Đi chùa ở đảo Trường Sa Lớn
Ngày thứ hai chúng tôi ở trên đảo Trường Sa Lớn, theo lịch âm, đúng vào ngày đầu tháng. Bởi vậy, các hộ dân và chiến sỹ trên đảo đều đến chùa để thắp hương. Hình ảnh của những con người nơi đây khi bước vào cửa Phật bình an, thanh thản như bất kỳ hình ảnh ở ngôi chùa nào trong đất liền, khiến mọi cảm giác trong tôi về một ngôi chùa hoang vắng, đơn sơ nơi hải đảo xa xôi dường như bị xua tan hết. Tôi còn có những cảm giác thật sự khác lạ, mới mẻ, đầy dữ dội nhưng cũng yên bình, thanh thản ở chùa Trường Sa Lớn.
Chúng tôi thắp xong nén nhang cũng là lúc Đại đức Thích Giác Nghĩa – trụ trì chùa Trường Sa Lớn vừa hoàn tất tụng kinh, cúng lễ cho mọi người. Ngồi ở bộ bàn ghế đá, kê trong khuôn viên chùa mà bao quanh là những tán bàng vuông, tán phong ba cổ thụ, Đại đức Nghĩa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về bộ kinh mà mỗi lần làm lễ xong, Đại đức đều có cảm giác, dường như ước nguyện một bộ áo cà sa vì phải lạy đủ 300 lạy, về đạo phật, và về cơ duyên của thầy với ngôi chùa nơi giữa biển khơi này. Theo Đại đức, đây là lần thứ ba Đại đức xin ra sống và hành đạo tại chùa Trường Sa Lớn.
Chùa Trường Sa Lớn là cột mốc tâm linh vững chãi cho toàn thể quân và dân trên thị trấn huyện đảo Trường Sa.
Chúng tôi được Đại đức cho biết, mỗi ngày, 3 thời khóa: Từ 5h – 7h, từ 9h – 11h và từ 15h – 17h, Đại đức đều phải lạy đủ 300 lạy trong bộ kinh Pháp Hoa. Theo cách nói của người tu hành, mỗi người đều có một nghiệp. Và có lẽ, nghiệp của Đại đức Thích Giác Nghĩa chính là nghiệp gắn bó với Trường Sa, với biển đảo. Hàng ngày, kiên nhẫn hành trì, cung kính trong từng động tác lạy, Đại đức đã làm đổi màu cả hòn đá xanh lát trước ban thờ Phật, nơi mà Đại đức quỳ, hành lễ cúi lạy. Đại đức Nghĩa tâm sự: “Thầy đã xin cho quốc gia 3 năm 3 bộ và thầy phải hoàn tất 3 bộ kinh này cho quốc gia”. Đại đức phân tích, truyền thống của người Việt Nam từ xưa là đi đâu, sống ở đâu thì đều đem theo văn hóa đến đó. Và, một trong những văn hóa đó là văn hóa tâm linh thể hiện qua các công trình đình, chùa, miếu, mạo. Bởi vậy, một điều tất yếu rằng, ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có chùa chiền. Họ thờ Phật, thờ các bậc tiền bối có công khai ấp lập làng để tri ân, cầu an, cầu độ trì để được bình yên, sức khỏe… Và, nếu người thân của họ chết đi, họ đến chùa cầu độ cho linh hồn người thân được siêu thoát, được về với cõi Phật.
Trường tồn cùng năm tháng
Giữ lấy từng tấc đất, từng viên đá
Toàn bộ câu chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Giác Nghĩa không hề nhắc đến những khó khăn, thiếu thốn của đời sống xa đất liền. Mặc dù tôi biết, đồ chay ở trên đảo rất ít và Đại đức vẫn đang phải nhờ vào những vườn rau nho nhỏ của các chiến sỹ. Và, chúng tôi càng bất ngờ hơn, trong đất liền, Đại đức trụ trì hai ngôi chùa lớn ở TP. Nha Trang (Khánh Hoà). Đó là chùa Vạn Đức và chùa Phúc Chí. Đại đức đã bàn giao lại cho các đệ tử và làm đơn xin tình nguyện ra chùa Trường Sa. Đại đức tâm sự: “Xác định ra đây là kham khổ, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt nhưng tôi ý thức được ra đây để bảo vệ di sản của cha ông mình. Nếu những ai ra đây mà không nhìn nhận được trách nhiệm đó để mất một tấc đất, một viên đá thì mang tội bất hiếu rất nặng đối với cha ông”. |
Theo Đại đức Thích Giác Nghĩa, từ xa xưa trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên. Họ dựng lên từ những lần ra khơi, bám biển mưu sinh. Giữa muôn trùng nước, gió… họ cần một niềm tin để bám biển. Họ lập ra các am thờ để cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh truyền thống này, chùa Trường Sa Lớn cùng hai ngôi chùa khác là chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo lại từ các am thờ xưa của ngư dân. Đây là những minh chứng cho thấy chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, đã có từ bao đời nay.
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa trung tâm thị trấn huyện đảo Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn. Chùa có khuôn viên khá rộng. Cổng được xây bề thế theo phong cách truyền thống với kiểu tam quan, phía trên có gác chuông lợp ngói đỏ. Bên trong có sân chùa, vườn chùa và ngôi Đại hùng Bảo điện. Đại hùng Bảo điện là ngôi nhà một gian hai chái, mái cong lợp ngói đỏ, có đầu đao. Hệ thống cửa bức bàn, cửa võng, hoành phi, câu đối đều được làm bằng các loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển. Hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Đầu năm 2010, chùa được trùng tu lại các hạng mục cổng tam quan, điện phật bà quan âm, nhà tổ. Kiến trúc của ngôi chùa theo phong cách truyền thống kiên cố, vững chãi mang cốt cách của những ngôi chùa quê Việt Nam. Cổng nằm ở một khoảng không rộng, sừng sững và hiện hữu trên nền trời trong xanh của những ngày hè Trường Sa. Chấm phá trên nền trời xanh đó là màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc, màu ánh sáng hào quang của chư phật toát ra từ lá cờ 5 màu sắc ngũ căn ngũ lực của Phật giáo, khiến tôi cảm nhận con đường vào cổng chùa dường như sáng hơn, rộng mở hơn để tỏa ánh sáng từ bi cho những con người đang sống, bảo vệ từng tấc đất, từng hòn đá ở vùng đất thiêng liêng này của Tổ quốc.
Đại đức Thích Giác Nghĩa cho chúng tôi biết: “Chùa Trường Sa Lớn không chỉ là nơi thờ phụng linh hồn của những người con dân Việt, các chiến sỹ đã hy sinh ngoài biển Đông mà còn là nơi để các chiến sỹ, hộ gia đình và ngư dân đi biển tìm đến vào ngày rằm, mùng 1. Ở mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc như Trường Sa, Đại đức Nghĩa không chỉ cầu nguyện Quốc thái dân an, mà còn là nguồn động viên tinh thần vô cùng quan trọng cho quân và dân trên huyện Đảo Trường Sa.
Anh Dương Đức Hân, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Lớn chụp ảnh lưu niệm cùng vợ trong chuyến thăm thân tháng 6/2013 tại cổng chùa Trường Sa Lớn.
“Cột mốc tinh thần” vững chãi
Giọng nói thanh thoát, nhẹ nhàng vốn có của người con xứ Huế, giọng Đại đức bỗng trầm hơn nhưng cũng ấm áp hơn khi tâm sự với chúng tôi về niềm tin và tình cảm của quân và dân trên đảo đối với ngôi chùa.
Đại đức Thích Giác Nghĩa kể, mỗi lần trong đất liền có người thân mất hay ngày giỗ bố, giỗ mẹ, giỗ ông, giỗ bà mà người dân trên đảo không về được, họ đều đến chùa thắp nén nhang và nhờ thầy làm lễ cầu an, cầu siêu cho người thân được siêu thoát.
Người lớn tuổi thì cũng đến đây để đàm đạo, chia sẻ, tầm nhìn, tầm hiểu biết cuộc đời để mở rộng kiến thức, để hiểu biết thêm.
Những chiến sỹ đang công tác trên hòn đảo này, họ đều bỏ lại đằng sau những lo toan của gia đình để hoàn thành trách nhiệm mà Tổ quốc giao phó.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi vì đến giờ thời khóa, Đại đức lại lặng lẽ đi vào trong lấy bộ áo cà sa để hành lễ 300 lạy. Hình ảnh một vị sư trụ trì đầy nhiệt huyết và thành tâm, khiến tôi không thể nào quên được, cũng như lời của một chiến sỹ trẻ tâm sự với tôi: “Có thầy ở đây, chúng em thấy ấm lòng và chắc tay súng hơn chị ạ!”.