Thư gởi các em: Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các em thân mến,
Mở đầu thư nầy, anh thay mặt các em để xin kính gởi lời cám ơn lên quý Thầy, Cô, các bậc thức giả, các anh chị trưởng Hướng Đạo và GĐPT Việt Nam thuộc nhiều thế hệ và lứa tuổi khác nhau đã tham gia đóng góp ý kiến rất nhiệt tình, cở mở trong tinh thần chia sẻ và xây dựng. Trong số các ý kiến gởi đến qua e-mail, có thư dài đến 5 trang chữ nhỏ. Điều nầy chứng tỏ tấm lòng ưu ái của thế hệ đàn anh cũng như đàn em về một hướng đi trong sáng, lành mạnh và cẩn trọng của tuổi trẻ Việt Nam cho hôm nay và mai sau.
Ý kiến gởi đến sớm nhất sau "Lá thư huynh trưởng" số 10 là của thầy Thích Pháp Trí. Vì nhận thấy ý kiến của Thầy nêu bật được những mối quan tâm cụ thể đối với sinh hoạt GĐPT tại quê nhà, nên xin được trích nguyên văn như sau:
"… Trước hết, Pháp Trí (PT) thấy anh Trần Kiêm Đoàn mặc dù có tâm huyết với GĐPT nhưng do ít có những thông tin, nên dù đã mấy lá thư rồi mà người đọc vẫn chưa thấy anh có những giải pháp cụ thể nào. Theo tôi, GĐPT chúng ta hiện nay khỏi cần phải bàn đến chính trị nữa, vì chính trị không quan trọng; vả lại, sinh hoạt của GĐPT ở trong nước hiện nay cũng chẳng có sự cấm đoán gì. Có chăng những khía cạnh phần nào giới hạn thì cũng chỉ là những hiện tượng đối với một số GĐPT không theo pháp chế của nhà nước. Điều đó cũng chẳng có gì lỗi ở Nhà nước, vì sống trong quốc gia nào thì phải theo pháp luật của quốc gia đó.
Điều mà tôi quan tâm là giải pháp nào là giải pháp thích hợp và khả thi cho những vấn đề sinh hoạt của GĐPT đang thực sự đối diện với những hiện trạng đáng suy nghĩ sau đây:
1. Kinh tế: Nhiều huynh trưởng và đoàn sinh hiện nay không phải thiếu cơm ăn áo mặc nhưng phải chạy theo xu thế "phú quý sinh lễ nghĩa" chung của xã hội nên họ phải cáng đáng chuyện lo làm kinh tế, không có nhiều thời gian cho việc sinh hoạt đời sống tôn giáo, tâm linh.
2. Chương trình tu học hiện nay đã quá lỗi thời, chưa có một sự tu chỉnh nào kịp thời để đáp ứng cho sinh hoạt của đoàn sinh; trong khi đó, biết bao nhiêu điều hay và hấp dẫn ở ngoài xã hội lôi kéo các em.
3. Trình độ về Phật pháp lẫn văn hóa của Huynh trưởng hiện nay phần lớn kém hơn đoàn sinh, do ở trong thời xa lộ thông tin mà các anh chị lại không chịu tiếp thu và học hỏi nên khi giảng dạy các em đoàn sinh đã không phục các anh chị.
4. Đạo đức của nhiều huynh trưởng bị xuống cấp; trong khi đó, truyền thống tu học Phật giáo rất chú trọng đến vấn đề thân giáo.
5. Đoàn sinh lại bị một áp lực học hành từ phía nhà trường và GĐPT. Nền giáo dục VN hiện nay bị "phê phán" là một nền giáo dục áp đặt học sinh học hành quá mức. Nhà trường bắt học sinh học rất nhiều môn, trong đó có cả học sinh hoạt Đoàn, Đội, chiếm nhiều thì giờ của các em. Vì vậy, nhiều phụ huynh lo lắng sợ con em mình "học hành quá tải", nên ngăn cản các em không cho đến sinh hoạt ở GĐPT.
Trên đây là một số điều căn bản và thiết yếu. Từ đó Pháp Trí nghĩ , anh Trần Kiêm Đoàn nên bằng vào những thực tiễn đó mà rút ra những giải pháp bổ ích hơn cho GĐPT. Chẳng hạn, anh có thể đưa ra những mô hình sinh hoạt của Hướng Đạo ngày xưa và ngày nay; một vài mô hình sinh hoạt của Thanh niên Phật tử Phật Giáo Thái Lan, Mã Lai… mà anh thấy hay và có thể áp dụng được cho GĐPTVN.
Từng giải pháp một, nhỏ thôi, từ những giải pháp nhỏ đó mà dần dần rút ra những giải pháp lớn. Pháp Trí nghĩ chúng ta nên đưa ra những giải pháp "cứu lấy tình thế" đã, chứ chưa nên cầu có những giải pháp hoàn hảo. Chẳng hạn, trong thời gian qua, PT đã cùng với một số anh chị Huynh trưởng tổ chức các đợt "Chơi để học" như "Đường về Tuyết Sơn", "Cuộc thi GĐPT tìm hiểu về phòng chống HIV/AIDS", bằng lối áp dụng công nghệ hiện đại như máy tính, màn hình chiếu… để tổ chức cho các em vừa chơi vừa học rất bổ ích. Những việc vui chơi như vậy, nếu mình có sự huấn luyện cho các anh chị trong việc sử dụng vi tính, màn hình chiếu, rồi tổ chức chơi cho từng đơn vị, sau đó tiến đến tổ chức chơi quy mô cho từng thành phố, từng tỉnh, rồi tiến đến tổ chức thi quốc gia, thì PT nghĩ sẽ càng ngày càng thu hút rất nhiều đoàn sinh.
Đại khái là như vậy, còn nhiều giải pháp "chữa tình thế" nữa. Nhưng đó mới chỉ là việc làm tự phát của một vài cá nhân thôi. Vấn đề của mình là làm sao để những giải pháp đó có thể thực hiện được ở bề diện rộng.
Và điều quan trọng cuối cùng mà như PT đã đưa ra đầu tiên vẫn là kinh tế. PT nghĩ chúng ta không bì ngày xưa được. Ngày xưa điều kiện xã hội rất ít, không bị nhiều thứ lôi cuốn như hiện nay nên thanh niên Phật tử rất dễ thích nghi với môi trường sinh hoạt vào thời đó. Bây giờ nhu cầu của xã hội đòi hỏi nhiều thứ, nên làm gì cũng cần phải có tiền. Nhiều đơn vị GĐPT muốn tổ chức những cuộc thi, vui chơi giải trí cho các em nhưng không có tiền. Mỗi lần đi trại, các em đóng 10 nghìn là khó rồi, nói gì đến tổ chức những việc lớn. Cho nên làm sao lập ra một ban Bảo trợ cho GĐPT, hoạt động một cách hữu hiệu và khoa học thì mới có thể giúp GĐPT sinh hoạt tốt được…"
Thư của Thầy Pháp Trí phản ánh phần nào quan điểm (1) phi chính trị, (2) hiện đại hóa và (3) trẻ trung hóa tổ chức GĐPTVN trước khúc quanh của một thời đại mới. Bất cứ một tiến trình "hóa" nào cũng cần phải bắt đầu bằng sự sử dụng một cách có hiệu quả các phương pháp tổ chức và quản lý đã được bảo chứng về sự thành công của nó qua thực tế.
Trong nghệ thuật và kỹ thuật tổ chức và quản lý hiện đại, giới kỹ thuật và doanh nhân Âu Mỹ thường áp dụng khuynh hướng quản lý vĩ mô (macro-management) để tổ chức và quản lý. Hướng quản lý vi mô (micro-management) để thực hiện và duy trì sinh hoạt. Cụ thể như trong sinh hoạt của GĐPTVN hiện nay chẳng hạn. Từ cơ cấu tổ chức gồm các ban hướng dẫn trung ương, địa phương, ban huynh trưởng của từng đơn vị gia đình, các đàn đội chúng trưởng trong gia đình, hội phụ huynh và các ban bảo trợ, quý Thầy, Cô cố vấn giáo hạnh; cho đến nội dung tu học, công tác từ thiện xã hội, hoạt động thanh niên, thể thao văn nghệ, đường lối sinh hoạt cơ bản… Tất cả đều thuộc về phạm vi cơ cấu tổ chức mà người Mỹ có thể tóm gọn trong chữ "What?". Nghĩa là "Cái gì" mà chúng ta cần phải xác định cho đúng và những gì cần phải làm; những gì cần phải thay thế hẳn; những gì cần phải hiện đại hóa và phương tiện hóa cho khỏi bị thụt lùi hay lão hóa trong tinh thần trì trệ của sự cố chấp và bảo thủ hẹp hòi. Hình thức quản lý vĩ mô sẽ thích hợp để nắm bắt và giải quyết cho đối thể "What?" nầy. Khi đã xác định được những gì cần làm một cách rõ ràng, có hệ thống mang tính khách quan và khoa học thì hướng giải quyết theo tinh thần quản lý vi mô mà người Mỹ đặt vấn đề, cũng trong một chữ, là "How?". Nghĩa là làm "Thế nào" để ứng dụng cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và có kết quả tốt. Phần trình bày và nhận định của Thầy Pháp Trí trên đây được nhìn sự kiện qua lăng kính quản lý vi mô. Nhờ vậy, Thầy đã cung cấp một cái nhìn nội kiến (insight) rất chân xác về mặt biểu hiện của GĐPTVN hiện nay. Tuy nhiên, những gì biểu hiện trên bề mặt nổi thường dễ thấy, nhưng đấy chưa phải là gốc rễ sâu xa; là xương sống cốt lõi làm nguyên nhân tạo tác nên vấn đề. Bởi thế, đã có nhiều tài liệu giáo khoa, bài phân tích và nhận định, cùng những lời khuyên thiết tha của hàng thức giả đưa ra như một giải pháp ngắn gọn, cụ thể, trực tiếp mang tính Phương Châm (Motto) và Khẩu Hiệu (Slogan) để thường xuyên nhắc nhở và định hướng cho hành động, mong sớm giải quyết vấn đề. Thế nhưng tất cả chỉ tạo ra một nguồn tác động tâm lý ban đầu, rồi nhanh chóng rơi vào im lặng và tình huống thì đâu cũng vẫn còn nguyên ở đó. Câu hỏi đặt ra là "tại sao?" Và câu trả lời thường gặp là "vì chưa nắm được hay né tránh không chịu nắm bắt nguyên nhân chính của vấn đề."
Bởi vậy, giải quyết vấn đề tuy khó, nhưng không khó bằng xác định và nắm bắt cho được những vấn đề ưu tiên cần phải giải quyết là gì. Trong tinh thần tham khảo và trưng cầu ý kiến hiện nay, các nhà nghiên cứu nghiêm cẩn thường bắt đầu bằng cách vận động và phối hợp sự "động não" (brainstorm) càng nhiều, càng rộng càng tốt từ phía những người quan tâm hay có tiếp cận với đề tài được đưa ra. Tương tự như thế, tinh thần cơ bản trong những "lá thư huynh trưởng" chỉ mới là một cách đặt vấn đề để trưng cầu ý kiến với dự kiến hình thành một phương pháp luận thích hợp cho việc giải quyết vấn đề. Thói quen "truyền thống" nhằm đưa ra những lời khuyên và phương châm hành động đã ghi sẵn trong sách giáo khoa không còn thích hợp trong môi trường khoa học kỹ thuật và truyền thông đại chúng ngày nay. Và đó cũng là tinh thần truyền thống Phật giáo xem tất cả đều là phương tiện để chủ thể "tùy duyên" sử dụng mà giải quyết vấn đề cho chính mình.
Đề cập đến một thực tế đã làm viên đá cản đường, ngăn chận hướng tiến cần thiết của tuổi trẻ, thư của anh Nguyễn Thái Hùng gởi từ Cần Thơ nêu lên hiện trạng của các đoàn thể tuổi trẻ Việt Nam rất đáng quan tâm suy nghĩ. Xin trích nguyên văn một đoạn trong thư của anh Thái Hùng như sau:
Thưa trưởng, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong thư số 9 rất được nhiều huynh trưởng, kể cả các trưởng Hướng Đạo cùng xem. Tất cả ai cũng phải công nhận là cần có sự thay đổi trong phương thức hoạt động cho phù hợp tình hình mới. Nhưng trở ngại lớn nhất là những thế lực già nua với tư duy cũ vẫn muốn nắm quyền và không chịu tiếp thu cái mới; cộng với sự không thức thời, không thực tế trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, nên từ đó luôn luôn xảy ra mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới.
Hiện tại, không chỉ ở GĐPT mà chính trong Hướng Đạo Việt Nam cũng chia năm xẻ bảy. Sự phân hóa này ngày càng trầm trọng và đã có người lợi dụng cơ hội nầy để gây chia rẽ trong phong trào; thậm chí có kẻ "ngư ông đắc lợi!" Có một điều em suy nghĩ về câu nói cổ xưa của ông bà đã để lại vẫn còn rất đúng cho bây giờ: "Đoàn kết thì sống, chi rẽ thì chết." Đó là chưa nói đến câu : " Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao." Những lời dặn dò nầy ai mà không thuộc nằm lòng từ khi còn đi học. Nhưng các Trưởng quên, hay giả vờ quên vì mù quáng do bị danh lợi trước mắt che khuất.
Giờ đây theo em nghĩ, các trưởng lớn tuổi rồi nên bàn giao lại công việc cho lớp trẻ. Lớp người trẻ với kiến thức mới, cộng với phương pháp mới, nếu trực tiếp điều khiển với sự trao truyền kinh nghiệm và giúp uốn nắn hoặc khuyến cáo những sai lệnh cho đàn em thì tốt hơn.
Thưa trưởng,
Em nghĩ rằng, chúng ta quan tâm đến các em là chúng ta muốn giúp đỡ các em phát huy tính khí cao đẹp của một người công dân tốt. Các em sẽ là lớp công dân trẻ đóng vai trò tích cực giúp cho đất nước ngày một phát triển. Nếu các trưởng dạy dỗ các em bằng ý hướng lôi kéo các em phải lệ thuôc vào cá nhân mình thì còn gì là đạo lý nữa. Và hơn hết nó đã biểu hiện cho hiện tượng chia rẽ, bè phái.
Thời đại hôm nay sau gần 2 thế hệ bị phân hóa trầm trọng, đạo lý cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khó giữ được nề nếp như xưa. Quan hệ xã hội, do đó, trở nên phức tạp. Em hy vọng là anh sẽ có nhiều bài phân tích sâu hơn để cho những người tham quyền cố vị hiểu được sự tác hại mà rời bỏ tham vọng của mình giúp cho tuổi trẻ lành mạnh vươn lên. Làm sao giúp cho các trưởng trẻ lên cầm đoàn mà vẫn tạo được sự sinh hoạt hài hòa, không để sự hụt hẫng xảy ra…"
Mối ưu tư chính của anh Nguyễn Thái Hùng là tình trạng "lão hóa" của cấp huynh trưởng hiện nay. Người Á Đông vẫn thường bị người phương Tây nhận xét là "không già kịp với tuổi." Đây là một loại "tâm lý bất tử" (immortal psychology) khá phổ biến trong cộng đồng người Việt đã dẫn đến những hậu quả "tự thân xuống cấp" thật đáng xót xa như trường hợp những nhà thể thao lớn tuổi không chịu rút lui cho đến khi bất lực bỏ cuộc trên thao trường; những nghệ sĩ sân khấu không chịu rời ánh đèn màu cho đến khi khán giả ngoảnh mặt quay lưng… Và trong nhiều đơn vị GĐPT, các "bác" huynh trưởng vừa đến Đoàn sinh hoạt, vừa dắt cháu nội, cháu ngoại theo đoàn oanh vũ. Đem ảnh hưởng "tâm sinh lý cao niên" vào môi trường sinh hoạt thanh thiếu niên là điều tối kỵ trong các đoàn thể thanh thiếu niên, tuổi trẻ tại Âu, Mỹ.
Các em thân mến,
Đến đây, anh phải xin lỗi thầy Pháp Trí, quý độc giả và các em vì anh vẫn còn kéo dài cuộc "Hành Trình nghe ngóng, thu lượm tin tức", chưa chịu hạ buồm, neo thuyền về bến để đưa ra một giải pháp hay một đề nghị nào cụ thể, rằng, GĐPTVN chúng ta phải "làm như thế nầy hay làm như thế nọ" để kiện toàn tổ chức. Như các em đều rõ, con đường tu học là con đường đầy gian khổ. Nếu dễ như lý tưởng mang tính tượng trưng "nhất niệm vãng sanh" – trong một niệm sanh về Cực Lạc. Cõi Di Đà bát ngát trời sen – thì có lẽ sáu nẻo luân hồi đã "đóng cửa" và anh em chúng ta khỏi cần dắt dìu nhau đến chùa tu học vì chúng sanh đã hết đau khổ và đạo Phật ca khúc khải hoàn rồi, phải không các em?
Thư sau, anh sẽ tiếp tục nêu dẫn và chia sẻ ý kiến với em Đỗ Kế Lợi từ Đà Nẵng, anh Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu từ ban hướng dẫn GĐPT trung ương. Và, qua hệ thống điện thư, anh mong sẽ nhận được nhiều ý kiến của các em. Mỗi dòng chữ của các em là một bông hoa trong Vườn Lam nên dáng hoa nào cũng đẹp và quý cả. Qua các em, nhờ các em kính thưa lại với quý Thầy, Cô và quý anh chị huynh trưởng trong đơn vị GĐPT của các em, rằng: Bên cạnh các em đoàn sinh thân thương, anh sẽ rất trân trọng đón nhận những ý kiến đóng góp xây dựng từ mọi phía, rộng khắp và không phân biệt.
Các em biết không? Anh đang viết thư cho em từ miền Bắc tiểu bang California, nước Mỹ. Mùa Thu – mùa tựu trường – đang chớm về. Đẹp lắm.
Thương chúc các em một đầu Thu thật êm đềm ở quê nhà và khắp nơi trên thế giới.
Thân mến chào các em.