Năm 1975 khi cùng quý ôn, quý thầy chùa Linh Sơn Đà Lạt về sống ở Tổ đình Long Sơn mấy tháng trước khi đất nước thống nhất, hình ảnh của Ôn đã để lại dấu ấn rất lớn trong cuộc đời của chúng con. Ôn hiền từ, lo lắng cho bao nhiêu người từ các tỉnh Tây Nguyên, miền trung lúc đó đổ dồn về thành phố Nha Trang để tìm đường vào Sài Gòn và ở kín khắp sân chùa Long Sơn. Ôn đứng ra cứu tế phát gạo, thực phẩm, quần áo… sắp xếp chỗ ăn, chỗ nằm để ổn định cuộc sống cho mọi người. Ôn như hiện thân của Phật Quan Âm cứu độ vậy.
Thời kỳ đất nước khó khăn về kinh tế, quý thầy ở Phật học viện Hải Đức và chùa Long Sơn phải đi làm thêm ở xưởng sản xuất nước tương để tự túc kinh tế, là trụ trì nhưng Ôn lại đi làm hương đăng, nấu cơm cho chúng để quý thầy có đủ thời gian tu tập, nghỉ ngơi và sản xuất. Ôn đi rồi… biết khi nào chúng con mới có thể tìm lại được hình ảnh của người thầy trụ trì giản dị và thương chúng như Ôn vậy.
Đất nước thống nhất, sinh hoạt tôn giáo bước vào một giai đoạn mới , nhiều quy định khó khăn cho việc tu học, xuất gia của tầng lớp tu sĩ nên nhiều người đã trở về đời sống bình thường, những cư sĩ “tu xuất” ấy, nhiều người trước đã biết đến Ôn, hiểu rõ lòng từ quảng đại của Ôn đã không ngại liên lạc xin Ôn giúp đỡ cuộc sống khó khăn trước mắt, Ôn đã rất hoan hỉ đem số tiền ít ỏi Phật tử cúng dường cho riêng mình để san sẻ gánh năng cùng họ. Tâm từ rộng mở của Ôn là chất liệu mà người xuất gia chúng con bây giờ cần phải nuôi lớn trong mình làm nền tảng để sống và hành đạo ở đời.
“Mấy chục năm như một ngày” Ôn vẫn âm thầm dùng lòng từ bi chân chánh để thực hành tâm hạnh Bồ Tát của mình, làm nhà từ thiện không một ai biết đến, không báo chí truyền hình, không người quảng bá loan tin, không hội đoàn, quỹ nhóm. Chỉ có Ôn, người bán hàng và bệnh nhân biết rõ việc Ôn làm. Ôn luôn đem số tiền mà Phật tử cúng dường riêng cho Ôn trong mỗi ngày để cứ đến chiều Ôn lại đem mua sữa, mua đường… rồi một mình vào bệnh viện phát cho các bệnh nhân, không cần ai biết, chẳng màng ai hay, kiên trì thực hiện tâm hạnh Bồ Tát ấy suốt cả cuộc đời. Có ai xứng đáng làm nhà Từ Thiện chân thật bằng lòng bi mẫn chúng sanh hơn Ôn được !
Cư sĩ Hà Lão Sanh và nhóm bạn của ông ở Đài Nam, Đài Loan kể cho con nghe việc họ phát tâm cúng xây dựng trụ đá A Dục ở chùa Long Sơn là vì khi họ đến Nha Trang viếng cảnh lễ Phật ở chùa, Ôn gặp họ không cần biết họ là ai, Ôn tiếp đãi cho họ ăn cơm trưa một cách bình thường nhưng tràn đầy từ bi đúng với cách mà Ôn vẫn làm thường ngày. Điều đó đã làm cho họ cảm nhận đức độ và lòng từ của một bậc trưởng lão nên họ đã phát tâm làm việc Phật sự đó tràn đầy hoan hỉ và an lạc. Bậc xuất gia chân chánh “tiếp nhơn đãi vật” là thế bình dị mà cao sang thu nhiếp được tất cả. Người xuất gia thời nay chúng con phải học và phải học nơi Ôn những điều “tầm thường” đó.
Ôn ra đi, về với chư Phật, chư tổ, trở về với quốc độ của các bậc Bồ Tát thiện nhân. Mấy chục năm, đến với cuộc đời, lo cho ngôi Tam Bảo Sắc Tứ Long Sơn, tiếp tăng độ chúng. Ôn chỉ đem đến và để lại cho người xuất gia hậu học chúng con một bài học bằng chính thân giáo của mình, bài học sống làm người xuất gia chân chánh không chức tước địa vị, thật sự giữ cho được cái thanh cao đáng quý của người tu sĩ Phật giáo. Bài học sống làm người trụ trì giữ gìn chánh Pháp, đạo phong, thương chúng, độ tăng chuyên hành Phật sự vì chúng hy sinh, lo cho Tam Bảo trường tồn, cho đạo pháp cứu trụ mà không nuôi dưỡng tâm niệm biến ngôi chùa tài sản chung của xã hội thành của riêng cho bản thân và tông môn của mình. Phải hiểu chân thật ý nghĩa phục vụ thập phương tăng để hành xử đúng mực trong chức vụ trụ trì của mình.
Bài học phải dùng lòng từ bi chân chánh của các Bậc Bồ Tát để làm việc xã hội, hoằng hóa chúng sanh không vì danh vì lợi, đến và đi trong cuộc đời một cách bình dị sáng trong của bậc xuất trần thượng sĩ.
Ôn đã để lại cả một bài học vô giá mà những người Thích tử hậu tấn chúng con phải suy ngẫm vã nỗ lực nhiệt thành, học và ứng dụng suốt một đời.
Biết bao người còn nhớ mãi hình ảnh một vị Bồ Tát bình dị trong sáng hiện hữu ở đời tỏa ngát hương trầm khắp muôn nơi. Ôn vẫn còn đó, còn mãi nơi tổ đình với hình ảnh ấy, bình dị mà cao sang đến tuyệt vời !
Thích Giải Hiền (Hội trưởng Hội Sự NghiệpTừ Thiện Minh Đức)