Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Mạnh tay với ‘rác’ trên mạng xã hội

Mạnh tay với ‘rác’ trên mạng xã hội

220
Dựng clip với các tình huống gây sốc; đem hình ảnh tôn giáo, anh hùng liệt sĩ ra đùa cợt… không chỉ gây náo loạn mạng xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, an ninh trật tự…

Mấy ngày qua, clip người phụ nữ vào quán gọi cà phê nâu lắc đã gây “bão” mạng, nhất là khi sự thật phía sau clip bị cư dân mạng bóc trần.

Dựng chuyện, nhảm nhí

Nội dung clip thể hiện một người phụ nữ kêu cà phê nâu lắc, nhân viên đem ra cà phê có sữa, vị khách đã hạch sách nhân viên và kiên quyết không trả tiền vì cho rằng không uống được ngọt. Chưa hết, sự việc trở nên gay cấn khi xuất hiện clip chủ quán cà phê in hình người này dán trước cửa với nội dung miễn tiếp.

Dư luận tranh cãi nảy lửa bởi cách cư xử không đúng mực của cả hai bên nhưng chỉ vài ngày sau, họ nhanh chóng nhận ra đây không phải là tình huống thật, nhân vật chính trong clip là diễn viên đóng nhiều vai phụ trong các phim truyền hình. Đáng nói, sau clip “nâu lắc”, người phụ nữ tiếp tục đóng clip “bơ không đường”, clip bà chủ nhà trọ bị khách tố. Ê-kíp đóng “clip cà phê nâu lắc” cũng tham gia.

Trước đó, cư dân mạng một phen “lên đồng” vì clip đánh ghen gây náo loạn trên đường phố. Hàng ngàn người chia sẻ clip và lên án hành vi đánh ghen. Sau đó, không ít người nhận ra một số “diễn viên” đã từng đóng trong clip cô bé bị một tiểu thương ở chợ mạt sát khi tố cân thiếu thịt.

Lấy cớ “phản ánh các vấn đề xã hội”, clip “Gái miền Tây thì có tội sao?” đăng tải cách đây không lâu đã thu hút hơn 100.000 lượt xem. Trong video clip, nam thanh niên dẫn người yêu về ra mắt mẹ. Sau khi nghe con trai giới thiệu cô gái quê ở Cà Mau, người mẹ thay đổi thái độ, nói: “Mẹ không thích người miền Tây, mà cũng không thích con dâu người miền Tây”. Ngay bên dưới clip này, nhiều tài khoản đã để lại những bình luận tiêu cực, mang tính phân biệt vùng miền. Cũng có người phát hiện đây là clip dàn dựng nên đã yêu cầu gỡ ngay vì nội dung kỳ thị, phân biệt vùng miền.

Một clip khác diễn lại cảnh một người mẹ chửi mắng bằng những lời lẽ nặng nề khi phát hiện con gái có mối quan hệ tình cảm đồng giới. Clip này thu hút gần 3 triệu lượt xem và gần 5.000 bình luận.

Người phụ nữ đóng nhiều vai trong nhiều clip gây sốc Ảnh: PHẠM DŨNG

Người phụ nữ đóng nhiều vai trong nhiều clip gây sốc Ảnh: PHẠM DŨNG

Xúc phạm tôn giáo, anh hùng

Đầu tháng 7 vừa qua, mạng xã hội xôn xao trước clip hóa trang thành Đức Phật livestream bán nước hoa trên TikTok của tài khoản N.B. Trong lúc livestream bán hàng, người này dùng những lời lẽ phản cảm, không đúng với tinh thần của nhà Phật. Clip gây nên làn sóng phẫn nộ. Ngoài clip này, có khá nhiều clip khác được sản xuất và lan truyền trên mạng xã hội có nhân vật mặc áo cà sa, giả dạng tu sĩ Phật giáo, có lời nói, hành vi phản cảm.

Trước đó, cộng đồng mạng đã phẫn nộ, kêu gọi TikTok xóa tài khoản K.H do sản xuất một clip dài 23 giây xúc phạm nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Dù là nam với thân hình quá cỡ, K.H mặc bà ba trắng, đội tóc giả, lồng lời thoại nói về nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trước sự lên án của người dùng, chủ tài khoản đã nhanh chóng xóa clip và kèm lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội.

Hiện nay, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “cameradoisong” trên Facebook, ngay lập tức xuất hiện rất nhiều clip ngắn, với thời lượng khoảng 3 phút. Việc sản xuất những nội dung gây sốc đã trở thành xu hướng của những cá nhân, nhóm sáng tạo nội dung để thu hút lượt xem, lượt theo dõi. Những clip “diễn như thật” được một nhóm người dàn dựng, có phân công vai diễn, lời thoại, hành động… rất rõ ràng, góc quay tự nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, rất dễ lầm tưởng đây là những clip có thật.

Mặc dù biết các vi phạm đều có thể bị xử lý nghiêm nhưng nhiều người sản xuất nội dung vẫn bất chấp. Tài khoản TikTok Anh Tài đề xuất: “Các cơ quan chức năng cần quan tâm và mạnh tay xử phạt những tài khoản sản xuất clip “bẩn”. Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cần báo cáo những clip sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, xúc phạm tôn giáo, các vị anh hùng liệt sĩ… để làm trong sạch không gian mạng”.

Thạc sĩ Phan Thị Kiều Duyên cũng lưu ý trên nền tảng mạng xã hội, ai cũng có thể sản xuất nội dung và nhanh chóng đưa lên mạng. Khi xem một clip thiếu chuẩn mực, người dùng nhấn nút phẫn nộ, “share” (chia sẻ) sẽ khiến các clip này nhanh chóng lan truyền, dễ trở thành xu hướng tìm kiếm. Vì vậy, hãy nhấn nút báo cáo nội dung không phù hợp hoặc nội dung gây sốc để những nền tảng mạng xã hội ghi nhận. Các báo cáo sẽ khiến cho những clip “bẩn” bị ẩn hoặc người sản xuất nội dung gây bức xúc sẽ bị xóa kênh.

Từ sau “cơn sốt” gỏi gà măng cụt, nhiều TikToker, YouTuber sản xuất ra những clip ẩm thực với công thức kỳ quặc như: pha nước giải khát với trứng vịt lộn hay trứng cút lộn; nấu mì ăn liền bằng trà sữa trân châu… khiến người dùng nôn thốc nôn tháo khi thử các món ăn này.

PHẠM DŨNG – LÊ VĨNH