Từ lâu, lễ Vu Lan Báo Hiếu chính là dịp để mỗi người con Phật tôn vinh ân cha, nghĩa mẹ và đề cao tinh thần Hiếu đạo, nhắc nhở nhau hai chữ “ Tri ân” để tìm về nguồn cội tâm linh và duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh.
Với mục đích khơi nguồn hiếu đạo, sáng ngày 27/8/2023 ( nhằm ngày 12/7/Quý Mão), tại chùa Linh Quang (thôn Chương Nghĩa, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã long trọng diễn ra Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL. 2567 – DL. 2023.
Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của Đại đức Thích Minh Thành – Ủy viên thường trực Phân ban Phật tử dân tộc thuộc Ban hướng dẫn Phật tử TW, Trụ trì chùa Linh Quang, trưởng Ban tổ chức đại lễ; chư tôn đức Tăng Ni trụ trì một số chùa trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh thành lân cận.
Về phía đại biểu khách mời có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hảo – Đảng ủy viên, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Châu; ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch UB MTTQVN xã Nghĩa Châu cùng các ban ngành đoàn thể của xã Nghĩa Châu và các thôn trên địa bàn xã.
Mở đầu chương trình là những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc được thể hiện bởi các bạn Thanh thiếu niên Phật tử, Hội người mù của tỉnh và các Nghệ sỹ đến từ thủ đô Hà Nội.
Sau đó, bằng tất cả tấm lòng thành kính, các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Linh Quang đã dâng hoa cúng dàng chư Phật, cúng dàng chư tôn đức Tăng hiện tiền nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Một nghi thức rất quan trong, không thể thiếu được trong mỗi đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Đó là nghi lễ “Bông Hồng Cài Áo”. Đây cũng là chính là linh hồn của buổi lễ, là thời khắc xúc động, linh thiêng và ý nghĩa nhất trong mỗi dịp lễ Vu lan Báo hiếu. Nghi thức này do Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào những năm đầu của thập niên 1960 trong một lần tham dự buổi lễ của người Nhật Bản. Trước khi diễn ra nghi lễ Bông Hồng Cài Áo, Phật tử Diệu Minh Thảo đã lên tuyên đọc Ý nghĩa cài hoa hồng. Theo đó, đối với bậc xuất gia, quý Ngài là những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đạo pháp, là những người lìa bỏ thế tục, thượng cầu giải thoát, hạ hóa chúng sinh, mong cầu giác ngộ, giải thoát, nên quý Ngài sẽ cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu vàng tượng trưng cho sự giải thoát, giác ngộ đó; những ai may mắn khi còn cả cha và mẹ trên đời sẽ được cài trên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ, hoa hồng màu hồng dành cho những ai còn mẹ, mất cha và bông hoa hồng màu trắng dành cho những ai kém may mắn hơn khi không còn có cha và mẹ hiện hữu trên cuộc đời này.
Trước khi kết thúc buổi lễ, Đại đức Thích Minh Thành – Trưởng BTC đại lễ đã ban đạo từ chia sẻ về ý nghĩa của lễ cầu an, cầu siêu trong ngày lễ Vu lan Báo hiếu, làm thế nào để báo đáp thâm ân cha mẹ.
Kết thúc buổi lễ là nghi thức tâm linh, tụng kinh Vu lan Báo hiếu, cầu nguyện cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, cửu huyển thất tổ, anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn trong các cuộc chiến tranh được siêu sinh miền Cực Lạc.
Được biết, trước đó, Đại đức trụ trì Thích Minh Thành cùng chư Tăng và Phật tử bản tự đã tổ chức lễ an vị tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đá nguyên khối cao 4m và nặng 10 tấn, đồng thời thực hiện nghi thức phóng sinh cầu bình an đến muôn người, muôn loài.
Diệu Tường