Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng niệm HT. Thích Nhật Quang

Tưởng niệm HT. Thích Nhật Quang

126

Tăng ni Phật tử Việt Nam lại phải chịu đựng một sự mất mát lớn: Hòa thượng Thích Nhật Quang vừa viên tịch.

Tôi viết bài này như một nén tâm hương tưởng nhớ hòa thượng.

Tôi không có cơ duyên được tiếp xúc nhiều với hòa thượng Nhật Quang. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi về hòa thượng cũng khá sâu đậm, với hình ảnh hòa thượng là một nhà giáo tận tụy.

Tôi đi chùa Ấn Quang vào khoảng năm 1978. Tuy không tiếp xúc, nhưng ra vào gặp hòa thượng rất thường.

Khi đó, hòa thượng vẫn còn đi dạy học. Hòa thượng vốn là thấy giáo của một trường trung học Bồ Đề. Sau năm 1975, hòa thượng vẫn tiếp tục dạy học, trong khi vẫn nghiêm mật tu tập cùng tăng chúng trong chùa. Hàng ngày, vẫn thấy hòa thượng đạp xe đi dạy.

Những năm đó, đời sống rất khó khăn. Phải kiên định lắm mới bám chùa tiếp tục tu học. Nhiều vị đại đức ra đời dù đã tu 10 năm, 20 năm, vì không còn phải chịu cảnh bắt lính. Hòa thượng Thích Nhật Quang tuy đi dạy học vì yêu nghề, nhưng vẫn kiên trì tu tập. Hòa thượng là tấm gương về người trí thức gắn bó với đạo pháp, vừa làm người thầy dạy kiến thức, vừa làm một tăng sĩ ở cửa Phật.

Hòa thượng rất giữ gìn sự trang nghiêm. Sau 1975, tăng sĩ trước kia là thầy giáo, nay để tiếp tục đứng trên bục giảng, thì không được giữ hình tướng tu sĩ. Thế nhưng, hầu như không bao giờ hòa thượng mặc y phục thế gian trong chùa. Hòa thượng xách cặp đi dạy, khi dắt xe ra khỏi chùa đều trong hình tướng tu sĩ trang nghiêm (có lẽ hòa thượng chỉ mặc như các giáo viên trung học khác khi đứng lớp mà thôi). Cuối giờ, thấy hòa thượng về chùa, vẫn trang nghiêm hình tướng tu sĩ.

Cái quý nhất, là nhờ đó, hòa thượng Thích Nhật Quang có lẽ là vị tu sĩ lạc quan nhất trong việc thích nghi với cuộc sống mới sau 1975, so với các vị thượng tọa, đại đức ở chùa Ấn Quang thời ấy.

Cuối thập niên 1970, không khí chùa Ấn Quang rất nặng nề, vì các thượng tọa Huyền Quang, Thuyền Ấn đang trong vòng lao lý, hòa thượng viện chủ Tổ đình cũng vừa viên tịch không lâu, trong khi kinh tế xã hội đi xuống, hoạt động tôn giáo cũng gặp không ít khó khăn. Hòa thượng Thích Nhật Quang, khi đó còn là một vị đại đức, đã giữ được sự điềm tĩnh, lạc quan đón nhận những bước ngoặt của cuộc đời.

Theo cảm nhận chủ quan của tôi, hình ảnh hòa thượng Nhật Quang vẫn tiếp tục công việc dạy học một cách tận tụy trong sự hòa nhập thời cuộc đã làm giảm bớt không khí căng thẳng của chùa Ấn Quang lúc bấy giờ. Nụ cười trên môi, cộng với khuôn mặt đầy đặn của hòa thượng, đã làm sáng hơn cái không gian ảm đạm của chùa Ấn Quang những ngày tháng cuối thập niên 1970. Trong sự khắc khổ, hòa thượng vẫn an nhiên hàng ngày đi dạy học, rồi tối đến vẫn lại lên tụng kinh với đại chúng, hành trì nghiêm cẩn nếp sống tăng đoàn.

Những ấn tượng tốt đẹp về hòa thượng Thích Nhật Quang đã góp phần tạo nên những ấn tượng tốt đẹp của tôi về chùa Ấn Quang trong thời điểm nhiều cam go đó.

Hòa thượng Thích Nhật Quang tiêu biểu cho lớp tăng sinh trí thức mà Hòa thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ khai sơn Tổ đình Ấn Quang đã dày công gầy dựng.
Trước cuộc ra đi của hòa thượng hôm nay, dường như một thế hệ tăng sĩ của Phật giáo Việt Nam đang qua đi.

Mái chùa Ấn Quang vẫn còn đó, bền vững, uy nghiêm, nhưng những con người gắn với ngôi chùa đã dần dần khuất bóng, mà đến hôm nay, là hòa thượng Thích Nhật Quang, người mà có lẽ hơn nữa thế kỷ gắn bó với ngôi chùa. Hòa thượng là một phần diện mạo của chùa Ấn Quang trong những tháng ngày rất đặc biệt, cũng có lẽ không bao giờ có lại lần thứ hai.

MT