Trang chủ Blog chùa Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Đống

Hà Nội: TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Đống

248

Tương truyền rằng, xưa kia tại nơi này, đất tự nhiên cao dần lên, nhân dân làng Ích Vịnh thấy đây là nơi rồng cuộn hổ ngồi, phong thủy cát tường đã chọn làm nơi dựng chùa của làng. Tên dân gian gọi là chùa Đống hay còn gọi là Phúc Long Tự, với ý nghĩa cầu mong sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chùa mới được tôn tạo và tổ chức Đại lễ Khánh thành Đại Hùng Bảo Điện giai đoạn I vào cuối năm Canh Dần (2010). 

Là một vị Ni trẻ, Ni sư Trụ trì Thích Đàm Hoài rất nhiết huyết với sứ mệnh hoằng truyền Chánh pháp trong thời đại mới, nên cố gắng truyền bá giáo lý đạo Phật vào đời sống của các tầng lớp nhân dân trong xã hội,thông qua việc tổ chức các Đại lễ của Phật giáo, tổ chức những buổi thuyết Pháp, tổ chức các khóa tu cho giới trẻ, tổ chức đại lễ cầu an – cầu siêu, tổ chức những chuyến từ thiện đi đến vùng cao vùng xa, v.v… Đặc biệt, để hạn chế dần những thủ tục mê tín dị đoan, theo tập tục cổ truyền người dân thường đốt vàng mã, quần áo giấy cho các hương linh, điều này gây tốn kém không thiết thực và trái với chánh pháp của Đức Phật. Cho nên trong những kỳ lễ cầu siêu, Ni sư khuyến khích các Phật tử hãy phát tâm cúng bằng đồ thật cho các hương linh. Sau đó, số đồ này sẽ được mang đi từ thiện nơi các vùng đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn hoặc những trại trẻ mồ côi để lấy công đức rồi hồi hướng cho các vong linh. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực hơn, bởi vì âm dương đồng lưỡng lợi. Điều đó cho thấy nơi nào có Tu sĩ Phật giáo chân chính dấn thân hành đạo, giúp đỡ xã hội thì nơi đó tràn đầy tình đạo và tình người.   

TRIẾT LÝ VỀ ĂN UỐNG, nghe qua tựa đề bài Pháp thoại chúng ta cảm thấy hơi lạ tai, nhưng kỳ thực đây là một pháp tu và ta nghiệm ra rằng bất cứ điều gì nhỏ (ví dụ một làn gió mát thoảng qua hay một hạt sương rơi) không còn là nhỏ nữa, tất cả mọi điều trong cuộc sống này đều kỳ lạ, mầu nhiệm. Đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, tức là vô số điều trong cuộc sống và bất cứ điều gì trong cuộc sống này, đạo Phật đều có thể lý giải, phân tích và tu hành được cả. Đặc biệt, cái gọi là tám vạn bốn nghìn pháp môn đó đều quy về vô ngã. Sau cái hiểu về triết lý ăn uống, Thượng tọa muốn mọi người hãy ban rải cho người khác cái triết lý này để sau khi ăn rồi thì chúng ta biết cống hiến cho cuộc đời thành cõi an vui thánh thiện.

Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn để sống, nên đa phần xem ăn uống là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, không ngờ rằng trong miếng ăn đó chứa đựng biết bao nhiêu là triết lý… là tội phúc… là công lao, tức là biết bao nhiêu điều ẩn chứa phía sau từng miếng ăn mà ta đưa vào miệng. Và qua bài Pháp thoại này chúng ta tư duy, bắt đầu thấy sợ miếng ăn của mình, thấy ăn đúng là một pháp tu. Bắt đầu mỗi miếng ăn đưa vào miệng là đầy đủ cả tư duy, đạo đức, triết lý, sự sống trong đó, chứ không còn gắp bỏ vào bát, lùa vào miệng một cách vô tư nữa (vô ý thức). 

Chúng ta thấy Phật dạy tu trong từng giờ, từng phút, đúng là tám vạn bốn nghìn pháp môn. Cái gì cũng là tu, cũng phải đưa đến thiện pháp, đưa đến vô ngã. Rồi lúc nào đó chúng ta tư duy về cái thở, hít ra hít vào là cả một ý thức. Tương tự, lúc nào đó đi, đứng, nằm, ngồi cũng nằm trong sự ý thức. Như vậy, một người khi biết tu rồi thì cái đưa tay, duỗi chân đều tràn đầy đạo lý, trong đó có sự tĩnh lặng, tịch tịnh, sáng suốt, trí tuệ, không còn làm cái gì vô tư nữa, và nhân quả của cái nhân ta tu trong từng giây phút của cuộc sống, tu trong mọi cử chỉ là một ngày nào đó ta thành bậc Thánh, thành Phật.  

Nói TRIẾT LÝ VỀ ĂN UỐNG thì cái triết lý đầu tiên, bất cứ cái gì ta đưa vào miệng là động đến cả trời đất phía sau đó, thành món nợ, thành ân nghĩa; có cái không phải vay mượn sinh mạng của ai, ngược lại, có cái là mạng sống của một loài vật nào đó, lấy mất sự sống của một chúng sinh nào đó, chứ không đơn giản chút nào. Nên đưa miếng ăn vào miệng, có nhiều thứ để ta suy ngẫm, mới thấy thực sự miếng ăn là lớn lắm.

Nhân đây, Thượng tọa phân tích những quan điểm sai lầm về lối sống:

– Khi một người độc cư ẩn tu là muốn tách mình ra khỏi duyên với cuộc đời, với chúng sinh nhưng mỗi ngày vẫn phải ăn, miếng ăn mà ta ăn thì đụng đến cả trời đất, tuy nhiên sống lại muốn đừng ai đụng tới mình, đó là điều ngược nhau, cái nhân quả không phù hợp. Chúng ta thấy ước mơ của người ẩn sĩ trông thật đẹp, nhưng ẩn chứa một nhân quả nguy hiểm là vẫn phải vay mượn của cuộc đời này rất nhiều mà chẳng biết có trả không. Do đó, ẩn tu là điều chưa hẳn đúng. Đó là cái sai thứ nhất.

Cũng có hạng người thích sống với đời để tìm vui, tận hưởng lạc thú (sống để hưởng thụ) lại là một cái sai khác nữa. Trong khi mỗi ngày mình phải ăn, cái ăn đó động đến cả trời đất. Nếu nói: tôi rất giàu, món ăn này chẳng đáng gì với tôi, bỏ tiền ra mua là được rồi, nhưng không, đã ăn vào là vay mượn của trời đất, không có chuyện người hơn kẻ kém trong miếng ăn. Phước thì có thể chênh lệch, có người ít tiền, khó mua được một miếng ăn. Có người tiền muôn bạc vạn, rất dễ mua được miếng ăn nhưng khi miếng ăn đưa vào miệng rồi thì bình đẳng trên ý nghĩa của nó, đều là sự vay mượn cuộc sống, vay mượn của vạn loài, thậm chí vay mượn cả mạng sống của chúng sinh.  Đức Phật đã tuyên bố “Không có sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng đỏ”. Cho nên nỗi đau của con người là bình đẳng, mạng sống của con người là bình đẳng, và luật pháp cũng công nhận như vậy. 

Như là một sự nhắc nhở của Thượng tọa trước hai vấn đề được đặt ra: khi ta ăn – thực phẩm này từ đâu tới, và khi ăn rồi – ta làm gì?

Một khi ta ăn no, có năng lực rồi thì phải nghĩ mình sống như thế nào để xứng đáng với sự vay mượn của ta đối với cuộc đời. Vậy mà nhiều người quên điều này. Lúc đói thì lo kiếm ăn, ăn no rồi là xong chuyện. Ai nghĩ ăn no rồi là xong thì là người kém trí tuệ, kém đạo đức, kém tư duy. Còn người nào biết ăn no rồi mới là khởi đầu của cuộc sống, mới bắt đầu của trách nhiệm thì người như vậy xứng đáng được miếng ăn, là người có đạo đức, có trí tuệ.

Nếu nói đạo Phật là thanh tịnh (không suy nghĩ), vậy tại sao ta phải tư duy nhiều quá? Ta phải suy nghĩ cho đúng mọi điều, tạo thành bản chất thuần thiện trong tâm ta thì ta mới được quyền ngưng suy nghĩ. Người nào nói tu theo đạo Phật mà ngay đó ngưng suy nghĩ liền là họ tu sai, tu lầm, không kết quả và Thượng tọa cho một ví dụ mang tính tượng hình rồi phân tích cho thấy: tuy cả hai không suy nghĩ nhưng một người sai, một người đúng. Một người sai là chưa từng bao giờ có những suy nghĩ sâu sắc, chân chính, đúng đắn mà đã vội ngưng suy nghĩ thì bản chất của người này chưa phải là một người thiện. Nếu người đó không suy nghĩ mà đạt được thiền thì chỉ là tà thiền, không đi tới đâu. Còn một người đã đi qua những suy tư sâu sắc của cuộc sống, thấy được đạo lý của mọi điều trong cuộc sống, khi người này ngưng suy nghĩ thì đó là thiền chân chính, đó là chánh niệm, đó là chánh định.

Sở dĩ chúng tôi khuyến khích Phật tử suy nghĩ hoài vì muốn cho mọi người trở thành tâm hồn thuần thiện, khi cầm miếng ăn lên nhớ ngay thức ăn này từ đâu tới, ăn rồi làm cái gì. 

Suy nghĩ thức ăn này từ đâu tới để ta hiểu một điều: Đừng nghĩ rằng thức ăn này tôi dùng tiền mua ở chợ, phải nghĩ xa hơn điều đó. Còn như cứ nghĩ rằng tôi có tiền thì tôi mua, thức ăn này từ tiền của tôi, đó là người nông cạn, kiêu căng, dễ trở thành ích kỷ, ác độc. Ngược lại, người nào suy nghĩ để có được miếng ăn này là biết bao nhiêu người đã đổ mồ hôi thì đây là người khiêm hạ, sâu sắc, có đạo đức, họ không bao giờ sống ích kỷ ác độc được. 

Lại nữa, nhiều người chưa thể ăn chay được, vẫn còn ăn thức ăn động vật thì cái suy nghĩ còn phải sâu xa hơn nữa. Khi ăn một miếng cá, miếng thịt dậy mùi thơm ngon thì phải nghĩ nó từ mạng sống và sự đau đớn của con vật mà có. Rất nhiều người không muốn nghĩ đến điều này để ăn cho ngon. Chính vì đừng nghĩ làm cho ta cạn cợt, kém đạo đức. Ví dụ ta vẫn còn ăn thức ăn động vật nhưng phải nghĩ nó từ đâu. Đúng là suy nghĩ, ăn sẽ kém ngon do có sự xót xa nhưng đó là ta có trí tuệ, còn lương tâm, còn sự sâu sắc, suy nghĩ cái gì thấu đáo tới cái đó. Nếu nói đừng nghĩ xa xôi, ăn mất ngon thì là ta gieo nhân không trí tuệ.

Từ miếng ăn mà ta tư duy sâu sắc như vậy thì sau này mọi điều trong cuộc sống đều như thế. Mỗi khi bất cứ chuyện gì ta đều suy nghĩ sâu xa, tìm ra nhiều đạo lý thú vị của cuộc sống này. Phải chăng! khi nghĩ về nguồn gốc thức ăn, lương tâm ta trỗi dậy, bắt đầu ta biết chọn miếng ăn.

Đến khái niệm “Ăn rồi làm gì”? – Đứa bé ăn rồi ngủ. Còn đa phần người lớn ăn cho có sức khỏe rồi cống hiến. Nhưng cũng rất nhiều người khỏe rồi đi chơi bời, hưởng thụ. Chúng ta thử nghĩ tại sao bên Âu Mỹ, kinh tế khủng hoảng kéo dài suốt 5 năm chưa thoát ra, nó vượt ngoài những quy luật của các nhà Kinh Tế Học tính toán. Kinh tế lên hay xuống đều có nguyên nhân, có nhân quả của nó, chứ không phải tự nhiên lên xuống theo chu kỳ. Nguyên nhân thật sự là rất nhiều con người ở xứ đó đã sống sai lầm (sống hưởng thụ). Ăn! không phải sau đó để xây dựng cái điều tốt đẹp cho thế giới này, mà ăn rồi để chơi, hưởng thụ, tìm cảm giác nên phước hết sạch. Vì vậy, những trung tâm du lịch là nơi đốt hết phước của con người; những bar, vũ trường nhảy nhót là nơi đốt hết phước của cả một quốc gia. Cứ mở nhiều bar, vũ trường là phước của dân tộc từ từ cạn sạch. Và khi phước hết rồi thì kinh tế suy thoái, sụp đổ, không có đường gỡ. 

Hiện nay, các nước cứ loay hoay tìm đường giải quyết: tài chính, ngân sách, món nợ, cân bằng đời sống, v.v… mà giải quyết không ra, vì họ quên một yếu tố PHƯỚC của chúng sinh, phước của cả dân tộc, phước của từng con người sống trong dân tộc đó. Họ không biết nên có tiền cứ chạy vào quán bar nhảy cho hết cơm mà đáng ra ăn cơm rồi thì tìm việc thiện để làm thì phước người đó tăng lên, và phước của cả dân tộc đó tăng lên.  

Trong thời kỳ suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam ta lách qua, không bị quá trầm trọng như các nước khác, chỉ vì rất nhiều người dân sống tốt, ăn rồi đi làm điều thiện, ăn rồi đi cống hiến nên họ có phước và góp phần nâng cuộc đời lên. Vì vậy quan trọng là cách sống của ta, làm sao xứng đáng với miếng ăn đó. Đúng là sống trên đời thì phải ăn và khi ăn ta vay mượn quá nhiều của cuộc đời này. Vì vậy, ta phải làm rất nhiều điều thiện để trả nợ cuộc đời, và nâng những người những vật mà ta mắc nợ lên theo. Mà lên theo tới mức độ nào nếu ta chỉ làm những điều thiện bình thường thì những người ta mắc nợ, họ bước lên được một cấp. Còn như ta biết đi theo con đường của Phật Pháp – tu hành vô ngã cao siêu trong tâm linh thì ta đã gieo cái nhân giúp đỡ cho những loài mà ta mắc nợ có cơ hội bước lên rất cao.

Khi biết bài toán tội phước trong từng miếng ăn thì từ đây chúng ta phải tính toán lại, không vô tư như trước được nữa. Ăn xong ngày đó, ngẫm lại, nếu còn mắc nợ đời thì phước giảm xuống từ từ; hoặc bằng thì vô nghĩa quá, làm sao sự cống hiến cho đời phải gấp trăm lần so với bữa ăn của ta thì mới có phước để dành cho cuối đời (lúc tuổi già), và cho những kiếp sau. Hiểu điều này rồi ta bắt đầu thấy sợ cho mình và sợ cho rất nhiều người chung quanh. Ta thấy bài toán cuộc đời, bài toán về cái nợ, cái phúc với cuộc đời nó xãy ra từng giờ từng ngày trong mỗi bát cơm ta ăn. Do đó, khi ăn miếng cơm để sống là ta nuốt vào trong lòng biết bao nhiêu là trách nhiệm, mà nếu trong ngày đó không nhanh chân đi tìm việc gì để làm cho tốt thì đó là một ngày bất hạnh. Bởi vậy, thất nghiệp (không có cơ hội để cống hiến) là một điều bất hạnh.

Nếu lỡ thất nghiệp thì phải đi tìm bất cứ việc gì để làm không công cho đời. Và rồi Thượng tọa chia sẻ khuyến khích mọi người hãy cống hiến xứng đáng với miếng ăn của mình, không chỉ thời còn trẻ mà thậm chí lúc tuổi già, kể cả khi không nhúc nhích tay chân được vẫn nằm đó rải tâm từ bi; cầu nguyện cho thế giới này con người yêu thương nhau, nguyện cầu cho cả pháp giới chúng sinh này đều biết tìm về với Phật pháp. Cứ rải tư tưởng như vậy, tuy con người không đọc thấy nhưng vô số những vong linh và Chư thiên đọc thấy hết, họ nương theo cái tâm đó để thăng tiến lên. Đây là sự cống hiến rất lớn và vẫn xứng đáng với từng muỗng cháo mà con cháu đút vào miệng mình.

Nhân đây, Thượng tọa cũng trình bày về vấn nạn ăn cắp của chung và những hậu quả của nó, ví như: Trong những thức ăn mà ta đưa vào, có những cái là của chung và thừa thãi mà ta nghĩ như là miễn phí, vô hạn, nên sống vô trách nhiệm, nhưng không! cái giá của những cái của chung đó rất lớn, ví dụ như không khí; nước dưới sông; mặt trời; chặt phá rừng; săn thú trong rừng; đánh bắt cá dười biển… mọi thứ khan hiếm, ô nhiễm dần, chỉ vì rất nhiều con người ăn xong không biết tu, không biết cống hiến cho đời để trả. Hãy nhớ, ta ăn con cá bắt ngoài sông hay ta ăn con thú bắt trong rừng thì ngoài cái việc vay nợ mạng sống của nó, ta còn có cái lỗi là mua của ăn cắp. Cho nên, những gì của thiên nhiên hãy để yên cho thiên nhiên, mà hễ chúng ta sử dụng gì của thiên nhiên là ta mắc nợ lớn, vì vậy phải sống sao cho xứng đáng.

Nói về triết lý sự sống, theo quan điểm của Thượng tọa “Một chúng sinh xuất hiện trên đời này, tuy là ta nuôi chúng nhưng tận cùng nó không phải là của mình hoàn toàn”. Tương tự, bố mẹ đối với con cái cũng phải tư duy: đứa con do mình sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ chúng đến trưởng thành mà nghĩ nó hoàn toàn của mình cũng sai, nó vẫn là thế giới riêng, có một phần độc lập của nó mặc dù trên tình nghĩa nó là con mình. Hiểu như vậy để ta đừng ngạc nhiên, không thất vọng khi đứa con không thoàn toàn đi theo ý của mình.

Và Thượng tọa định nghĩa thức ăn lấy từ động vật: Nếu ta ăn thức ăn lấy từ đạm động vật đồng gen với con người, xét về mặt đạo đức ta là loại rất ác. Như một lời tiên tri, Thượng tọa cho rằng “Một ngày nào đó khoa học sẽ chứng minh được khi con người ăn một giống loài cùng gen với mình, bắt đầu sẽ phát sinh ra hai hiệu ứng: Hiệu ứng đầu tiên là phá hư hỏng bộ não trở thành điên loạn. Hiệu ứng thứ hai là gây cho người đó cái bệnh không thể chữa được trong cơ thể của họ”. Vì hiệu ứng bất lợi đó nên con người tự nhiên tránh xa thức ăn có gen giống với mình là thịt người.

Mặt khác, nếu ta không ăn đạm đồng gen với mình mà ăn đạm của loài động vật có vú – có gen – có tình cảm gần với con người như con khỉ; trâu; bò, heo, mèo, nhất là con chó thì ta cũng thuộc loại ác. Cho nên, nếu còn phải ăn thịt động vật thì hãy chọn loại gen nào mà tình cảm tâm tư của nó xa với con người thì ta ít ác hơn. Từ đây mỗi miếng ăn đưa vào miệng ta phải suy xét thấu đáo thì ta mới đi trên con đường giác ngộ được. Còn cứ vô tư, miễn sao sung sướng no đủ, cái gì cũng gắp bỏ vào miệng, không suy nghĩ thì ta cạn cợt, không khác gì loài cầm thú. Đối với người đệ tử Phật thì không một điều gì qua khỏi mắt của ta, không điều gì đi qua khỏi tâm trí của ta, ta xét cả. Cái mấu chốt của bài Pháp thoại nằm nhiều ở chỗ này. Ai hiểu điều này thật kỷ thì có thể đem trao đổi truyền bá với mọi người để làm cho cuộc đời này tốt lên, bớt ác.

Tại sao chúng ta tổ chức tiệc tùng? Tiệc là văn hóa đặc trưng của cả nhân loại, vì trong bữa tiệc thường thức ăn ngon. Khi có thức ăn ngon ta muốn đông người, vì cái ngon của thức ăn nó kích thích ta cái cảm giác hạnh phúc.  Trong những cảm giác hạnh phúc còn có bạn bè đông vui. Đây là điều tốt, khuynh hướng thiện, tiềm tàng trong con người, nhờ vậy con người có phước, làm cho xã hội loài người tồn tại và phát triển, nếu có miếng ăn ngon người ta dấu trốn trong hang thì thế giới không được như ngày hôm nay. Chỉ sợ rằng tiệc rồi người ta biến tướng thành nhậu nhẹt, sa đọa, đập phá, hơn thua, trở thành xấu.

Rượu tốt hay xấu? Gạo đem nấu thành rượu, và người uống rượu biến thành say sưa, mê muội, đó là sự phí phạm, tội lỗi, nên đừng uống rượu nũa.

Nói về khí tiết của miếng ăn thì miếng ăn là danh dự, là phẩm giá, là quyền của con người, chứ không phải miếng ăn chỉ là một ít đạm. Cho nên, cái văn hóa mời người khác cùng ăn là văn hóa đẹp. Đạo đức căn bản nhất của con người là cho nhau miếng ăn, đừng để cho nhau đói. Trong đạo Phật có năm phép quán về thức ăn mà người mới xuất gia phải thuộc để quán mỗi khi ăn.

Sau cùng Thượng tọa kết luận vì năm phép quán này mà có bài học TRIẾT LÝ VỀ ĂN UỐNG. Chúng ta thấy miếng ăn nặng để ta sống cao thượng, sống có trách nhiệm với đời và tin tấn tu hành hơn. Miếng ăn vẫn là món nợ, ta phải giải thoát để về một cõi chỉ còn thiền duyệt ly thực. Khi niềm vui trong thiền là món ăn, nó là sự nội tại của tâm hồn, không còn lệ thuộc vào nợ đời, không nợ vào sinh mạng của chúng sinh nữa./.

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang tại chùa Đống – Hà Nội: