“Hơn hai thế kỷ sen thơm ngát
Trải mấy mươi đời Tố đạo… Thiêng
Pháp tứ nối dòng hương khói toả
Ngàn năm thanh sử xứ Trầm Hương!”
Tổ Đình Linh Sơn tại Thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tổ khai sơn là Hòa Thượng Ðại Bửu (1740-1765), Pháp hiệu Kim Cang Ðại lão Tổ sư. Ngài nguyên quán tỉnh Quảng Nam băng ngàn vào Hiền Lương hoằng pháp. Năm Cảnh Hưng thứ 22, (1761) lập Chùa đúc chuông, tạo thành ngôi già lam tịnh địa.
Lúc đầu chùa an danh là Sa Long Tự. Năm Tự Ðức, thứ 21 (1867) chùa bị cháy. Sau khi xây cất lại, đổi tên là Linh Sơn Tự. Từ ấy đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Kiểu trúc cổ pháp, hoàn toàn Việt Nam. Mái ngói tường gạch. Chánh điện ba gian, phía đông phía tây có tăng phòng, tịnh thất. Cách thờ phụng đơn giản nhưng trang nghiêm, giống như các Chùa cổ ở miền Trung
Vườn Chùa rộng rãi và có nhiều cây cổ thụ xanh um. Phía trước có tường vôi và cổng Tam quan cổ kính. Trước mặt Chùa có hồ sen sâu rộng mênh mông, có sông Hiền Lương quanh co. Và xa xa núi cao chập chờn. Phong cảnh đăng quang nhưng thanh tịnh hữu tình.
Trong vườn Chùa có ba cây cổ thụ: Một cây xoài và hai cây kén. Cây xoài ở trước chùa, cạnh ngỏ bước vô, đến nay không còn. Cây kén cổ nhất đứng phía sau chùa. Thân cây cao vút và tuồi chắc là 300 trở lên và một cây kén phía bên tay phải chùa. Chính Ngài Ðại Bửu ngồi tu nơi gốc cây kén cổ thụ sau chùa, trước khi chùa thành lập. Hiền Lương trước kia là một cánh rừng rậm, có nhiều dã thú. Lúc Ngài Ðại Bửu đến tu thì cây kén đã là một đại thọ. Khi phá rừng dựng chùa các đệ tử giữ hai cây kén lại làm kỹ niệm.
Truyền rằng khi Hòa thượng ngồi tu dưới gốc cây kén, có một con hổ đến sinh nở bên cạnh một cách tự nhiên. Hòa thượng ngồi tự tại.
Bác sĩ Yersin, khi đì tìm Ðà Lạt, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ, Bác sĩ đứng yên. Hồi lâu rắn bỏ chạy. Người ta ngỡ rằng Bác sĩ có thuật thôi miên.
Nhưng Bác sĩ cho biết: Thú dữ cắn người, trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không cố ý làm hại chúng, thì chúng có cần làm hại mình làm chi.
Trong trường hợp của Ngài Ðại Bửu cũng thế. Từ thiện căn lực của Ngài tỏa ra khi thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình. Các vị chân tu sống bình yên trên núi cao đếu nhờ sức mạnh của đức từ bi, chớ không phải nhờ phép thần thông chế ngự thú dữ. Nhưng người đời không rõ, tưởng Ngài Ðại Bửu có phép lạ, nên đến xin quy y mỗi ngày một đông.
Hồng chung trong chùa cũng là một vật duy trì đức tin của bổn đạo. Nguyên thời nhà Nguyễn Gia Miêu cùng nhà Tây Sơn tranh hùng, các chuông chùa đều bị tịch thu để đúc súng đạn. Ðể cho chuông khỏi “phạm giới sát sanh”, nhiều chùa ở Khánh Hòa đem giấu nơi vực sâu hố thẳm. Nhưng đến khi yên giặc giã, thì phần nhiều không tìm lại được, bởi lớp bị kẻ gian lấy trộm, lớp bị nước lụt trôi. Hồng chung chùa Linh Sơn tìm lại được cho do một sự tình cờ đượm vẽ huyền bí:
– Một bà lão đi mò ốc phát kiến tại cửa sông Hiền Lương, sợ quá tri hô lên. Cửa sông Hiền Lương vốn nằm giữa làng Hiền Lương và Tân Ðức. Biết hồng chung là vật xưa quý giá, làng Hiền Lương và làng Tân Ðức tranh nhau chiếm hữu, việc phải đưa đến cửa quan. Quan xử:
– Làng nào có chùa, chuông về làng ấy.
Hiền Lương có Chùa Linh Sơn, Tân Ðức không có chùa, nên Hiền Lương được kiện. Làng khiên chuông về đem đến cúng chùa Linh Sơn. Lại thêm nơi thành hồng chung có ghi rõ năm tháng chú tạo: “Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt” đúng vào năm Tổ Ðại Bửu khai sơn. Nên ai nấy đều mừng “Châu về hợp phố”.
Quả chuông tìm lại được đó là quả chuông thuộc hạng “Tiểu hồng chung”. Chùa còn một đại hồng chung không biết còn vùi lấp nơi đâu hay đã hóa kiếp. Những đêm trời trong gió lặng người quanh vùng thỉnh thoảng nghe tiếng chuông ngân nơi hồ sen trước chùa. Nhiều người tin chắc rằng quả đại hồng chung còn ẩn náu trong hồ, và sẽ trở về chùa một ngày nào đó.
Tổ đình Linh Sơn có tiếng linh thiêng. Việc hồng chung trở về chùa làm cho các tín đồ thêm vững lòng tin mộ đạo. Lại một sự kiện nữa xảy ra thời tiền chiến, khiến người kém đức tin cũng phải tin rằng chùa linh thiêng thật sự. Lúc bấy giờ Nhật đóng quân khắp lãnh thổ Việt Nam. Máy bay Mỹ ngày nào cũng đến oanh tạc. Khánh Hòa cũng không thoát khỏi nạn bom rơi.
Năm 1944, một quả bom hạng nặng rơi ngay trên nóc Chùa. Nhưng không nổ và cũng không lăn xuống đất. Ai cũng thấy làm lạ. Vì quả bom này nếu nổ thì Chùa bị tan tành, không nổ thì sức nặng cũng đủ chọc thủng nóc chùa hoặc lăn theo mái chùa để xuống đất bằng cho hợp lý. Sao lại nằm trên nóc, mà bốn bên không có vật gì cản ngăn? Người Nhật nghe tin bom nằm trên nóc chùa thì đến mang đi, không một lời giải thích. Các ông già bà cả bảo rằng: Các vị thần giữ chùa làm cho quả bom tắt ngòi. Rồi để cho người đời tin sự linh thiêng, các Ngài đem bom đặt trên nóc chùa và giữ không cho rơi xuống đất. Người đã tin thêm tin, người không tin không biết sao mà cải.
Hai trăm năm sau, Tổ đình Linh Sơn lại là nơi dừng chân trên bước đường du hóa của Bồ-tát Quảng Đức, trước khi Ngài vị Pháp thiêu thân để thức tỉnh lương tri nhân loại; giữa lúc miền Nam sôi sục khí thế phục hưng chánh giáo, nhờ sự hy sinh cao cả ấy mà lịch sử Đạo pháp có bước chuyển biến đi lên, thoát khỏi cảnh trăm năm bị áp bức. Trước đó, Ngài đã phó chúc cho pháp đệ là Hoà thượng Thích TÂM THANH pháp hiệu TỊCH TRÀNG, lo việc tái thiết ngôi đạo tràng và chấn hưng Phật giáo. Hiện nay, pháp tử là Hòa thượng Thích THIỆN DƯƠNG phát tâm đại trùng tu, xây dựng lại toàn cảnh chánh điện, hậu Tổ, nhà lưu niệm, vườn chùa, cổng tam quan, một công trình qui mô, phạm vũ huy hoảng, xứng tầm là tòng lâm ớ xứ Trầm Hương.
Tưởng niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân 1963-2013