Trang chủ Diễn đàn Thêm câu hỏi với BTC HTKH “50 năm phong trào Phật giáo...

Thêm câu hỏi với BTC HTKH “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” – Bài 2

77

DẪN VÀO VẤN ĐỀ

Trong bài viết dẫn trên, tác giả Thích Ngộ Dũng viết: “Đến dự hội thảo, các chuyên gia và người tham dự đều nhận được toàn bộ tài liệu hội thảo dưới hình thức một quyển sách hoàn chỉnh: “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam 1963”. Đây là nỗ lực đặc biệt của Ban Tổ chức, một điều được xem là hiếm khi làm được trong các hội thảo trong nước và nước ngoài”. Tác giả TND dùng từ “tài liệu hội thảo”, không dùng từ “kỷ yếu hội thảo”.

Quyển sách nói trên đóng bìa cứng, giấy trắng rất đẹp, số lượng in 1000 bản, nhà xuất bản Phương Đông, ấn tống, không có giá bán (sách tôi có được do một vị tu sĩ không phải trong Ban Tổ chức Hội thảo tặng).

Cầm quyển sách, rồi đọc những lời của tác giả TND, tôi cảm thấy phân vân, khó hiểu vì cách làm này và lời tự nhận “nỗ lực đặc biệt của Ban Tổ chức, một điều được xem là hiếm khi làm được trong các hội thảo trong nước và nước ngoài”.

Quả là điều hiếm! Nhưng hiếm không phải vì các hội thảo trong và ngoài nước không làm được, mà là vì đây là một quy trình ngược (dù đôi khi cũng thấy có quy trình này, như các kỷ yếu hội nghị khoa học y dược học được các công ty Dược phẩm tài trợ, tràn ngập các quảng cáo thuốc).

Là người tham gia một số Hội thảo khoa học, vài lần được nhận nhiệm vụ phục vụ tổ chức, tôi được huấn luyện theo thông lệ khi tổ chức hội thảo khoa học, kỷ yếu khoa học không in thành sách trước khi tổ chức hội thảo, còn tài liệu hội thảo thì in trước hội thảo với số lượng hạn chế (thời tôi học in roneo, hiện nay photocopy).

Làm như vậy, không phải các hội thảo khoa học trong và ngoài nước không có khả năng in sách, chỉ làm được việc photo kẹp bìa (!). Mà đó là do những yêu cầu và đặc điểm sau:

– Tài liệu hội thảo (chủ yếu là văn bản tập họp các báo cáo khoa học) là văn bản dùng để làm việc trong hội thảo. Trong nhiều trường hợp, nó được gửi tới đại biểu tham dự hội thảo trước một thời gian để đại biểu đọc trước. Thời gian diễn ra hội thảo sẽ tập trung cho thảo luận (vì người tham dự đã đọc trước). Tài liệu hội thảo được trình bày (đóng kẹp) sao cho có thể bổ sung dễ dàng, gồm cả việc người dự hội thảo bổ sung nội dung phát biểu tại hội trường bằng văn bản, bản ghi từ tốc ký nội dung cuộc hội thảo. Phải làm như vậy cũng vì còn bổ sung bản tổng kết hội thảo, được viết vào thời gian cuối của hội thảo. Lưu ý, tổng kết hội thảo là tổng kết sự kiện diễn ra tại hội trường, không phải chỉ tổng kết nội dung văn bản báo cáo khoa học nộp trước (Do không theo quy trình này, sách “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” đã không có phần tổng kết hội thảo là điều không bình thường nếu xem đây là một kỷ yếu khoa học).

– Kỷ yếu hội thảo khoa học được hoàn chỉnh bản thảo sau khi hội thảo kết thúc, gồm có việc bổ sung nội dung như trên đã nói, vì thường có bổ sung hình ảnh về hội thảo, vì kỷ yếu còn có giá trị một vật kỷ niệm hội thảo. Kỷ yếu được xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi, là một cách thức để truyền thông về hội thảo. Trường hợp biếu tặng (thí dụ với sự tài trợ của các công ty dược phẩm, kỹ thuật y tế như đã nói ở trên) thì được nhà tài trợ in ấn dùng như một tài liệu kèm quảng cáo.

– Trường hợp hội thảo chỉ để giải quyết những vấn đề thời sự khoa học chuyên môn hẹp và sâu, thì thường chỉ có tài liệu hội thảo dưới dạng hồ sơ, không in kỷ yếu để phát hành như một quyển sách, vì không có nhu cầu truyền thông rộng rãi.

Tài liệu hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo miền Nam” là rất đặc biệt, vì không trình bày theo thông lệ thường thấy của một tài liệu hội thảo khoa học. Đó cũng không phải là một kỷ yếu khoa học. Ở trang tựa, không có thông tin gì về hội thảo khoa học. Trang tiếp chỉ ghi chung chung tên 2 trường đại học phía trên, dưới là chỉ đạo, chủ biên, không xác định công việc. Điều này thể hiện đây là một quyển sách “lai” giữa sách tuyển tập, tài liệu hội thảo khoa học và kỷ yếu hội thảo khoa học.

Nếu là kỷ yếu hội thảo khoa học thì lẽ ra không có chủ biên. Chủ biên chỉ được xác định trong trường hợp một quyển sách nhiều tác giả. Chủ biên là người chủ trì việc biên soạn sách, lập đề cương phân công viết, nghiệm thu các phần nội dung, tổ chức bản thảo, ráp nối các phần. Còn sách “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam 1963 gọi là “tài liệu hội thảo” nhưng lại có… chủ biên, mà một vị là TT TS Thích Nhật Từ.

Còn kỷ yếu khoa học thì chỉ có người biên tập. Bản thảo kỷ yếu hội nghị là tập họp các báo cáo khoa học, không có đề cương, chỉ đạo, phân công từ chủ biên.

Cũng kỳ lạ quyển sách chúng ta đang nói vừa có chủ biên, chủ biên lại làm luôn việc viết lời giới thiệu, phần thường dành cho người không phải tác giả sách nhưng có vị trí xã hội viết, thành ra gọi là lời… “tự giới thiệu” mới đúng! Đọc dòng đầu đã thấy lỗi chính tả: “Phật giáo Việt Nam với tư tưởng hội nhập “Hộ quốc An dân”…” viết hoa mẫu tự “A”, trong từ “An dân”, dù đó không phải là danh từ riêng.

Quyển sách in 1000 bản, ấn tống, dự hội thảo đã hơn 400 người, còn lại tặng biếu chỉ hơn 500 bản. Sách ấn tống, không bán, nên cơ hội quảng bá, truyền thông hội thảo qua con đường xuất bản không có. Đặt vấn đề yếu kém truyền thông là ở chỗ này.

CÂU HỎI CỤ THỂ

Từ những nội dung nêu trên, xin nêu câu hỏi với Ban Tổ chức Hội thảo (phía Phật giáo). Theo yêu cầu của tác giả TND trong bài đã dẫn, xin nêu cụ thể quý danh người được hỏi:

– Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng (đồng Trưởng ban Chỉ đạo).

– Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ (đồng Trưởng ban Tổ chức).

Các câu hỏi là:

– Xin giải thích rõ hơn về quy trình, quan điểm và những khác biệt đối với việc in sách “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”?.

– Tại sao không phát hành (in để bán rộng rãi) sách trên, như một phương thức truyền thông cho Hội thảo khoa học?

Xin đừng lầm truyền thông là đưa tin về việc có in quyển sách, mà truyền thông ở đây là hoạt động xuất bản, phát hành rộng rãi tại các nhà sách.

Được đọc trên trang “Đạo Phật ngày nay”, bình luận dưới thư mời viết bài hội thảo khoa học, đã có ý kiến của bạn đọc Nguyên Như: “Hội thảo Khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam” cần được in nhiều để phổ biến rộng rãi cho nhiều người đọc. Ban tổ chức cần nên phổ biến, không phải chỉ hạn hẹp trong một cuộc hội thảo”. Ấy vậy mà, còn lại hơn năm trăm quyển, bao nhiêu chùa mới có một quyển để đọc? Việc quyển sách được trưng bày phát hành ở các nhà sách như là một sự thể hiện kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963 không thể có. Điều này có đáng lấy làm tiếc không? Đây xin là một câu hỏi nữa

Cuối cùng xin chia sẻ việc hỏi mua sách, mà tác giả TND gọi là “khiếm nhã”.

Thực ra tác giả TND không hiểu ý tôi. Tôi muốn truyền thông cho quyển sách trên để nhiều người tìm đọc và nghĩ là sách được bán rộng rãi, nên hỏi chỗ mua để mọi người cùng được thông báo về nơi bán sách. Tác giả TND đã làm đúng ý tôi, cho biết trên trang tin địa chỉ phát hành sách (nhưng chỉ tặng, mời tôi đến nhận, không rõ những bạn đọc khác muốn có sách thì có thể đến nhận sách tặng không?). Ý tôi tế nhị như vậy không có gì là khiếm nhã.

Tác giả TND nghĩ sao, khi vì không hiểu ẩn ý mà vội nói người hỏi “khiếm nhã”. Trên mạng, bạn đọc vẫn thường nêu những câu hỏi nơi phát hành sách, như là thông tin kết nối chung cho giới yêu văn hóa đọc, sao gọi là “khiếm nhã”. Mà tôi rõ ràng hỏi mua, không phải hỏi xin. Sao lại nghĩ là “xin vài quyển”? Vội nói người ta xin như vậy mới là “khiếm nhã”, nhưng thôi, vì “không hiểu” thì không thể trách.

 Nhắc lại cụm từ “không hiểu”, vốn được dùng nhiều ở bài viết trước, tôi lại thấy kỳ kỳ ngường ngượng… “giùm”!

MT

Đón đọc bài 3: Chất vấn hòa thượng tiến sĩ Thích Trí Quảng và thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ.

Trong bài viết này, chúng tôi thử nghiệm dạng bố cục mới, với đặc điểm bài chất vấn, có 3 phần: phần dẫn vào vấn đề, phần nêu câu hỏi cụ thể, phần tên người được hỏi. Mong bạn đọc đóng góp ý kiến để hoàn thiện, ứng dụng cho các bài viết sau.

Bài 1 trong loạt bài này đã được gửi đến trang Đạo Phật ngày nayPhật tử Việt Nam đề nghị được đăng tải song song với bài của tác giả TND để rộng đường ý kiến công chúng, tạo sự khách quan trong khoa học, vì sự đóng góp chung xây dựng truyền thông Phật giáo Việt Nam. Trang Phật tử Việt Nam đã đăng tải cả 2 bài của 2 tác giả, nhưng trang Đạo Phật ngày nay thì không đăng bài của tôi.