Trang chủ Văn học Tùy bút Quán Thế Âm thấy mùi thơm

Quán Thế Âm thấy mùi thơm

80

Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai

Cả nhà trang trọng lên đường, qua sông, vượt suối, leo dốc, trèo non. Một dốc rồi lại một dốc, có khi mỏi chân, bà mẹ khích lệ chồng con:

Mẹ bảo đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ tát
Là tha hồ đi mau

Thật là dễ thương! Cầu gì? Cầu đi mau. Đi mau mà cũng cầu Quan Thế Âm Bồ tát. Dân gian Việt Nam có Quán Thế Âm thân thương ở trong lòng để thốt ra nơi miệng trong mọi hoàn cảnh. Và trong mọi hoàn cảnh, Ngài đến. Ngài đến với bất cứ ai có Ngài ở trong lòng. Bà mẹ chùa Hương gọi Ngài, chắc Ngài đến ngay với đôi chân của bà vì bà đi chùa với tất cả lòng thành, từ sớm đến chiều, từ sông đến suối. Trong toàn bài thơ, không thấy bà cầu gì nữa, nhưng bỗng nhiên cô con gái gặp ý trung nhân, “yêu nhau yêu nhau mãi”, mới một quãng đường, em đã hết “còn bé lắm”.

Tôi không ganh với bà mẹ chùa Hương vì tôi biết tôi thua bà: miệng bà niệm, tâm bà nghĩ đến Bồ tát, Bồ tát nằm ngay trong lòng bà, nằm ngay trên miệng bà, cho nên chân bà bước nhanh, cho nên cô con gái hưởng phước. Tôi, tạm gọi là trí thức, quen làm việc với cái đầu, tôi phải dùng cái đầu để nghĩ đến Ngài, tôi không gọi Ngài trực chỉ từ tâm mà kinh qua cái đầu, nếu Ngài đến với tôi chậm, chính vì tại tôi.

Có thể tôi giảng vanh vách về Ngài, vì tôi là trí thức. Có thể tôi có cái giật mình triết lý khi đọc hai chữ “Quán Âm”. Quán là nhìn; Âm là tiếng: có ai nhìn cái tiếng bao giờ đâu? Thường tình chúng ta nghe tiếng. Khác ta, Bồ tát thấy tiếng. Tại sao? Tại vì Bồ tát không nhìn sự vật với con mắt thường mà với con mắt tuệ; con mắt tuệ rọi sáng bản chất của sự vật, và bản chất ấy chỉ có một thôi, đâu có phân biệt thấy, nghe, nếm, ngửi.

Trong thế giới hiện tượng bao quanh, người thường chúng ta phải phân biệt để nhận ra sự vật, cho nên mới có mắt, tai, mũi, lưỡi; màu sắc là lĩnh vực của mắt, âm thanh của tai, ngọt mặn của lưỡi, thơm hôi của mũi, tất không lẫn lộn với nhau. Vượt lên trên thế giới của hiện tượng, cái biết của con mắt tụê không phân biệt như thế, cho nên âm thanh là màu sắc, màu sắc của vị, thơm hôi là âm thanh.

Bồ tát có con mắt tuệ, không phân biệt, nên Quán Thế Âm Bồ tát thấy tiếng gọi của thế gian. Ngài thấy tiếng gọi đó, vì Ngài thấy bản chất của cuộc đời là khổ. Khổ bao la như biển, cho nên lòng Ngài cũng như biển bao la: Ngài không ở đâu khác hơn là trong tiếng khổ. Cho nên ở đâu có khổ, ở đấy có Ngài. Ngài đến với mọi tiếng gọi khổ, không phân biệt tốt xấu, thiện ác, như mưa rơi không phân biệt cây lớn cỏ hèn, như mặt trời soi ánh nắng, không phân biệt, đến tận hang sâu ngõ khuất.

Tôi biết về Quán Thế Âm như thế, và nhiều hơn thế nữa, và tôi có thể viết hàng trang về Ngài. Nhưng tôi biết chắc Ngài đến với tôi sau bà mẹ chùa Hương, bởi vì tâm tôi không thành như tâm bà. Bà chỉ cần dậy sớm, “hôm nay đi chùa Hương”, và suốt ngày bà đi chùa Hương với chùa Hương đã ở sẵn trong lòng. Bà đi chùa Hương với tâm bình dị, trong sáng ấy, bà với đến thiêng liêng dễ hơn tôi với tay ngắt một trái cây. Bà đi với thiêng liêng trong lòng, hồn nhiên, không suy nghĩ, thiêng liêng với bà là một; còn tôi, cái đầu cứ loay hoay bận bịu nghĩ về thiêng liêng, thiêng liêng với tôi là hai, làm sao gặp nhau được?

Nhưng ít nhất, tôi biết: linh ứng là có thật, là luôn luôn có, đối với bất cứ ai tâm sáng cùng một lần với miệng thơm. Niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì miệng phải thơm đạo vị. Quán Thế Âm thấy mùi thơm.

(Viết nhân đọc “Sự tích Đức Quán Thế Âm trong kinh điển và kho tàng văn học Việt Nam” của Lệ Như- tựa của VHPG).

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam