thượng tọa là một phó trưởng ban trung ương đã có lời phát biểu liên hệ về “chính sách ngoại giao của GHPGVN”.
Tôi không có những suy nghĩ khác đối với nội dung lời phát biểu về “chính sách”, nhưng thiết tưởng, xin có đôi điều trao đổi về cách trình bày “chính sách”.
Cũng như các tổ chức xã hội, GHPGVN cũng có những chính sách liên hệ đến các mặt hoạt động. Và thực tế việc triển khai các mặt hoạt động, cách giải quyết từng trường hợp cụ thể trong hoạt động của tổ chức là sự vận dụng chính sách, thể hiện chính sách, thực thi chính sách.
Chính sách của một tổ chức có thể được trình bày qua phát biểu của những người lãnh đạo tổ chức đó. Tuy nhiên, trường hợp mẫu mực nhất trong việc trình bày chính sách là công bố thông qua các văn kiện của tổ chức, gồm văn kiện đại hội, văn kiện của các cấp trung ương (đối với toàn tổ chức), văn kiện của cấp lãnh đạo địa phương (đối với cấp tổ chức địa phương).
Khi nói về chính sách, các nhà lãnh đạo tổ chức sẽ không ứng khẩu tùy tiện mà phải căn cứ rõ vào nội dung văn kiện, bám sát văn kiện. Lời phát biểu như thế về chính sách thực chất là sự phổ biến và triển khai văn kiện. Nó bảo đảm tính chính xác cao về mặt quan điểm, cũng như giá trị của lời phát biểu. Trong kỹ thuật truyền thông đối với hoạt động này, việc trích dẫn và trích dẫn chính xác văn kiện là một yêu cầu.
Việc thông qua và công bố chính sách như thế, đối với GHPGVN hầu như chưa được thực hiện một cách hoàn chỉnh. Vì vậy, khi phát biểu, triển khai Phật sự, tu sĩ và tín đồ sẽ không tránh khỏi lúng túng, có khi rơi vào suy diễn chủ quan (dù có thể không sai), có khi ngần ngại, vì không có căn cứ văn kiện.
Các nghị quyết của Đại hội đại biểu GHPGVN thường rất tổng quát, có tính chất liên hệ công việc, không đi vào phân tích chi tiết, trình bày cơ sở lý luận để đi đến các quan điểm, các chính sách.
Thí dụ “Nghị quyết Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VI (2007-2012)” chỉ có khoảng hơn 2 trang giấy A4. Đây là văn kiện quan trọng thể hiện chính sách của GHPGVN nhưng lại quá sơ lược.
Hệ quả sơ lược đó tất yếu là khoảng trống lớn trong hoạt động lý luận của Giáo hội.
Chính sách không phải chỉ là bản kê các công việc. Chính sách phải được lập trên nền tảng lý luận, là hệ thống các phân tích, dẫn đến những quan điểm, cơ sở của những công việc cụ thể, xác định. Chính sách còn xuất phát từ việc nghiên cứu tình hình, hoàn cảnh cụ thể, từ đó, có những bổ sung, điều chỉnh thích hợp. Như vậy, chính sách không thể thiếu lý luận, phân tích quan điểm (về những vấn đề tổng quát cho đến những vấn đề cụ thể). Như vậy, để trình bày chính sách một các đầy đủ, cần thiết phải có các văn kiện với dung lượng phù hợp.
Kết thúc các Đại hội Đại biểu Phật giáo, Hội đồng Trị sự thường xuất bản “Kỷ yếu”. Chỉ một phần nhỏ trong kỷ yếu này là văn kiện đại hội, còn lại một số trang dành cho tham luận của các địa phương, các cá nhân… Tất nhiên, những ý kiến đóng góp cho đại hội không phải là những văn kiện của đại hội đó, càng không phải là chính sách, đường lối của giáo hội được công bố chính thức.
Như vậy, khi cần viện dẫn chính sách quan điểm của Giáo hội (những vấn đề nằm ngoài Hiến chương) thì sẽ rơi vào tình trạng thiếu căn cứ cụ thể. Nhiều vấn đề đương nhiên không được Nghị quyết Đại hội đề cập đến (vì dung lượng Nghị quyết quá giới hạn). Điều không tránh khỏi khi cần nói tới chính sách là suy diễn không căn cứ cụ thể. Làm như thế, nội dung phát biểu không phải là sai. Nhưng quả là không nên.
Nghị quyết các hội nghị cấp dưới đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc tất nhiên còn sơ lược hơn, vì không thể vượt qua hạn chế ở cấp đại hội.
Cố gắng cải thiện tình trạng văn kiện về chính sách của GHPGVN còn sơ lược, vắn tắt, chưa đi sâu vào lý luận là cố gắng nâng cao chất lượng Phật sự.
Khi truyền thông về chính sách của GHPGVN, tu sĩ và tín đồ cần căn cứ chính xác vào những văn kiện cụ thể của các cấp, trích dẫn cẩn thận với những ghi chú đầy đủ.
Trong quá trình hoàn thiện hoạt động Phật sự, GHPGVN không thể không hướng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng văn kiện của Giáo hội, đưa hoạt động soạn thảo văn kiện Giáo hội đi vào chiều sâu, có được những văn kiện có bề dày lý luận, bao quát mọi vấn đề, thể hiện quan điểm rõ ràng, cụ thể, làm căn cứ cho hoạt động Phật sự của tín đồ, tu sĩ.
Truyền thông về chính sách của Giáo hội nên tránh việc suy diễn tùy tiện tất yếu không tránh khỏi hạn chế nào đó (thí dụ trong trường hợp đang đề cập, quan hệ quốc tế được trình bày bằng từ “ngoại giao”, có thể hiểu là công việc có diện hoạt động lớn hơn, gồm những việc ngoài các công việc nội bộ Phật giáo).
MT