1. Dân tộc ta có đến 4.000 năm văn hiến. Ấy vậy mà cứ nhìn qua các giao lộ thì thấy rằng phần lớn những người tham gia giao thông… tuồng như không biết nhân loại đã tạo ra cái đèn vàng để làm gì, thậm chí, cái đèn vàng là vô ích. Thật ra mà nói, cứ xanh chạy đỏ dừng thì rôbô còn làm tốt hơn chúng ta, bởi trong chúng ta – con người, cũng lắm kẻ “mù màu”, bất chấp đèn xanh lẫn đèn đỏ vì đắm trong tham dục cố giành cái hơn cái được với tha nhân.
Rõ ràng cái đèn vàng là khoảnh khắc đặc biệt – không cấm mà cũng không cho phép – để mỗi người tự thể hiện cái phẩm chất đạo đức và rộng hơn là cấp bậc, trình độ văn hóa của mình. Cách ứng xử đứng đắn với khoảnh khắc này không chỉ đơn thuần chứng tỏ rằng anh biết tuân thủ luật lệ giao thông mà còn biểu thị rằng anh là người biết nhường nhịn, biết tôn trọng tha nhân, biết ta biết người. Nói tắt một lời, cái đèn vàng phải là “đặc sản” của con người, tức chỉ có nó mới cần cái tín hiệu nằm giữa tín hiệu xanh và đỏ ấy để… làm người, để thể hiện nhân cách thù thắng của chủng loài; và xét trên diện rộng càng nhiều cá thể hành xử đúng đắn tức thị ấy là trình độ văn hóa của cộng đồng đó.
2. Bản chất của văn hóa pháp luật là lấy hệ chuẩn mực đúng – sai làm thước đo giá trị, tức có tính khoa học-khách quan và trong thực tế nó có tính cưỡng chế để buộc mọi người phải tuân thủ. Văn hóa luật pháp có quan hệ nhưng không trùng khít với hệ chuẩn đạo đức vì bản chất của văn hóa đạo đức lại lấy hệ chuẩn thiện-ác làm thước đo giá trị và nó được thể hiện chủ yếu bằng tự giác. Trong thực tế, mỗi người, tức mỗi nhân cách cá thể, không phát triển theo hai hướng biệt lập của hệ chuẩn đạo đức hay hệ chuẩn pháp luật.
Trái lại hai hệ chuẩn này tác động qua lại tạo thành một hợp lực để định hướng cho sự phát triển nhân cách, làm cơ sở chỉ đạo cho mọi ứng xử. Nói cách khác, đạo đức phải đựa trên cái đúng của luật pháp và luật pháp phải dựa trên nền tảng cái thiện của đạo đức. Ở đây, việc phớt lờ tín hiệu đèn vàng (kẻ gặp đèn đỏ: “tranh thủ đèn vàng” để vượt qua, người ở phía sắp có tín hiệu đèn xanh: vội vã phóng đi khi đèn vàng vừa sáng) biểu hiện sự bất cập về đạo đức và cách sống phi chuẩn mực văn hóa, tranh hơn tranh được bằng mọi giá, tức bất chấp sự tổn hại cho người khác, cho cộng đồng.
3. Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nghiêm trọng về tai nạn giao thông như đường sá còn hẹp, xấu, chưa tương xứng với sự phát triển của phương tiện và nhu cầu giao thông; luật lệ giao thông chưa hoàn hảo; mức phạt việc vi phạm giao thông chưa nặng đủ để răn đe; việc thi hành luật chưa nghiêm, còn phổ biến tệ xin-tha; còn duy trì lượng xe quá hạn sử dụng; thiếu trạm đỗ xe dọc đường; thiếu lực lượng cảnh sát giao thông và phương tiện tuần tra…
Ngoài những nguyên nhân khách quan đó, còn nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông là điều đáng chú ý, đặc biệt là thái độ hư vô về pháp luật và đạo đức. Những biểu hiện sai trái trong việc tuân thủ luật lệ giao thông, hay bao quát hơn là những hành vi lệch chuẩn nói chung, là có nguồn gốc văn hóa, nói rộng là nguồn gốc văn-xã của chúng.
Nói cách khác, có thể coi đây là khuynh hướng bắt nguồn từ điều kiện văn xã sẵn có, bởi ứng xử là một hành vi cá nhân đồng thời là một hành vi xã hội và mặt khác, hành vi ứng xử của mỗi người đều bao gồm những hằng số của những bối cảnh văn hóa – xã hội khác nhau, mà ở đây, bối cảnh văn xã đương đại, một cách tổng quát, là tổng hợp thể của truyền thống và hiện đại.
Trong xã hội truyền thống, quan hệ cá nhân và cộng đồng là quan hệ lệ thuộc: lợi ích cộng đồng quan trọng hơn lợi ích cá nhân, ý thức cộng đồng chủ đạo định hướng cho ý thức cá nhân. Do đó, tính chất chung là thụ động và chuẩn mực chính là sự phục tùng. Từ đó, cái tự do cá nhân luôn bị dồn nén và luôn tiềm ẩn khả năng tâm lý tìm cách vượt thoát khỏi sự ràng buộc đó: hoặc bằng sự khôn khéo, giả vờ hay ngược lại là sự ăn vạ liều lĩnh kiểu “chủ nghĩa Chí Phèo”.
Trong lịch sử, thực tế các truyền thống văn hóa đều đóng khung vào một không gian nhất định, cụ thể là thôn làng, và thường dị ứng với những gì có nguồn gốc bên ngoài. Chính vì vậy, tuồng như chưa xác lập và cũng chưa hình thành thói quen thừa nhận các giá trị, chuẩn mực phổ quát. Trong kho tàng tục ngữ, chúng ta dễ dàng tìm ra những cặp đối lập về giá trị/ chuẩn mực ứng xử:
– Có thực mới vực được đạo và Đói cho sạch, rách cho thơm.
– Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng và Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ.
– Bầu ơi thương lấy bí cùng… và Đèn nhà ai nấy tỏ, ngõ nhà ai nấy rào.
– Lá lành đùm lá rách và Thấy lúa mới cho vay gạo.
Như vậy, chúng ta thấy tuồng như có phổ biến quan điểm tương đối về đạo đức và cách ứng xử kiểu “đạo đức hoàn cảnh”. Các giá trị/ chuẩn mực “xuất thế gian” và thực dụng chưa phân định rõ cái nào là thù thắng. Các giá trị đích thực chỉ thấy biểu hiện trong những biến cố lớn: chống thiên tai, địch họa và mờ nhạt trong cuộc sống đời thường. Ở tầm mức rộng lớn hơn thì “Phép vua thua lệ làng” – chuẩn tắc tiền bối của hệ thống “giấy phép con” và các kiểu “làm luật” của các “sứ quân” thời hiện đại.
Địa vị cá nhân không giống nhau mà tùy thuộc vào tuổi tác, dòng họ và quyền lực. Cá nhân chiếm địa vị cao nắm lấy quyền lực chi phối cộng đồng và ý kiến của họ là ý chí của cộng đồng. Nói chung, quyền lực được quy vào cá nhân chứ không phải là thể chế. Cái thế lực đó được gia cố bởi quan niệm về kỷ cương của Nho giáo và sau này, là các quan niệm Chủ toàn luận (holism) lại càng đẩy cá nhân ra ngoài biên độ của giới hạn cuối cùng cả về lý thuyết lẫn thực tế khiến sức ì trong họ càng lớn hơn, tính năng động gần như bị thủ tiêu và đồng thời sự dồn nén trở nên bức bách hơn. Đó là tiền đề của đêm trước đổi mới.
4. Xác định đường lối Đổi mới là chuyển từ nền kinh tế hai thị trường ra nền kinh tế một thị trường là sự chuyển biến khác về chất so với cố kết quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa tập trung trước đây. Điều này đã làm thay đổi nhiều định hướng giá trị vốn có mà trước tiên, chủ nghĩa bình quân đã được quy luật thị trường xem xét lại một cách nghiêm túc hơn và mặt khác do nhu cầu phát triển mạnh mẽ sản xuất đã làm cho chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra như là nguyên nhân chính của nhiều cách sống, ứng xử phản văn hóa, bất bình thường trong xã hội.
Ngược lại, cơ chế thị trường vốn bị chủ nghĩa bình quân phê phán và xuyên tạc giờ đây lại trở thành ngọn cờ bộc phát trong đời sống. Quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu đồng thời tác động hai chiều lên con người: một mặt, nó giải phóng khả năng sáng tạo; và mặt khác, nó làm gia tăng chủ nghĩa cá nhân cực đoan khiến tạo nên những nguy hại cho nhiều chuẩn mực cộng đồng. Đặc trưng của hiện đại là càng lúc càng có nhiều điều kiện thuận lợi hậu thuẫn cho quyền tự quyết của cá nhân trong việc chọn lựa và thị hiếu.
Trong khi đó, như mọi người đều biết, xã hội/ cộng đồng cũng giống như gia đình, chỉ có thể tồn tại yên bình khi mọi thành viên của nó biết hạn chế sự tự do cá nhân của mình. Điều đó, một mặt đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật hoàn bị và bộ máy thi hành pháp luật nghiêm minh, công chính và mặt khác là cần thiết phải xác lập một hệ chuẩn giá trị mới phù hợp với quyền lợi lâu dài của dân tộc và nỗ lực xúc tiến các biện pháp hữu hiệu để làm cho hệ chuẩn mới đó trở thành giá trị định hướng cho phát triển.
Tình trạng chung hiện nay là chúng ta đã và đang sống trong thời quá độ, nhập nhằng giữa hai cực mới-cũ. Điều đó có nghĩa là phải đổi mới cái A, cái B bằng cách đi từ giải pháp tình thế này đến giải pháp tình thế nọ; song các giá trị cũ, chuẩn tắc “truyền thống”vẫn còn sống động trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thực tế, trong cơ cấu thể chất của nền kinh tế, trong các định chế, các quy định pháp luật, trong các quan hệ qua lại giữa con người, trong suy nghĩ của quan lẫn dân và cả trong tập quán hàng ngày.
Tình cảnh nước đôi (ambivalence) như vậy kéo dài sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức và thái độ hư vô “Chí Phèo chủ nghĩa” sinh sôi nảy nở. Cái trước coi tín hiệu đèn vàng là kẽ hở của pháp luật để “tranh thủ”, để “chụp giựt”; và cái sau, bất chấp đèn đỏ, tức cái đèn xanh cũng không tồn tại trong nhận thức của loại hạng này.