Trang chủ Tin tức TP.HCM: Buổi tọa đàm của TT.Thích Chân Quang tại Cty FPT

TP.HCM: Buổi tọa đàm của TT.Thích Chân Quang tại Cty FPT

144

Tham dự buổi tọa đàm có:  Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Về phía công ty FPT có: Bà Trương Thanh Thanh – Phó giám đốc FPT TP. HCM cùng Lãnh đạo các Phòng Ban, và công nhân viên của công ty.

Vì là môi trường kinh doanh nên mở đầu buổi tọa đàm, Thượng tọa phân tích đôi nét về “Con người thành đạt” là như  thế nào. Theo quan điểm của Thượng tọa, chữ “Người thành đạt” thường dành cho những người có trí thức, có năng lực, có bệ phóng từ gia đình và có tự tin rằng mình sẽ thành công.

Về ý nghĩa ‘Thành đạt’ hơi khác với ‘Thành công’ ở điểm thành đạt còn có ý nghĩa về danh giá, về uy tín, danh dự, tài sản và địa vị. Khi một người có được những điều đó thì gọi là người thành đạt, tức là đi qua cuộc đời bản thân đạt được một số tiêu chuẩn gì làm ta mãn nguyện thì gọi là thành đạt. Và ai có trí tuệ, trí thức đều có khát vọng, có ước mơ phấn đấu cho sự thành đạt của đời mình dù không nói ra. Tuy nhiên, nếu nhìn sự thành đạt bằng con mắt đạo đức thì ta định nghĩa khác đi một chút, tức người thành đạt không phải là người có được những tiêu chuẩn về địa vị, tài sản hay danh tiếng mà là người gây đựơc ảnh hưởng tốt lên số đông trong cộng đồng con người. Cho nên định nghĩa thứ hai này vắng bóng bản ngã và nó mới là cái nhân quả tội phúc thực sự. Mà ai làm được điều này, tức người thành đạt gây được ảnh hưởng tốt trong cộng đồng (điều phúc) thì địa vị, tài sản, danh dự, uy tín sẽ kéo theo sau, vì đó là nhân quả.

Còn nếu định nghĩa thành đạt mà nào giờ hay hiều là ta lấy quả chứ không để ý đến nhân, ví dụ tôi là người thành đạt thì tôi phải có bao nhiêu tài sản đây, tôi phải tiếng tăm thế này kia. Đó là định nghĩa theo quả. Nhưng nếu hiểu sâu xa thì ta định nghĩa theo nhân, tức là một ngưòi gây được ảnh hưởng tốt lên nhiều người khác, mà số người ta gây ảnh hưởng tốt càng nhiều chừng nào thì gọi là cái thành đạt càng lớn lao chừng nấy. Và nếu theo định nghĩa này, ta nhìn lại ngược trong lịch sử loài người thì sẽ thấy, rõ ràng có những người tên tuổi để lại với loài người đến ngày nay ta còn phải ngưỡng mộ nhiều khi họ không có địa vị, không có tài sản, tiếng tăm, rất lận đận, chẳng ai biết …nhưng những công trình của họ ngày hôm nay ta thụ  hưởng và thế giới phải mang ơn; bây giờ ta mới thấy, đúng họ là những người thành đạt.

Có những người địa vị rất cao, tài sản lớn, tiếng tăm lừng lẫy nhưng người đời chống quên. Ví dụ một nhà xã hội học làm cuộc khảo sát thế này: Các bạn hãy kể cho tôi tên 10 người Lãnh đạo chính trị quyền lực hiện nay. Mọi người bắt đầu gợi nhớ để tìm mà không ai kể đủ 10 tên hết. Vậy, các bạn hãy  tìm cho tôi 10 người danh nhân – vĩ nhân đã để lại nhiều it lợi cho loài người nhất. Thế là ai cũng kể được hết. Qua đó, họ hiểu một điều: Sự thành công (tiền bạc, quyền lực,…) coi vậy chứ phù du, không phải là cái gốc, trong khi cái ân nghĩa gây được ảnh hưởng đối với cuộc sống này… cái đó mới để đời là sự thành đạt vĩnh viễn.

Vì vậy, với  những người có trí thức – trí tuệ,  trong lòng họ đều âm thầm phấn đấu khát khao một sự thành đạt của đời mình nhưng đôi khi ta định nghĩa nhằm mục tiêu, và ta mất phương huớng. Nếu cuộc đời ta phấn đấu cho mục tiêu đó thì cái bản ngã hiện lên nhiều hơn và đau khổ chực chờ, đôi khi có thành đạt theo ý ta  nhưng cái đau khổ chung quanh sẽ bám theo như một phản ứng phụ. Ngược lại, nếu ta định nghĩa đúng thì hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc. Ví dụ ta định nghĩa người thành đạt là người gây được nhiều ảnh hưởng tốt lên cho cộng đồng con người, đây là định nghĩa đúng, mà nếu hiểu sâu và thực hiện được đìều này thì hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc đi theo cuộc đời ta, nghĩa là ta vẫn phải vất vả, tốn công rất nhiều nhưng trong cái mục tiêu đó vắng bóng bản ngã. Cho nên, có khi ta bị người đời ghẻ lạnh, hay bị thiệt thòi quyền lợi bản thân nhưng lòng không nao núng vì cái mục tiêu của ta không thuộc về bản ngã. Vì vậy đau khổ như bóng ma, nó chỉ bao vây, cuốn lấy nơi nào có nhiều bản ngã. Còn nơi cái tâm hồn nào ít bản ngã nhất thì nó không có chổ bám.

Do đó, khi ta định nghĩa chọn hướng đi ít vì mình nhất thì đau khổ nó không hiểu, không cuốn lấy cuộc đời ta được. Còn như ta đặt cái mục tiêu phấn đấu vì mình nhiều quá, có khi ta đạt được nó nhưng đau khổ hoành hành tâm hồn ta. Như vậy, sự thành đạt trong cuộc đời con người nếu ta định nghĩa sai thì thành đạt đó không phải là hạnh phúc. Trái lại, nếu ta định nghĩa đúng, sự thành đạt đó đồng nghĩa với hạnh phúc. Đến đây, Thượng tọa không lý giải tiếp “Thế nào là gây được ảnh hưởng tốt trong cộng đồng của con người”? mà để mỗi người băn khoăn, day dứt, suy gẫm, tự tìm câu trả lời để giúp họ tự phát triển. Đây là cách tạo ra chất xúc tác để người khác biết cách soi sáng về bản thân bằng những trải nghiệm của chính mình.

 

Lại nữa, ngưòi thành đạt nếu nói theo phương diện đạo đức hay đạo Phật hay các tôn giáo tốt khác thì phải là người có đạo đức, đó mới là cái đẹp và toàn vẹn. Ta không thể chấp nhận người thành đạt mà đi kèm theo ác độc nào đó thì nó trở thành nguy hiểm. Người đạo đức là người có lý tưởng sống. Lý tưởng sống là một ước mơ cao đẹp hơi lớn một chút, và ước mơ đó vì người không vì mình. Còn ngược thì là tham vọng. Cho nên, ta cần người thành đạt trong cuộc đời sống có đạo đức, tức là mối tương quan, tâm hồn của mình đối với mọi người tốt rồi nhưng phải có lý tưởng, ước mơ lớn, vì người ước mơ nhỏ – trái tim nhỏ sẽ không có trí tuệ lớn và dứt khoát không bao giờ có hạnh phúc lớn. Chính đời sống vị tha, phấn đấu vì mục tiêu gì đó cho nhiều người thì luôn đem lại cho ta hạnh phúc từng giây từng phút trong cuộc sống này mà không phải đợi đâu xa.

Với ý nghĩa này, Thượng tọa tán thán tập đoàn FPT là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, chỉ vì mục tiêu phấn đấu của FPT luôn ước muốn trở thành một tổ chức kiều mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Sau 24 năm hoạt động, hiện FPT là công ty số 1 tại Việt Nam trong các lĩnh vực Phần mềm, Tích hợp hệ thống, Dịch vụ CNTT, Phân phối và Sản xuất các sản phẩm CNTT, Bán lẻ sản phẩm CNTT. Nhân đây, Thượng tọa phân tích, đánh giá nền văn mình của một đất nước là như thế nào, đã đem lại cho người nghe nhiều góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và hướng phát triển của đất nước mình trong thời đại hội nhập toàn cầu.

Khi trao đổi với ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT và bà Trương Thanh Thanh – Phó giám đốc FPT, TT Thích Chân Quang cảm thấy vui mừng vì cái ước mơ của những người Lãnh đạo một tập đoàn Công nghệ Toàn cầu hàng đầu của Việt Nam có tầm nhìn luôn nghĩ về cuộc sống và đạo đức của số đông Cán bộ & nhân viên. FPT luôn lo lắng làm sao cho 15.000 con người trong công ty sống hạnh phúc trước đã, vì hạnh phúc không phải đâu xa mà là người bên cạnh mình “Sống với nhau, gặp mặt nhau, yêu thương được nhau, giúp đỡ nhau, đó là hạnh phúc”. Điều lo lắng này thật vĩ đại, vì những người Lãnh đạo một tập đoàn lớn, nếu không có trái tim vị tha, họ chỉ lo lợi dụng, tính toán lãi hay lỗ.

Trên tinh thần triết lý nhân quả của đạo Phật, Thượng tọa cho rằng “Nếu 15 ngàn con người trong FPT này sống hạnh phúc (tức sống tử tế) được với nhau thì ta sẽ thấy nhân quả nó cuốn theo liền, nhưng cái quả báo không chỉ nằm ở công ty hay tập đoàn này, mà quả báo còn tung ra trên xã hội, trên thế giới. Lúc đó, uy tín, cái ảnh hưởng, sự thành công của tập đoàn nó lan tràn vượt biên giới luôn. Và không chỉ tập đoàn FPT, Thượng tọa hy vọng  trên đất nước Việt Nam, hễ ai Lãnh đạo một tập đoàn công ty lớn đều phải có cái nỗi lo “Mong làm sao cho người của công ty  đạo đức lớn lên từng ngày”. Nếu một ngày nào đó ước mơ này thành hiện thực, chúng ta sẽ chứng kiến được cái điều kỳ diệu, ngoạn mục xảy ra tại đất nước mình. Cũng vậy, trên thế giới có những quốc gia phát triển vượt bực, do công nghệ mũi nhọn có chiều sâu, hoặc có những tiến bộ mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Nhân quả là do trong đất nước họ có cái văn hóa tạo thành lối sống tử tế với nhau, nên bổng nhiên có sự thành tựu vượt bực, vượt ra ngoài biên giới quốc gia đó và ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cuộc đời thăng trầm không biết trước, dù ta sống rất tốt, gieo nhiều nhân lành, nhưng có những kiếp mình đã sơ suất, đã làm điều gì sai lầm, và cái quả báo còn chờ đó. Hiện giờ khi ta đang gieo những nhân lành về đạo đức, về lý tưởng sống, và cuộc sống cứ theo nhân quả đang đi lên từ từ. Thế nhưng trong cái lý tưởng, hạnh phúc, đạo đức đó, bỗng nhiên có lúc ta sụp đổ, không giải thích được. Nếu người không hiểu sâu luật nhân quả đôi khi hoang mang… Sự thật, bỗng nhiên ta bị thăng trầm trong cuộc sống, đó là dấu vết của một kiếp xưa đã có sai lầm, vì không ai hoàn toàn đúng mãi. Ngay bây giờ cũng vậy, dù ta tốt 100%, đôi khi vẫn có những sai sót, không bao giờ ai đúng hết hoàn toàn. Quan trọng là thái độ của ta trong cuộc sống này. Đi qua những thăng trầm, đắng cay đó là lúc để ta xác định đạo đức của mình. Đạo đức chỉ được khẳng định trong cám dỗ và trong đau khổ.

Thượng tọa nhắc nhở FPT chẳng những phấn đấu xây dựng thành một tập đoàn điện toán hùng mạnh của Việt Nam, mà còn xây dựng thành một mô hình sống cộng đồng tuyệt vời cho bao nhiêu tập đoàn khác noi theo, tức ta tạo thành một văn hóa công ty cho thế giới chiêm ngưỡng, đó là “Việt Nam chúng tôi không làm vì lợi ích riêng mình, mà chúng tôi xây dựng xã hội, xây dựng đất nước trên cái toàn diện, trong đó có yếu tố của hạnh phúc, của đạo đức, chứ không phải chỉ có lợi nhuận”.

Mặt khác, Thượng tọa cũng phân tích nhân quả của người đi tìm việc làm. Nếu một người xin việc làm là để có cơ hội phục vụ nhiều nhất cho cộng đồng và trả ơn cuộc đời, chứ không phải chăm chăm vào mức lương cao mới làm thì người này có đạo đức nghề nghiệp. Đây là một quan điểm sống mà mọi người cần phải như  vậy. Mà nếu cả tập đoàn  đều ý thức như thế thì chúng ta sẽ thấy cái nhân quả lớn lắm.

Nói về ân nghĩa đối với cuộc đời, Thượng tọa nói ta có ngày rằm tháng 7 thường xoáy vào đạo Hiếu của người con đối với cha mẹ, nhưng sự thực ý nghĩa tháng 7 là ý nghĩa nhập thế của đạo Phật. Thường đạo Phật là đạo xuất thế, tức đi tìm cái đạo đức cao siêu đến nỗi vượt khỏi thế gian. Tuy nhiên, trong đạo Phật lại có tháng 7 để nhắc mọi người về cái ân nghĩa họ đã nhận lấy trong cuộc đời này, và họ phải sống sao cho đúng với ân nghĩa đó, không được là người vô ơn. Chỉ con người mới có thể làm Thánh được là vì có đạo đức của lòng biết ơn. Và trong những người mà ta phải biết ơn thì ơn cha mẹ là thứ nhất. Thứ hai là người cho ta kiến thức tinh thần là thầy cô giáo. Thứ ba là người cực khổ lãnh đạo đất nước này là quốc vương, và thứ tư là Phật pháp cho ta đạo lý, tâm linh để ta sống một cách cao thượng. Và Thượng tọa đã phân tích ý nghĩa báo đáp của Tứ Trọng Ân này trong đó nhấn mạnh ân cha mẹ. Chính nhờ cái đạo đức đầu tiên là lòng hiếu kính đối với cha mẹ mà mở ra cho ta biết bao nhiêu cái đạo đức khác trong cuộc sống này. Tuy nhiên, đối với cha mẹ là người ta yêu kính, nhưng có khi ta cũng phải điều chỉnh và ngăn chặn những việc làm không đúng, chứ không phải hiếu chỉ là nuông chiều. Đó mới là lòng hiếu.

Và cái biểu hiện lớn nhất của lòng hiếu là ta mang cái tính yêu thương cha mẹ đã cho ta để yêu thương lại cuộc đời này, trong đó có những người mà ta phải gặp gỡ, phải làm việc, phải hợp tác, nhưng mà đừng quên bố mẹ thôi. Đặc biệt là ta phải sống một đời làm vô số điều phúc thì cha mẹ được hưởng phúc đó, vì cha mẹ đã sinh ra ta. Đây là nhân quả tương tác. 

Sau cùng, qua hơn 1 giờ tọa đàm, các bạn trẻ  đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tâm linh, những gút mắc trong cuộc sống và Thượng tọa đã chia sẻ nhiều quan điểm sống rất thú vị. Buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình. Tuy nhiên, phải chi có nhiều thời gian hơn nữa thì những người tham dự buổi tọa đàm chắc sẽ còn biết nhiều điều hấp dẫn hơn trong ngành để có định hướng đúng đắn khi ý thức rằng Để có cuộc đời mình giá trị thì phải tạo ra những giá trị đối với cái xã hội mà mình đang sống”, lúc đó mọi suy nghĩ, hành động của ta, thay vì “Làm cho mình” thì đều dần trở thành “Làm cả cho mọi người” . Và một khi ý thức được giá trị của mình với cuộc đời thì cũng là lúc ta có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Trước khi kết thúc, bà Trương Thanh Thanh thay mặt BTC chân thành cảm ơn TT Thích Chân Quang đã dành thời gian quý báu, chia sẻ một số triết lý sống và kinh nghiệm thành đạt trong công việc cho Cán bộ – nhân viên của công ty. Mong sao những chia sẻ của Thượng tọa sẽ kết nối mọi người trong công việc, giúp cho FPT có được những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời này. Sau cùng một bó hoa tươi thắm được dâng lên Thượng tọa thay cho lời chúc sức khỏe và lời cám ơn chân thành nhất.

Màn đêm đã buông xuống, mọi người chia tay nhau khi cơn mưa còn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông mấy ngày nay. Tuy nhiên mọi người vẫn còn lưu luyến chào hỏi Thượng tọa, hy vọng sẽ còn tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với nhau như thế./.  

Dưới đây là một số hình ảnh về buổi tọa đàm của TT Thích Chân Quang với Cán bộ &CNV tại công ty FPT – TP HCM: