Trang chủ PGVN Nhân vật Kính ngưỡng Giác linh Hòa thượng Thích Minh Châu

Kính ngưỡng Giác linh Hòa thượng Thích Minh Châu

448
Nhân lễ Tiểu Tường (16/17/7/Quý Tỵ) của Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, thể theo sự thỉnh cầu của Môn đồ đệ tử thỉnh Hòa thượng viết bài đăng vào tập kỷ yếu trong dịp lễ Đại Tường 2014 (Giáp Ngọ). Để tưởng niệm những gì Người đã đóng góp cho sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Hòa thượng Thích Chơn Trí.
 
KÍNH NGƯỠNG
CỐ GIÁC LINH HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU


 

Tôi được biết Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu là thân tử của ông bà cụ Đinh Văn Chấp (người đã đỗ đầu kỳ thi Tiến sỹ khoa Quý Sửu năm 1913 triều Duy Tân thứ 7), quê quán tỉnh Nghệ An – Việt Nam.

Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình có văn hóa và truyền thống đạo đức. Lúc lớn lên Hòa thượng vào Nam (Huế) tiếp tục học chương trình văn hóa và tham gia sinh hoạt tại địa phương. Hòa thượng là Đoàn viên đoàn Phật học Đức Dục, ngoài trình độ văn hóa và rất có thiện chí sinh hoạt đoàn thể, Hòa thượng là một Đoàn viên mẫu mực, nổi bật nhiều về đạo hạnh và có lẽ cũng do vậy rất được đoàn thể kính mến.

Vào khoảng năm 1940, Hòa thượng đã cùng anh em chúng tôi gồm: Hòa thượng Thích Thiên Ân, Hòa thượng Thích Đức Tâm, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Trí Không đã cùng thọ giáo với Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, trú trì Tổ đình Ba La Mật, TP. Huế.

Thời gian tiếp theo, Hòa thượng phát tâm xuất gia, đầu sư với Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Trú trì Tổ đình Tường Vân.

Đầu năm Kỷ Sửu (1949), Hòa thượng thọ Đại giới Tỷ kheo tại giới đàn Báo Quốc. Cũng là thiện duyên sau lúc thọ giới xong, Hòa thượng xin nguyện thường trú tại nơi này, vì đây là Phật học viện của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên.

Ở đây, ngoài việc tu học Hòa thượng đã tích cực tái sáng lập Gia đình Phật tử, làm Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề. Với chủ trương đào tạo Tăng tài Việt Nam, GHPGVN Trung phần, đề xuất vấn đề học tăng Việt Nam du học tại các Phật học viện Phật giáo nước ngoài.

Tuân thủ chủ trương trên, Hòa thượng được cử sang du học tại Phật học viện ở tiểu bang Tân Đề Ly – Ấn Độ. Sau thời gian tu học mãi đến kỳ thi mãn khóa, Hòa thượng là thí sinh xuất sắc đậu thủ khoa của kỳ thi này, trong dịp dự lễ mãn khóa, Thủ tướng Ấn Độ Nê Ru đã đích thân đến dự và đã tự tay gắn huy chương danh dự cho Hòa thượng, đây là một vinh dự lớn. Cũng trong buổi lễ này, dân chúng địa phương tham dự rất đông, rất có cảm tình, mọi người đều tỏ lòng mến phục.

Cũng trong lúc này, bà con nhắc lại kỷ niệm một thành tích sáng chói đó là trước đây, cũng tại nơi này đã có danh tăng Huyền Trang người Trung Hoa sang tu học, nay có Hòa thượng Thích Minh châu người Việt nam cũng sang tu học và cũng thành đạt khả quan trên đường học vấn và đạo hạnh. Như vậy có thể nói Hòa thượng là “Đệ nhị Huyền Trang Việt Nam!”

Sau khi từ Tích Lan (Ấn Độ) về nước, ngoài việc tinh tấn truyền bá Đạo pháp, phiên dịch kinh điển, Hòa thượng còn xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh lớn nhất tại miền Nam Việt Nam.

Với con người của Đại lão Hòa thượng trong Đạo pháp chẳng khác gì “Viên ngọc sáng” mà trước đây Đức Đại lão Bổn sư Thích Tịnh Khiết truyền gắn “Pháp tự Minh Châu thật quá tuyệt vời!”.

Tóm tắt nghĩ về thành tích Pháp sự, đạo hạnh về cuộc đời Cố Hòa thượng thật kính nể và tán dương vô cùng. Tôi xin trích ra đây hai câu cuối của bài Pháp kệ để nói lên lòng ngưỡng mộ của mình đối với Hòa thượng.

“Xưng dương nhược tán thán,
Ức kiếp mạc năng tận”.
 

Pháp hữu THÍCH CHƠN TRÍ
 
Hòa thượng Thích Chơn Trí – Trú trì chùa Phước Điền, TP. Huế
(Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 16.08.2013)