Quang lâm chứng minh có chư Tôn đức trong Giáo hội: Thượng tọa Thích Chiếu Tạng – Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Phó ban Trị sự GHPGVN thành phố Hà Nội, Đại đức Thích Thanh Lâm – Phó ban kiêm chánh thư ký ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc; Đại đức Thích Thanh Phương – Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo cùng chư Tôn đức thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc.
Về phía tông môn có: Đại đức Thích Kiến Nguyệt – Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại đức Thích Tỉnh Thiền – Phó trụ trì thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Đại đức Thích Trúc Thông Phổ – Trụ trì thiền viện Tuệ Quang cùng chư Tôn đức Tăng ni các thiền viện cùng đông đảo Phật tử các đạo tràng.
Về phía chính quyền có ông Nguyễn Ngọc Phi – Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội; ông Phạm Quý Tỵ – Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Dương Thị Tuyến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng đại diện các sở, ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo và các nhà khoa học.
Đại tượng Phật “Quốc thái dân an Phật đài” được khởi công xây dựng từ năm 2008, với chiều cao 49m bằng đá hoa cương, bên trong là một bảo tháp 10 tầng tượng trưng cho 10 pháp giới, được trang trí nội thất bằng đá cẩm thạch, đây là một công trình văn hóa mỹ thuật có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Phần đầu tượng là phần quan trọng nhất đối với công trình Đại tượng Phật 49m. Thông thường các pho tượng Phật bằng đá có chiều cao từ 40m trở lên, nếu không tạo mẫu tỉ lệ 1/1 thì phần nhiều không có diện đẹp, kém mỹ thuật, không có hồn. Việc tạo mẫu đầu tượng cao 16m rất khó, nhưng để đảm bảo công trình có diện tượng Phật đẹp, mỹ thuật thì không thể bỏ qua giai đoạn này.
Việc tạo mẫu tượng Phật này được công ty cổ phần Vĩnh Sơn đảm trách, với một khuôn viên nằm trong khu quy hoạch đô thị rộng hơn 10000m2 đảm bảo tầm nhìn quan sát từ xa để chỉnh sửa. Công trình tạo mẫu được tiến hành ngoài trời nên công nhân, thợ điêu khắc, các nhà kiến trúc sư đã phải làm việc giữa thời tiết nắng mưa trong suốt hơn một năm. Với độ cao 16m (tương đương một tòa nhà 5 tầng) tượng được làm với phần móng và khung thép vững chắc, sau đó được đắp bằng hơn 700m3 đất sét và phun nước liên tục để không bị khô nẻ. Sau đó được chuyển sang nguyên liệu thạch cao để bảo quản được lâu dài.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đầu tượng Phật cao 16m làm bằng chất liệu thạch cao.” Đại đức Thích Kiến Nguyệt – Trưởng ban hưng công xây dựng đại tượng Phật đã khẳng định trong báo cáo quá trình xây dựng và những khó khăn khi xây dựng công trình tại buổi lễ.
Sau khi làm lễ lạc thành, mẫu đầu tượng Phật sẽ được trưng bày 5 ngày để nhân dân Phật tử chiêm bái và góp ý chỉnh sửa, sau đó sẽ được cắt phân chia thành từng thớt, từng phần kỹ thuật và được đánh số thứ tự để sao chép chuyển sang chất liệu đá hoa cương.
Được biết, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đang phối hợp cùng các ban ngành chức năng để xin cấp phép khai thác mỏ đá hoa cương và đá vân ở Suối Giàng – Văn Chấn – Yên Bái để sử dụng cho việc xây cất đại tượng Phật.
Đại tượng Phật được xây dựng với ý nghĩa để tượng niệm công đức của đấng từ phụ “Vị cha lành của muôn loài” đã giúp nhân dân Việt Nam biết sống đời đạo đức, trên tinh thần “giáo lý nhân quả”. Nhờ đó mà dân tộc ta được trường tồn cho đến nay. Tượng Phật cao 49m nhắc lại hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền định đến đêm thứ 49 thì thành tựu đạo quả “Vô Thượng Bồ Đề” thành bậc “Chánh Đẳng Chánh Giác”. Sau đó Ngài đi hoằng hóa suốt 49 năm.Tượng được chế tác bằng đá khối hoa cương, sẽ bền vững mãi mãi với thời gian. Bên trong là một bảo tháp mười tầng, tượng trưng cho mười pháp giới. Đó thật sự là một kỳ tích kỳ công về mỹ thuật, về kỹ thuật, đánh dấu trình độ văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật…, của thế hệ chúng ta hôm nay để lại cho các thế hệ mai sau. Tượng Phật sẽ là bài pháp không lời, cho bao người hướng về chốn tổ Tây Thiên. Mọi người về đây lễ Phật noi gương Ngài sống đời hướng thiện “Từ Bi Trí Tuệ Vô Ngà Vị Tha” để được quả phúc lành ngay hiện tại và gieo nhân lành cho đời sau. Nguyện cầu cho đất nước mãi mãi thanh bình, chúng sinh không còn oan trái khổ đau,… Với tâm nguyện an lành sẽ tạo thành một năng lượng an lành. Năng lượng này sẽ chuyển hóa nghiệp quả xấu ác, để từ đó mà cuộc đời được chuyển hóa từ bất hạnh khổ đau đến an lạc hạnh phúc.
“Quốc Thái – Dân An – Phật Đài” là công trình thiên niên kỷ có tầm cỡ quốc gia, ở thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập với thế giới.