Bài viết này sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề trên và đi tìm sự lý giải cũng như quan hệ của sự việc trên đối với đạo Phật tại Việt Nam.
Trước đây, qua một số bài viết, chúng tôi đã ghi nhận việc nhà thờ tổ chức cơm chay miễn phí, tổ chức rước đèn trung thu cho thiếu nhi…
Mới đây, một số bạn hữu Phật tử cho chúng tôi biết là đã có một số nhà thờ tổ chức ngày rằm tháng bảy, nói đúng hơn là tổ chức phát chẩn, cứu tế vào tháng 7 âm lịch như các chùa Phật giáo.
Tin từ quận 6 TPHCM cho biết, cuối tháng 7 âm lịch, một nhà thờ đã phát quà cứu trợ từ thiện cho người nghèo y như các chùa Phật giáo trong quận. Nguồn tin cho biết, tổng số lượng quà rằm tháng 7 nhà thờ phát nhiều hơn so với một chùa Phật giáo bất kỳ, số người đến nhận lãnh rất đông. Các phần quà nhiều hơn về chủng loại vật phẩm, được miêu tả là có kích thước lớn hơn so với phần quả của các chùa.
Nếu tìm hiểu rộng hơn thì việc nhà thờ phát quà từ thiện rằm tháng 7 không lạ. Hỏi ra, thì nhiều nhà thờ, cả Tin Lành và Ca tô La Mã đều có làm. Họ làm như là một chuyện bình thường trong năm, nếu vào rằm tháng 7 cũng là chuyện ngẫu nhiên.
Phát quà cứu trợ là việc làm tốt đẹp, lợi ích cho xã hội. Các chùa Phật giáo thường làm theo thông lệ truyền thống vào ngày rằm tháng 7 và điều đó làm nên giá trị nhân đạo của Phật giáo.
Các tôn giáo khác thấy đó là một điều có lợi trong hoạt động tôn giáo. Vì thế, họ thấy cũng cần làm như vậy trong dịp rằm tháng 7. Thế thì giá trị Phật giáo sẽ cũng trở thành là giá trị của họ. Và họ càng cố gắng làm hơn cả Phật giáo. Thế là, rằm tháng bảy, người nghèo khổ cơ nhỡ, dù là người theo đạo Phật, sẽ tìm đến… nhà thờ!
Các nhà thờ, nhất là nhà thờ Tin Lành, luôn luôn tìm cách tiếp xúc với các cộng động dân cư, trong đó gồm cả cộng đồng Phật giáo, để truyền giảng, loan báo tin mừng và kêu gọi tin chúa. Việc cứu trợ từ thiện rằm tháng bảy như thế sẽ là một cơ hội để làm việc tiếp xúc này.
Cứu trợ từ thiện tháng 7 Âm lịch sẽ tạo môi trường cải đạo thuận lợi trong chính thời gian này. Vì vậy, tháng Vu lan của Phật giáo lại trở thành tháng… trọng điểm cải đạo do các tôn giáo đến từ phương Tây tiến hành. Chuyện thật oái oăm, trớ trêu, nhưng không khó để chúng ta hình dung sự phát triển của vấn đề.
Vì vậy, các nhà thờ cũng hoạt động hết sức ráo riết trong dịp… tháng 7 Âm lịch Vu Lan. Chùa bố thí thì nhà thờ cũng cứu trợ, và còn phải làm cho hơn, cho trội, cho vượt để khẳng định vị thế. Vậy là người của các tôn giáo khác và không tôn giáo sẽ đến nhà thờ đông đảo. Đương nhiên, đó là cơ hội để truyền đạo cho người không tôn giáo, cải đạo đối với người Phật giáo. Chuyện như thế là quá bình thường. Vì thế, tháng 7 Âm lịch sẽ là tháng có nhiều người theo đạo Phật cải đạo sang tôn giáo, lấy dịp cứu trợ này là môi trường truyền giáo, cải đạo.
Truyền giáo là chuyện bình thường trong hoạt động tôn giáo. Vì thế, ghi nhận việc này, chúng tôi chỉ mong người theo đạo Phật biết đến vấn đề này trong hoạt động hộ pháp. Còn chuyện đã là hoạt động bình thường trong các tôn giáo thì cứ như thế mà diễn ra. Đó là việc của họ, chúng ta không hẹp hòi, đố kỵ.
Việc bình thường như thế nhưng có một cơ sở lý luận rất thâm sâu. Các tôn giáo đến từ phương Tây luôn ý thức rằng Phật giáo có truyền thống dân tộc và nhược điểm của họ là không có truyền thống đó.
Vì vậy, họ luôn coi đây là vấn đề phải giải quyết, luôn tìm cách tiếp cận và bồi đắp truyền thống dân tộc. Họ luôn khai thác mọi cơ hội có thể để dân tộc hóa, trong khi vẫn ra sức bảo vệ những giá trị riêng của họ.
Nghiên cứu về Phật giáo luôn là một chủ đề lớn của sách báo các tôn giáo đến từ phương Tây. Bố thí theo truyền thống từ bi của Phật giáo trong dịp rằm tháng 7 được nghiên cứu như một trường hợp để có thể làm theo trong xu hướng dân tộc hóa, đồng thời tạo ra môi trường truyền giáo thuận lợi. Vì vậy, nên có không ít nhà thờ “tổ chức” rằm tháng 7.
Người Phật giáo chúng ta luôn luôn thỏa mãn, tự hào với các giá trị dân tộc, giá trị nhân dân, giá trị đại chúng của Phật giáo. Đó thực sự là một thuận lợi đối với Phật giáo chúng ta trong hoạt động hoằng pháp, hóa đạo. Một số tôn giáo phương Tây không có được thuận lợi đó, nhưng trong những năm gần đây, họ đã nhận thức ra vấn đề, và tìm cách có được môi trường mà Phật giáo đã có. Hơn thế, họ tìm cách đuổi kịp và vượt Phật giáo ở những mặt có thể, nhất là trong những hoạt động đòi hỏi thế mạnh và tài chính. Nhà thờ cho quà “Vu Lan” nhiều và chất lượng hơn chùa Phật giáo là một ví dụ.
Hệ quả của sự việc được ghi nhận như trên là môi trường hoằng pháp và hóa đạo của Phật giáo sẽ ngày càng khó khăn hơn. Những thuận lợi mang tính cố hữu bản chất của Phật giáo sẽ không còn.
Người đến nhận tặng phẩm cứu trợ ở một ngôi chùa tại quận 6 đã trở nên vội vã hơn. Nhận quà, họ cũng lễ Phật, nhưng tình thiệt, họ nói với Ban Hộ tự, rằng họ vội vì phải kịp qua nhà thờ lãnh quà. Cũng có người tình thiệt nói nhà thờ “vu lan” cho người nghèo nhiều hơn, lớn hơn, ý nói phát nhiều quà hơn, quà giá trị hơn. Tất nhiên, họ cũng mong chùa cho quà nhiều hơn, điều mà rất nhiều chùa không thể.
Như vậy, theo từng mùa Vu Lan, số người đến nhà thờ rằm tháng 7 nhận quà sẽ đông hơn đến chùa. Vấn đề của các tôn giáo phương Tây hai ba chục năm trước đang chuyển lại thành vấn đề của chính Phật giáo. Số người đến nhà thờ nhận quà “Vu lan” đông hơn số người đến chùa được cứu trợ đã bắt đầu nổi lên như một vấn đề của thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam. Thiểu số hóa, vì Vu lan ngày lễ bố thí của Phật giáo, thì người có hoàn cảnh khó khăn, đổ xô đến nhà thờ nhận quà. Tăng ni Phật tử Việt Nam nên sớm quan tâm nghiên cứu về vấn đề này, không phải chỉ ở mức độ tặng quà từ thiện nhân đạo, mà ở mức độ cao hơn, vấn đề tính dân tộc, tính nhân dân, tính đại chúng trong hoạt động tôn giáo hiện nay.
MT