Trước đây tôi đã may mắn đọc được những bài viết thú vị trên blog của Trần Mạnh Hùng những ngày anh ấy du học ở Mỹ. Nay mới biết con người này trẻ tuổi cao tài đến mức nào, nhất là qua ca khúc cho dàn hợp ca mở đầu chương trình: nguy nga kiểu cổ điển Tây Phương nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển theo ngôn ngữ và hồn nhạc của Việt Nam.
Phần (phút giây 5:20) ca và tụng của các tăng ni đội mũ hoa sen có lẽ là phần “đã” nhất cho những ai thích tìm hiểu mối hỗ tương giữa lễ nhạc Phật Giáo và nghệ thuật Việt Nam. Màn này làm nhớ đến một người quen Thái Lan đã nói “Phật giáo tiểu thừa Thái Lan không có những lễ nghi nhiều nhạc tính như bên đại thừa, vốn tụng kinh như hát và được phụ họa bởi nhiều nhạc cụ.”
Tươi mát nhất có lẽ là phần Anh Quân đệm guitar cho con gái Anna hát một ca khúc do bố sáng tác, sử dụng độc có 1 câu bằng tiếng Phạn.
Màn kèn, trống của các vị sư nữ nhắc ta nhớ đến sự chớm nở của Phật giáo Tây Tạng tại miền Bắc những năm gần đây. Có lẽ vì vậy nên Trần Tiến đã viết trong ca khúc Ra Ngõ Tụng Kinh:
Mặt trời xanh, hai đứa chúng mình
Một ổ rơm ấm, tu thiền mật tông
Mặt trời xanh, hai đứa chúng mình
Một ổ rơm ấm, tụng kinh thánh hiền
Một tiết mục rất nhiều sáng tạo (có thể bị cho là khó hiểu bởi những ai không hề xem/nghe nghệ thuật hiện đại) là nhạc cảnh Bến Giác (phút giây 44:15). Phần múa hiện đại diễn tra trên nền nhạc của Quốc Trung, tác giả trường ca Đường Xa Vạn Dặm. Chiều sâu không gian và độ dài lịch sử được tạo ra bằng cách bố trí ánh sáng thay vì những hình vẽ lòe loẹt thường thấy trên các sân khấu của người Việt. Một lần nữa, tiếng tụng kinh hòa lẫn với âm giai Chèo và Chầu Văn khiến cho ta giật mình cảm thấy nguồn gốc tâm linh và văn hóa Văn Lang vẫn còn sống một cách kín đáo trong huyết quản mình.
Phần phỏng vấn nhà sư đến từ chùa Hương cho nghe lời người xưa: “Chẳng thơm thì cũng hoa nhài. Dù không thanh lịch cũng người Tràng An.” khiến một sư bà tươi cười, khoe cả một hàm răng nhuộm đen.
Đức Tuấn đến từ Sài Gòn hát một ca khúc thật xưa của Thẩm Oánh. Ca từ bị cổ xưa nhưng bù lại phần múa và tác dụng ánh sáng quá đẹp!
Vượt trội hơn tất cả về giai điệu lẫn tư tưởng là ca khúc Chắp Tay Hoa của Phạm Duy, phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư do Mỹ Linh trình bày. Con người thích phá lệ của Phạm Duy đã mạnh dạn bước ra khỏi trường phái Phật giáo cổ truyền nơi đình chùa để hòa mình vào vũ trụ của “không nhơ không sạch, không thêm không bớt” của tinh thần Bát Nhã.
Bài hát sau cùng có vẻ nghiêng về lịch sử Thăng Long trong ý tưởng, và đươm vẻ âm nhạc Tây Phương nên đã thích hợp với kỹ thuật thanh nhạc của Đức Tuấn và Mỹ Linh.
Chắc chắn có người thích và kẻ ghét chương trình này, nhưng ít ra đây là lần đầu tiên âm nhạc Phật giáo được chính thức giới thiệu trên cùng 1 sân khấu từ 2 góc độ riêng biệt: sự gắn bó giữa lễ nhạc Phật giáo với truyền thống âm nhạc, sân khấu Việt Nam và khả năng được làm mới của nó trong hoàn cảnh bành trướng của âm nhạc Tây Phương. Cả 2 lĩnh vực trên, trong chương trình này, đã được làm tròn một cách xuất sắc bởi những thế hệ trẻ như Quốc Trung, Anh Quân, Việt Tú, Trần Mạnh Hùng: đầy sáng tạo và không bao giờ đi trở lại một cách lười biếng con đường của những người đi trước.