Đến chứng minh và tham dự có sự hiện diện của ĐĐ. Thích nhuận Đức – Phó BTS kiêm trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Tiền Giang, ĐĐ. Thích Thường Tấn – chùa Bửu Thọ tỉnh Kiên Giang, ĐĐ. Thích An Thanh – Phó ban Nghi lễ, Ủy viên ban Hoằng pháp GHPGVN, ĐĐ. Thích Pháp Như – Chủ nhiệm hội khuyến học Cội Nguồn, ĐĐ. Thích Tâm Lượng – Chủ nhiệm CLB Suối nguồn Hoằng pháp, Ni sư TN. Như Thông – Trụ trì chùa Liên Trì Q.3, TP. HCM, Ni sư TN. Như Nhựt – Trụ trì chùa Lâm Bửu, tỉnh Tiền Giang, Ni sư TN. Như Nguyên – Trụ trì chùa Nam An, tỉnh Tiền Giang, Ni sư TN. Như Hòa – Trụ trì Tịnh thất Pháp Lạc, TP. HCM, Sư cô TN. Huệ Ánh – Trụ trì chùa Trường Phước, tỉnh Tiền giang cùng chư tôn đức Tăng Ni hội Khai Tâm – CLB. Hoằng Pháp Trẻ, CLB. Suối Nguồn Hoằng Pháp TP. HCM cùng hàng trăm Phật tử đã về tham dự.
Sau âm vang tiếng niệm Phật cầu gia bị là lời phát biểu khai mạc buổi lễ của Ni sư trụ trì chùa Nam An. Ni sư nói: “Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, bên cạnh những lời dạy đầy minh triết của đức Phật nhằm chuyển hóa thân tâm, đạt đến mục tiêu tối thượng là giác ngộ giải thoát, thì tinh thần của ngày lễ Vu Lan cũng dần trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc. Dù có bộn bề công việc gì, đến ngày này những người con đều trở về chùa, dự vào pháp phần của Phật, nghe quý thầy giảng về công ơn cha mẹ, cách báo hiếu, đền ơn đáp nghĩa để tìm về lối sống đạo đức trong cuộc đời. Bởi mỗi chúng ta ai ai cũng có cội nguồn của mình, ai cũng mang trong mình dòng máu tổ tiên, ông bà cha mẹ.”
Lới phát biểu đó được chia sẻ sâu rộng hơn qua thời pháp thoại với chủ đề Điểm tựa đời con. ĐĐ. Thích Tâm Lượng và ĐĐ. Thích Minh Phát đã cho hội chúng thấy được sự may mắn, diễm phúc của người con bên điểm tựa an bình là cha và mẹ.
Sau thời pháp thoại là nghi thức thắp nến tri ân. Từng ngọn nến lung linh được chư tôn đức thắp sáng lên bằng ngọn lửa mồi nơi bàn thờ Phật, như ánh quang minh của đức Thế tôn soi rõ từng khuôn mặt, thắp sáng niềm tin và trí tuệ để những người con tìm về bến đỗ bình yên của cuộc đời.
ĐĐ. Thích Nhuận Đức thay mặt chư tôn đức nói lên ý nghĩa hoa hồng mùa Vu Lan. Bằng giọng nói trầm ấm, thầy ôn tồn chia sẻ niềm hạnh phúc của những người đang còn diễm phúc có mẹ có cha trong cuộc đời, để được cài bông hồng đỏ thắm lên ngực áo, đồng thời ai ủi những ai đã khiếm khuyết cha hoặc mẹ, phải nhận bông hoa màu hường. Đặc biệt, thầy hướng đến những ngươi con bất hạnh, phải nhận về màu trắng tang thương khi hai đấng sanh thành đã qua đời. Thầy dặn dò, những màu hoa khác nhau như thế không phải để bi quan, buồn tủi mà là cơ hội để chúng ta nhìn lại bản thân đã và chưa làm được gì cho cha và mẹ của mình.
Sau lời phát biểu của Đại đức Giảng sư là nghi thức mặc niệm hoa hồng, để tưởng nhớ đến cha mẹ. Đóa hồng vàng dành cho những người con chọn lối sống xuất gia và hoa hồng đỏ, hường, trắng lần lượt được cài lên ngực áo mỗi người tham dự buổi lễ. Những lời tâm sự, nhắn nhủ, nhắc nhớ của quý thầy cô làm cho hội chúng bồi hồi xúc động. từng giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má mỗi người khi nhớ về công ơn của 2 đấng sanh thành.
Theo dòng cảm xúc đó, ĐĐ. Thích An Thanh đã dặn dò mọi người hãy bày tỏ niềm hiếu hạnh của mình qua những hành động cụ thể, đặc biệt là trong mùa Vu lan Báo hiếu và trong lúc cha mẹ đang hiện tiền, vì đó chính là đức Phật Thích Ca, Phật bà Quan âm trong gia đình mỗi người.
Sau lời cảm tạ của ĐĐ. Thích Thường Tấn, buổi lễ tạm khép lại trong sự bùi ngùi của hội chúng. Mọi người chuẩn bị cho buổi lễ dâng y vào sáng hôm sau để cầu an cho cha mẹ hiện tiền và cầu siêu cho những người quá vãng.
www.phattuvietnam.net xin giới thiệu một vài hình ảnh của buổi lễ.