Quang lâm chứng minh đại lễ có sự hiện diện của: HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Đường chủ Hạ trường; cùng chư Tôn đức Tăng Ni trường hạ Khuyến Lương.
Ngoài ra buổi lễ còn có sự tham dự của hơn 500 nhân dân Phật tử địa phương.
Mở đầu chương trình, các ca sĩ nghệ sĩ đã dâng lên những lời ca tiếng hát mang ý nghĩa sâu dày về đạo hiếu hạnh, cúng dàng chư tôn đức nhân mùa lễ Vu lan về.
Sau đó là nghi thức dâng hoa cúng dàng Tam Bảo của các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Tương Mai.
Trong không gian lắng đọng, toàn thể hội chúng vô cùng xúc động khi được nghe cảm niệm Vu Lan qua giọng đọc của Phật tử đại diện Đạo tràng chùa Tương Mai.
Trong giờ phút thiêng liêng ấy, các Phật tử đã thực hiện nghi thức cài hoa lên áo cho chư Tôn đức Tăng Ni, đại biểu tham dự. Những đóa hoa vàng được cài lên tấm huỳnh y của chư Tôn đức, tượng trưng cho màu của sự giải thoát giác ngộ. Những đóa hồng đỏ thắm biểu trưng cho những ai còn mẹ và những hoa hồng trắng cho những ai khi Mẹ đã lìa xa. Dù hoa màu trắng hay màu hồng đều là tình yêu thương dành cho Cha và Mẹ, đều là sự hiện diện của cha mẹ trong ta. Từ đó để nhắc nhở tự thân mỗi người hãy luôn làm tròn hạnh Hiếu với ông bà Tổ tiên và với cha mẹ mình.
Những em bé tặng quà và hoa kính dâng lên Cụ bà Nguyễn Thị Huy bởi tuy năm nay bà đã 80 tuổi, nhưng vẫn may mắn được cài đóa hoa hồng lên ngực áo vì vẫn còn có cơ hội được phụng dưỡng và chăm sóc người mẹ già năm nay đã 98 tuổi của mình
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể hội chúng, bày tỏ niềm hoan hỷ và tán thán Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu tuy tuổi đời đã lớn, nhưng vẫn luôn có tinh thần và nhiệt huyết với công tác Hoằng pháp, hướng dẫn các Phật tử tu tập theo đúng chính pháp.
Tại đây, Hòa thượng đã khẳng định sự đồng hành của Phật giáo trong lòng dân tộc trải qua suốt chiều dài hơn 2600 năm lịch sử, với những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống mang những nét tương đồng hòa quyện khéo léo trong đời sống con người Việt Nam. Một trong số đó là tinh thần Hiếu đạo. Là người Phật tử dù là người xuất gia hay người tại gia, ngoài việc khắc ghi Hiếu đạo với Tổ tiên ông bà cha mẹ, cần phải nhớ nghĩ tới tứ trọng ân cao cả đó chính là ơn Tam Bảo che chở tế độ, ơn cha mẹ sinh thành Thầy cô dạy bảo, ơn quốc gia và ơn chúng sinh vạn loài. Đức Phật tuy đã thành Phật rồi vẫn còn đề cao chữ Hiếu, và trong điển tích vẫn ghi lại những lần Ngài về thăm và chăm sóc vua cha hay việc Ngài lên tận cung trời Đao Lợi để thuyết pháp độ cho Mẫu thân,… Hoặc như tấm gương Tôn giả Mục Kiền Liên nhờ oai lực của chư Tăng để cứu mẹ thoát khỏi địa ngục đớn đau.
Từ đây, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử phải luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, không chỉ nhớ tới công ơn của cha mẹ trong hiện tại, mà còn phải nhớ nghĩ tới cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, để từ đó tinh tiến tu tập, làm nhiều việc thiện lành đem công đức lành hồi hướng về cầu nguyện cho Tổ tiên quá vãng được siêu sinh Tịnh Độ, cha mẹ hiện tiền phúc thọ tăng long.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong tinh thần hoan hỷ, tràn đầy đạo vị.
Diệu Tường