Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Bửu Quang: chốn thanh bình, yên ả

Chùa Bửu Quang: chốn thanh bình, yên ả

175

Chùa Bửu Quang được xây dựng vào năm 1938 trên khu đất rộng hơn ba héc ta ở Gò Dưa, Thủ Đức do cụ Nguyễn Văn Hiển khởi xướng. Khi nghe tin người bạn là bác sĩ Lê Văn Giảng xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) ở Campuchia, ông Hiển cùng các ông Nguyễn Văn Quyến, Văn Công Hương đến Thủ Đức tìm đất xây chùa để chuẩn bị cho việc truyền bá Phật giáo Nam tông.


Ngôi chùa này không xa thành phố, nằm giữa một vùng cây cối um tùm quanh năm xanh mát. Kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa này khá đơn giản, không có gì đặc sắc, chỉ là một chánh điện thờ Phật và tám liêu cốc, một lớp học dành cho chư tăng được làm bằng cây lá trong một khu rừng u tịch của gia quyến ông Bùi Ngươn Hứa. Năm 1940, tượng Đức Phật Thích Ca và một cây bồ đề được thỉnh đem về chùa này là một cột mốc quan trọng, chính thức thành lập ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên tại Việt Nam.


Cũng chính vì điều này mà năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là tổ đình đầu tiên của dòng Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam. Năm 1943, vì nhu cầu cần một nơi yên tĩnh để cho người mới vào chùa tu tập, cụ Nguyễn Văn Hiển bán căn nhà riêng của mình ở Sài Gòn, dùng phân nửa số tiền bán nhà để xây lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch theo cách rất đặc biệt, kết hợp và pha chế theo kiểu các loại kiến trúc Khơme, Tây và Hoa để tạo ra một loại cấu trúc mang dáng dấp Việt Nam. Ngoài ra, cụ Hiển cho xây một tăng xá ba lầu cũng bằng ngói gạch cho chư tăng trú ngụ. Số tiền còn lại, cụ Hiển dùng để mua đất làm ruộng, thâu huệ lợi cho chùa.


Chùa Bửu Quang ngày nay không phải là kiến trúc thời cụ Nguyễn Văn Hiển xây dựng, vì năm 1945, chùa bị giặc Pháp tàn phá. Sau chiến tranh, anh em cư sĩ ở đó đi xin vật liệu cất lại chùa và qua bao lần trùng tu, tôn tạo, nó tồn tại cho đến ngày hôm nay.


Chính điện chùa Bửu Quang được bài trí đơn giản nhưng khá tôn nghiêm. Trong điện thờ có một bức tượng đúc bằng đồng nặng gần hai trăm ký lô mang hình dáng của hòa thượng Hộ Tông. Bên phải chính điện là một rừng cây cổ thụ rộng lớn gồm những cây dầu, cây sao cao vài chục mét, có độ tuổi hơn cả một đời người. Trong khuôn viên chùa còn có các con đường nhỏ được trải bằng những tảng đá xanh to xù xì dẫn đến các am cốc nằm ẩn trong rừng cây.


Ngay khu vực dành cho các chư tăng ở có một cây mít nài trên trăm tuổi tỏa bóng mát bao quanh tòa bảo tháp. Bên cạnh đó, tượng Phật Thích Ca lộ thiên cao bốn mét, nặng hai tấn được làm từ đá granit nằm giữa rừng cây tạo nên vẻ hoang sơ, huyền bí. Vào đây, dường như ai cũng thấy tâm hồn mình thanh thản bởi một khung cảnh quá yên bình. Mỗi ngày, khi ánh chiều tà yếu ớt xuyên qua từng chiếc lá, khói lam chiều vờn trên những ngọn cây, những chú sóc nhỏ chạy nhảy tung tăng, chim chóc say sưa cất tiếng hót lẫn trong tiếng chuông chùa vang vọng tạo ra âm thanh huyễn hoặc làm say lòng người.


Ngoài khung cảnh yên bình, chùa Bửu Quang còn phối hợp với Hội bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh mở bếp ăn từ thiện Hương Minh Hiểu đặt tại chùa, mỗi ngày cung cấp một trăm phần ăn cho các bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần Thủ Đức và bốn mươi phần ăn cho người nghèo ở địa phương.


Vãn cảnh chùa, nhiều người ngẩn ngơ vì vẻ đẹp thanh bình mà hiếm ngôi chùa nào trong thành phố còn có được. Năm 2006, chùa Bửu Quang được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Việt đầu tiên của Việt Nam.