Tuy nhiên, có lẽ sau một số bài viết, tự truyện của vị tôn đức đó, sự việc đã không có được những bước tiếp nối cần thiết.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, cũng dường như không có việc đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, tôi nghĩ là cần có bài viết này, cũng như mong có được sự hưởng ứng rộng rãi, để vấn đề được đặt lại theo một hướng giải quyết lành mạnh.
Chúng ta đều biết phim ảnh, trong đó gồm cả phim truyện, có những tác động sâu sắc và lớn lao đến việc nhận thức lịch sử. So với việc đọc sách, công chúng phim ảnh có số lượng áp đảo. Việc người ta biết các sự kiện lịch sử, đánh giá sự kiện lịch sử, không phải từ sách sử học, mà từ phim, nhất là phim truyện, là điều hết sức phổ biến. Vai trò của phim truyện lịch sử đối với công chúng là hết sức quan trọng.
Đối với sự kiện lịch sử Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963, có 2 phim truyện đề cập đến, đều thuộc loại phim nhiều tập, là phim “Ván bài lật ngửa” và “Ông cố vấn”.
Hai bộ phim này vẫn thường được chiếu đi chiếu lại trên nhiều kênh truyền hình. Từ đó, cứ đưa đến cho đông đảo khán giả truyền hình những hình ảnh dựng lại về sự kiện Pháp nạn 1963, đồng thời với cách lý giải chủ quan của những tác giả của các bộ phim.
Hai phim truyện kể trên đều là phim… tình báo. Với đặc trưng của thể loại phim truyện này là… giật gân! Từ đó, sự kiện Pháp nạn 1963 trước hết được trình bày giật gân như thế. Ở đây, trước hết đề cập đến bộ phim “Ván bài lật ngửa”, mà mới đây tôi được xem lại trên một kênh truyền hình toàn quốc có nhiều khán giả. Sự kiện Pháp nạn được đề cập ở tập 7, vào gần cuối bộ phim nhiều tập này.
Đề cập đến Pháp nạn lịch sử 1963 là việc đương nhiên của bộ phim này, vì đây là sự kiện then chốt đưa tới bước ngoặt sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, bối cảnh của bộ phim.
Thế nhưng, trong cùng một “đường dây” của bộ phim, sự kiện pháp nạn 1963 được thể hiện… hết sức giật gân, trong sự đấu trí của chế độ Nhu Diệm, tình báo CIA, tình báo Hoa Nam Trung Quốc, tình báo quân giải phóng (qua nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân)…
Trong kịch bản văn học của bộ phim, tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý, nguyên nhân dẫn đến sự kiện Phật giáo 1963, là kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo có được đề cập, lý giải. Nhưng đến bộ phim “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn Khôi Nguyên, thì nội dung này đã hết sức mờ nhạt, dẫn đến một cái nhìn phiến diện về lịch sử.
Ở phim “Ông cố vấn”, khán giả thấy khá rõ được diện mạo một chính quyền Diệm Nhu độc tôn Thiên Chúa giáo, với thế lực của các giáo sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo cực đoan, thì ở phim “Ván bài lật ngửa”, sự kiện Phật giáo bùng nổ với màu sắc thiên hẳn về chính trị. Sự kiện Phật giáo 1963, qua cái nhìn của đạo diễn Khôi Nguyên, dường như đã mất đi hẳn bản sắc văn hóa tôn giáo, mà chỉ còn màu sắc xung đột, va chạm chính trị trong bối cảnh nóng bỏng của chiến tranh. Điều đó không đúng với bản chất lịch sử của sự kiện. Chúng ta cần hết sức lưu ý về sự sai lạc này. Từ đó, sự kiện Pháp nạn 1963 được trình bày méo mó trước hàng chục triệu khán giả điện ảnh và truyền hình, và cứ tiếp tục như thế.
Việc trình bày sai lạc bản chất sự kiện lịch sử của Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963 gắn liền với xu hướng giật gân của bộ phim. Chính là muốn xâu vào chuỗi diễn biến giật gân, nhằm hấp dẫn, lôi cuốn người xem của bộ phim, đạo diễn Khôi Nguyên đã tô quá đậm màu sắc chính trị lên sự kiện và gia dậm vào đó nhiều chi tiết hư cấu rất… kịch tính. Pháp nạn 1963 trong phim đã diễn ra trong cuộc rượt đuổi xi nê gay cấn.
Chúng ta không đồng tình với những chi tiết hư cấu bàn tay của người Mỹ đối với Phật giáo. Như sự kiện nhân vật “gã đầu bạc”, người của CIA, xuất hiện trên sông Hương, chỉ đạo cấp dưới hành sự quanh sự kiện. Rồi lời phát biểu “thân Mỹ” của một vị đại đức trong cuộc họp các vị tu sĩ Phật giáo ở chùa Từ Đàm… Bàn tay người Mỹ đã miêu tả một cách sai lệch, cường điệu khiến trong phim “Ván bài lật ngửa”. Pháp nạn lịch sử 1963 mất gần hết tính chất tôn giáo mà chỉ còn là một sự kiện chính trị tầm thường, được sự lèo lái của người bên ngoài, là những điệp viên kiểu găngxtơ Mỹ, với phong cách làm phim của Khôi Nguyên.
Những chi tiết miêu tả giật gân sự kiện pháp nạn lại tiếp tục với việc nhân vật đại tá Nguyễn Thành Luân đạo diễn hóa trang một vị đại đức thành sĩ quan cận vệ, đội tóc giả, gắn râu giả, đưa ra khỏi vòng phong tỏa đang bao vây chùa Từ Đàm, dẫn đến cuộc rượt đuổi ly kỳ trên quốc lộ. Như vậy, một lực lượng nữa lại nhúng tay vào sự kiện Phật giáo một cách kịch tính. Nhân vật đại đức hư cấu được nhân vật Nguyễn Thành Luân thu xếp ra khỏi vòng vây cảnh sát quanh chùa Từ Đàm đó làm người xem liên tưởng sai lệch đến một nhà lãnh đạo Phật giáo quan trọng lúc bấy giờ.
Điều này là hết sức tai hại cho Phật giáo Việt Nam và cho sự trung thực của việc nhận thức lịch sử nơi công chúng!
Đoạn phim miêu tả sự kiện tấn công chùa Xá Lợi đêm 20/8/1963, đỉnh cao của Pháp nạn lịch sử (trong phim gọi là chiến dịch “Nước Lũ”) được dàn dựng trong xu thế giật gân đó. Các lực lượng tình báo vây kín sự kiện, bao bọc, gằng xé sự kiện. Cuộc hy sinh bảo vệ chùa Xá Lợi được thể hiện trên nền nhạc hấp tấp, hỗn độn làm sự kiện dàn dựng lại mất đi tính bi tráng, mà thay bằng màu sắc giật gân của một cuộc thanh toán ẩu đả, động loạn, hỗn chiến. Phật giáo dường như không có vẻ gì còn sự chủ động, trong khi các phe phái tình báo giành giật lấy nhà sư. Tôi nhớ cụm từ mà vị tôn đức được nhắc đến ở phần đầu bài viết này là “trong túi” để dùng chỉ việc miêu tả sai lệch này. Đúng là trong phim “Ván bài lật ngửa”, Phật giáo Việt Nam như bị “trong túi” của các lực lượng, thành ra một con bài chính trị, bị thảy qua thảy lại giữa những mưu tính khác nhau, mà rất nổi là vai trò người Mỹ.
“Ván bài lật ngửa” là một bộ phim nổi tiếng Việt Nam. Nó rồi sẽ vẫn được tiếp tục chiếu. Nhưng vì do những lý do kể trên, việc phê bình phim “Ván bài lật ngửa” trong bài viết này là điều cần thiết, để lưu ý khán giả về những khuyết điểm như thế của bộ phim, điều làm người Phật tử rất phiền lòng.
MT