Địa linh Nhân kiệt
Hà Tây là tỉnh trấn giữ cửa ngõ Tây Nam Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam và Hưng Yên, có diện tích tự nhiên là 2.200 km2, dân số gần 2,5 triệu người, gồm 12 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và 2 thị xã cổ mới được nâng cấp lên thành phố trẻ là Hà Đông và Sơn Tây.
Hà Tây vốn được sát nhập từ hai tỉnh Hà Đông – xứ Sơn Nam thượng và Sơn Tây – xứ Đoài. Và gần đây cũng vốn được tách ra từ tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Đông, Sơn Tây và Hòa Bình).
Đây là một miền đất cổ với địa hình đa dạng, có núi cao như Tản Viên, có sông lớn như Hồng hà, Đà giang, có trung du bán sơn địa và có đồng bằng. Trên dải đất thiêng này, đạo Phật đã ăn sâu bám rễ từ lâu đời, trở thành máu thịt, hòa quyện không thể tách rời với nhân dân, những người thuần hậu, chăm chỉ, nhiều nghề và mộ Phật.
Nói đến Hà Tây, không thể không nhắc đến các đại danh lam lừng danh như Chùa Hương, với lễ hội hàng năm kéo dài tới 3 tháng, thu hút tới trên dưới 1 triệu lượt khách hành hương; chùa Thầy – Sài Sơn, Chùa Tây Phương, Chùa Mía, Chùa Đậu, Chùa Trăm Gian, Chùa Viên Minh, chùa Hội Xá, v,v.
Địa linh nhân kiệt, người nương vào cảnh mà tu; cảnh nhờ người mà được điểm tô và phát tiết tinh hoa. Hà Tây là cảnh mà nhiều danh Tăng đã tu chứng. Xa xưa như thiền sư Bảo Giám, Tín Học, Đạo Hạnh, Trì Bát thế kỷ XII; gần đây như các cố Hòa thượng Nguyên Uẩn, Nguyên Loan, Thanh Quyết, Thanh Tích, Tố Liên, Thanh Chân, Thanh Viên, Viên Thành, Thanh Khoát, v,v.
Đến hiện tại đầy hương sắc
Điểm qua các con số trong báo cáo Đại hội VI: Toàn tỉnh Hà Tây hiện có 1.108 vị Tăng Ni với 25 vạn tín đồ có quy y, tu tập và sinh hoạt tại 1.181 ngôi chùa, trong đó có gần 250 ngôi chùa là Đại danh lam được xếp hạng là di tích Quốc gia. Tính trung bình, mỗi huyện, thành có tới 85 vị sư; mỗi xã, phường có 5 ngôi chùa; mỗi làng có hơn một chùa. So với tất cả các tỉnh thành trong nước, có lẽ Hà Tây chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 1-2 tỉnh thành nữa về một vài con số đó mà thôi.
Thực lực đó, lực lượng đó không phải một sớm một chiều mà có được. Nó đã được hàm dưỡng từ xa xưa bởi chư Tổ ở rất nhiều Tổ đình lớn như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Viên Minh, chùa Hội Xá, chùa Võ Lăng, Chùa Trăm Gian, Chùa Đậu, chùa Cự Đà, Chùa Tây Phương, Chùa Mỗ Lao, Chùa Lại Yên, chùa Cao Bộ, Chùa Trầm, Chùa Phú Cốc, Chùa Dộc, chùa Mỗ Lương, v,v và v,v.
Mạng mạch truyền thừa đó được âm ỉ, truyền trao mãnh liệt. Trong thời gian gần đây, sau năm 1975, không thể không kể đến vai trò của các danh Tăng như cố Hòa thượng Thanh Chân, Viên Thành ở chùa Hương; cố hòa thượng Thanh Viên ở chùa Võ Lăng; Hòa thượng Phổ Tuệ ở chùa Viên Minh; Hòa thượng Thanh Bích ở chùa Hội Xá; cố Hòa thượng Thanh Khoát ở chùa Phú Cốc và hàng chục Ni trưởng thâm hậu đạo hạnh, v,v.
Đến thế hệ của các Thầy ngày nay, đông đảo hơn nhiều, tầng tầng lớp lớp, noi gương sáng của chư Tổ và các bậc long tượng, giữ gìn đời sống tu hành phạm hạnh, phép tắc và quy củ Thiền gia; kế tục nhau duy trì mạng mạch như thượng tọa Thanh Chính, chư ĐĐ Tiến Đạt, Thanh Tuấn, Thanh Ân, Minh Hiền, Minh Nguyên, Thanh Quyết, Thanh Vịnh, v,v.
Và phân vân trong dạ
Cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi có may mắn được đi dự lễ khai Pháp ở các trường Hạ Viên Minh, Hội Xá và Thuần Nghệ của Hà Tây. Những nơi ấy, thật đông đúc, trật tự và vui vẻ. Phật tử chen vai thích cánh mà thấm đẫm đạo vị. Nhìn vào ánh mắt và nụ cười của mọi người, chúng tôi biết, đến đây, họ là chủ, họ tự quản, tự lo, họ thanh thản và thánh thiện thêm nhiều lắm.Trong những không gian Phật giáo thuần túy này, phải chăng mạng mạch của Phật giáo được lưu chuyển?
Đại hội VI của Phật giáo Hà Tây đã bế mạc. Chương trình dự kiến đã hoàn thành, phương hướng và nhiệm vụ hoạt động của 5 năm tới đã được thông qua; Ban Trị sự mới của Tỉnh hội đã được thiết lập hợp pháp. Tuy nhiên, cũng có đôi điều cần góp ý về công tác tổ chức.
Dịp này, về Trung tâm Văn hóa thông tin của tỉnh Hà Tây xem Đại hội đại biểu lần thứ VI, (và có lẽ là ở tất cả các tỉnh thành hội Phật giáo trong cả nước), chúng tôi thấy Đại hội Phật giáo có những nét giống với một đại hội thế tục hơn, chưa mang đậm bản sắc của một Đại hội của Phật giáo.
Thứ nhất, về cách trang trí phông nền. Tượng Đức Thế Tôn khiêm tốn (về kích cỡ) bên cạnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời Hồ Chủ tịch hơn một lần đã đến chùa lễ Phật và Cụ Nguyễn Sinh Sắc cuối đời đã quy y Tam Bảo. Nên chăng trang trí phông nền và lễ đài bằng cờ Tổ quốc, cờ Phật giáo ở hai bên và tượng Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni ở giữa. Có thể trang trí phông nền bằng tấm bạt nhựa in mầu bằng kỹ thuật hiện đại, trong đó in chìm các hoa văn mang tính Phật giáo, các danh lam cổ tự của Phật giáo Việt Nam
Tiếp theo, ngoài các nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca, niệm Phật cầu gia bị và tụng kệ hồi hướng, nên bổ sung các nghi lễ Phật giáo khác như thỉnh chuông trống bát nhã, dâng hương tượng Đức Phật Thích Ca…
Trở lại Hội diễn Văn nghệ của Phật giáo tỉnh Hà Tây chào mừng Đại hội VI, là người chứng kiến từ đầu, tôi thấy thật sự ngạc nhiên về sự vắng vẻ của nó. đến giờ khai mạc, trong hội trường, dung lượng khoảng 1.000 chỗ ngồi, chỉ có khoảng 300 người, chủ yếu là Ban giám khảo, ban tổ chức và diễn viên. Về sau có đông hơn nhưng không phải là một hội diễn có tính chất quần chúng. Đến lúc đọc báo cáo tổng kết, ĐĐ Thích Minh Hiền – trưởng ban tổ chức hội diễn có cho biết, nguyên nhân của sự vắng vẻ đó là do công tác quảng bá còn kém, v,v. Nếu chỉ vì lý do quảng bá kém thì chỉ cần đề nghị các Ban đại diện Phật giáo huyện, thị, các Tổ đình, các chùa có tham dự Hội diễn cử Phật tử đi cổ vũ thì chắc chắn dung lượng 1000 chỗ ngồi của Hội trường là quá nhỏ bé.
Một điều nữa là tính hình thức của Đại hội. Chương trình của đại hội có kịch bản chặt chẽ, tuy nhiên vai trò của đại biểu Tăng Ni, Phật tử rất thụ động, chỉ ngồi nghe. Việc trao đổi, đóng góp ý kiến vào chương trình hành động, vào nghị quyết đại hội tại Hội trường chưa được phát huy.
Một thực tế
Hiện nay, có một thực tế (khá phổ biến) là giá trị của người tu hành được đánh giá bằng địa vị trong Giáo hội, thậm chí trong bộ máy Nhà nước hay tổ chức xã hội mà vị đó nắm giữ? Và khi đó, ai mà biết những chuyện gì sẽ xảy ra?
Xin trở lại bài cảnh sách của Tổ Đại Đăng, thế kỷ XIV, thuộc dòng Lâm Tế ở Nhật Bản:
“Này Tăng chúng!
Các ông vân tập đến chùa núi này, nên nhớ là để cầu Pháp, chẳng phải cầu cơm ăn, áo mặc. Đành rằng có thân thì phải mặc, có miệng thì phải ăn.
Nhưng các ông cần luôn ghi nhớ, suốt ngày 12 giờ là phải chuyên tâm đạt đến cái Pháp không thể nghĩ bàn. Thời giờ qua đi như tên bắn, đừng bao giờ động tâm trừu mến việc thế gian. Phải luôn luôn, luôn luôn cảnh giác!
Sau khi tôi hóa rồi, có thể lắm, trong hàng Tăng chúng hôm nay, có vị sẽ có chùa cao viện lớn, phấn chấn khác thường, với những tháp cao, phòng rộng, kinh sách sơn son thiếp vàng và vô số bản đạo chen chúc vâng dạ; cũng có những vị khác suốt ngày tụng kinh, trì chú, trường kỳ tịnh tọa mãi không ngủ; cũng có vị ngày chỉ ăn một bữa, giữ đúng vai giới, ngày đêm sáu thời chuyên làm công quả, v,v.
Dẫu kiên trì đạt đến như vậy, nhưng nếu tâm niệm không trụ ở diệu Pháp của chư Phật, chư Tổ mầu nhiệm, không thể dạy truyền, thì vẫn không thấu rõ lý nhân duyên, và sẽ đưa đến họa sụp đổ toàn thể Chính Pháp. Đó toàn là quyến thuộc của nhà ma!
Dẫu tôi có lìa thế gian này bao lâu, họ vẫn không thể gọi là con cháu trong Đạo của tôi được!
Trái lại, dẫu chỉ một người thôi, cho dù sống hẻo lánh ở rừng núi, kết cỏ làm am, ăn rễ cây luộc trong nồi đất sứt mẻ, nếu người ấy nhất tâm quán tưởng đến chỗ cốt yếu của chính mình, thì đó là người duy nhất hàng ngày thân thiết, đối diện với tôi và biết đền đáp ân nặng. Ai dám coi thường người ấy?
Này Tăng Chúng! Hãy tinh tiến! Hãy tinh tiến!”