Tại buổi pháp thoại, Đại đức đã giảng giải đến các bạn khóa sinh về sự biết ơn. Trong đó có 2 đối tượng mỗi chúng ta phải luôn mang ơn, luôn hướng tâm tới, 1 là Cha mẹ; 2 là thầy bạn, là những người đồng tu với chúng ta.
“Tiên học lễ, Hậu học văn”: là học ăn, học nói, học gói, học mở. Trong nhà chùa chúng ta được học oai nghi tế hạnh, học cách đi đứng, học cách chào hỏi, học cách ăn cơm trong chính niệm.
Sự đoàn kết là nguồn gốc cho sức mạnh to lớn của con người, người xưa có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Điều đó chứng tỏ muốn đạt được thành công lớn, vững bền thì không thể thiếu sự cộng tác, giúp sức hỗ trợ lẫn nhau. Ta không thể nào sống mà tách biệt ra khỏi cộng đồng, cũng không thể nào tồn tại độc lập. Bất cứ ai cũng cần sự giúp đỡ của người khác, biết sống vì nhau, nương tựa vào nhau ta mới trở nên hoàn hảo.
Đoàn kết là một phẩm chất quan trọng cần có, đó cũng là một thước đo giá trị, phẩm chất đạo đức của con người. Nếu chúng ta là một cây cô đơn thì suốt đời phải chịu gió bão. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải có sự gắn bó, cộng tác cùng nhau để tạo ra sức mạnh giống như câu chuyện “Bó Đũa”. Câu chuyện “Bó Đũa” đã mang đến bài học sâu sắc về sức mạnh của tinh thần đoàn kết đối với cuộc sống của con người. Nếu không biết đoàn kết mà cứ tị nạnh, ganh ghét lẫn nhau thì sẽ mãi cô đọc như một chiếc đũa dễ dàng bị bẻ gãy vậy. Phải biết đoàn kết khi sống chung với nhau thì mới có một cuộc sống tốt đẹp ý nghĩa được.
Qua đó, Đại đức mong muốn trong những ngày tu học tại nơi đây, các bạn trẻ phải yêu thương lẫn nhau, bỏ đi cái tôi, bỏ đi bản ngã, sự vô tâm, ích kỉ để cùng nhau học tập, tinh tiến theo tinh thần lục hòa cộng trụ của nhà Phật.
Ban truyền hình trực tuyến PSO