Câu trả lời, tất nhiên trước hết, là do các cơ sở đào tạo của Phật giáo Việt Nam chưa đào tạo tăng ni sinh là người dân tộc thiểu số vùng cao. Không đào tạo nguồn nhân lực, thì lấy đâu ra nguồn nhân sự để thực hiện Phật sự hoằng dương chính pháp?
Do đó, đây là vấn đề, mà qua bài viết này, đặt ra với Ban Giáo dục Tăng ni, các học viện, các trường trung cấp, sơ cấp Phật giáo.
Chúng ta dễ thống nhất, rằng sai lầm trước đây của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là trong điều kiện có thể hoạt động tôn giáo, đã bỏ trắng hoàn toàn việc hoằng pháp ở các tỉnh Tây Nguyên, lúc đó gọi là cao nguyên Trung phần.
Vì thế, cho đến năm 1975, ở các tỉnh Tây Nguyên, đối với người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, Tin Lành và đạo Ca tô La Mã đã chiếm ưu thế. Nhất là Tin Lành, họ đã có được một số tín đồ người dân tộc thiểu số hết sức đông đảo, đào tạo được cả mục sư có trình độ cao, như chúng ta đã thấy.
Phật giáo ở Tây Nguyên chỉ giới hạn ở đồng bào người kinh từ xa di dân tới, nhất là từ miền Trung lên và miền Bắc vào. Đường phân giới dân tộc như thế lại trùng lên đường phân giới tôn giáo. Đó là điều rất bất lợi cho sự nghiệp đoàn kết, thống nhất đất nước.
Vì thế, việc truyền bá đạo Phật đến người dân tộc thiểu số miền cao Tây Nguyên là điều hết sức cấp thiết, không chỉ vì lợi ích của Phật giáo Việt Nam, mà trước hết vì sự đoàn kết dân tộc. Nếu giữa người Kinh và người các dân tộc thiểu số miền cao Tây Nguyên, ngoài ngăn cách do khác biệt dân tộc, còn có ngăn cách do khác biệt tôn giáo, thì sự ngăn cách đó sẽ trở nên lớn hơn, vấn đề trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Cả những năm sau 1975, việc truyền bá đạo Tin Lành và đạo Ca tô La Mã vẫn được tiến hành mạnh mẽ, dù không có được thuận lợi từ phía chính quyền. Trong giai đoạn này các nhà thờ vẫn phát hành sách giáo lý bằng tiếng các dân tộc thiểu số, từ điển Việt-ngôn ngữ các dân tộc thiểu số phục vụ cho tu sĩ, điều mà hầu như không có trong giới Phật giáo chúng ta!
Những năm gần đây đã nghe nói đến vấn đề hoằng pháp cho người các dân tộc thiểu số miền cao Tây Nguyên. Tuy nhiên, kết quả chưa rõ ràng lắm, ngoài vài bản tin, một số bức ảnh, video clip.
Rõ ràng là đáng quan tâm, khi thấy cùng tháp tùng Chủ tịch nước đi Hoa Kỳ, bên cạnh những vị tôn đức Phật giáo người Kinh, là một mục sư Tin Lành người dân tộc thiểu số rất có trình độ. Xem lại danh sách Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN thì dường như không hề có giáo phẩm người dân tộc thiểu số miền cao Tây Nguyên.
Không có tôn đức giáo phẩm người dân tộc thiểu số miền cao thì đương nhiên phải nghĩ đến giải pháp là hoạt động giáo dục đào tạo. Có được trong tay “Danh sách tăng ni sinh trúng tuyển chính thức vào khóa X (2013-2017)” của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM do Báo Giác Ngộ tặng bạn đọc, tôi dò tìm ngay tên những tăng ni sinh người dân tộc thiểu số. Nhưng không thấy! Hy vọng là tôi có thể dò sót? Và hơn nữa, còn Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nơi gần các tỉnh Tây Nguyên hơn.
Chúng tôi nêu lại điều này để tất cả những người con Phật cùng suy nghĩ về sự nghiệp hoằng pháp đến người dân tộc thiểu số miền cao. Chưa có được kết quả như ý, có phải một phần do từ Phật giáo chúng ta chăng? Có lần tôi thấy danh sách sinh viên Đại học Y Dược TPHCM tốt nghiệp vẫn có tên những sinh viên bắt đầu bằng những chữ như Y, Kbua… (dù Đại học Tây Nguyên đã có khoa Y). Một người cháu tôi, học Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng có bạn cùng lớp tên Y Hậu (người dân tộc thiểu số lai người Kinh) đã từng ở nhờ nhà của tôi. Thế mà, lẽ nào cả một khóa sinh viên Học viện Phật giáo mấy trăm người, không có sinh viên Phật học nào người dân tộc thiểu số?
Để giải quyết vấn đề, tôi xin đề xuất mấy ý sau:
Phật giáo Việt Nam chúng ta nên lấy phương thức đào tạo cán bộ dạng cử tuyển của nhà nước làm kiểu mẫu, tức là:
– Tuyển người xuất gia và tăng ni sinh học viện, trường Phật học các cấp theo hình thức tuyển sinh cử tuyển vào các trường. Thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số muốn theo học trường Phật giáo thì nhận ngay vào trường Phật học theo chế độ ưu tiên (không loại bằng thi tuyển).
– GHPGVN địa phương cấp học bổng và những trợ cấp đặc biệt riêng khác cho tăng ni sinh người dân tộc thiểu số vùng cao cử tuyển như hình thức nhà nước cấp học bổng tài trợ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số cử tuyển, thậm chí học bổng và tài trợ có giá trị cao hơn để khuyến khích.
– Đào tạo tăng ni sinh người dân tộc thiểu số miền cao theo tinh thần chủ động, tạo duyên tu học trước. Phải tạo duyên tu học thì mới biết họ có duyên tu học hay không. Nếu hoằng pháp và tuyển sinh trường Phật học đối với thanh niên người dân tộc thiểu số theo cùng một cách, với cùng một chuẩn, yêu cầu ngang với thanh niên tăng ni nói chung, thì rất khó có được tăng ni sinh là người dân tộc thiểu số vùng cao. Và như thế sự nghiệp hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao không biết khi nào mới tiến lên được?
Phật giáo Việt Nam chúng ta nên tuyển tăng ni sinh người dân tộc thiểu số với quan điểm như nhà nước trong cử tuyển cán bộ người dân tộc thiểu số, đó là:
– Tạo mọi thuận lợi để đào tạo người dân tộc thiểu số tại địa phương, để về phục vụ cho chính đồng bào họ, tại chính địa phương họ.
– Yêu cầu tiêu chuẩn có thể điều chỉnh theo hướng giảm, tùy điều kiện, địa phương cụ thể, sao cho trước hết là có được người. Khi có được người, sẽ từ từ nâng trình độ sau.
Nếu thận trọng, theo chúng tôi có thể làm thí điểm ở quy mô nhỏ, ít người. Nếu thành công thì mở rộng. Nếu có khó khăn, thì điều chỉnh từng bước, tùy hoàn cảnh cụ thể. Nhưng phải làm ngay, vì đã chậm trễ lắm rồi!
Có thể trong giai đoạn đầu, tiểu chuẩn cử tuyển thấp. Nhưng sau đó, các trường Phật giáo có thể nâng dần lên từng bước. Tôi có nghe thông tin rằng chất lượng sinh viên dân tộc thiểu số cử tuyển ở các trường càng cao. Hiện nay, có nhiều em sinh viên người dân tộc thiểu số học giỏi không kém gì sinh viên các tỉnh thành đồng bằng ven biển.
Chuyện xây chùa ở vùng cao nguyên cho những tăng ni người dân tộc thiểu số tất nhiên là điều phải tính đến. Nhưng, cái trước hết phải là có người. Mua đất cất chùa chỉ cần vài ba tháng. Nhưng trồng người phải cần thời gian hàng chục năm.
MT