Khi tham gia các chương trình, sự kiện Phật giáo, nhiều bạn trẻ đã viết bài, chụp ảnh để chuyển tải nội dung. Việc gửi tin, bài và ảnh đến các trang web, báo Phật giáo là rất cần thiết.
Với cách viết của nhiều Phật tử hiện nay, chỉ đơn thuần là chuyển tại nội dung của một sự kiện, một chương trình, thì đây là cách viết an toàn, đầy đủ. Ưu điểm của cách viết này là trang nghiêm, thanh tịnh, phù hợp với các nghi lễ, sự kiện Phật giáo.
Tuy nhiên, bạn có thể viết sinh động và sáng tạo hơn. Giả sử bạn là một Phật tử tích cực viết bài cho ngôi chùa ở địa phương, bạn thử so sánh qua ví dụ này:
– Lễ Phật đản năm 2012, bạn viết bài về Lễ Phật đản của chùa A.
– Lễ Phật đản năm 2013, bạn viết bài về Lễ Phật đản của chùa A.
Rất có thể hai bài viết này hao hao giống nhau.
Hoặc ví dụ khác, bạn viết bài Lễ Phật đản ở chùa A và Lễ Phật đản ở chùa B. Rất có thể hai bài viết này hao hao giống nhau. Đấy là còn chưa kể đến hàng trăm bài viết của các Phật tử đến từ hàng trăm ngôi chùa khác, người đọc sẽ thấy thông tin na ná và nhàm chán.
Chúng ta viết bài là còn phục vụ cả những người đang tìm hiểu đạo Phật. Để bạn đọc có ấn tượng, có cảm xúc và lưu nhớ đối với một chương trình, sự kiện Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải chịu khó sáng tạo chi tiết trong bài viết của mình. Thay vì bạn cố gắng viết một bài báo, thì bạn cứ nhẹ nhàng mà kể lại một câu chuyện có cảm xúc, có nhân vật, có chi tiết để thu hút người đọc. Sau đó bạn tiếp tục chuyển tải đầy đủ nội dung của một sự kiện, chương trình Phật giáo.
Ví dụ, mở đầu câu chuyện, bạn có thể viết tự nhiên như chuyện đời, bạn kể về ai đó (nhân vật) đi dự Lễ Phật đản. Nhân vật có cảm nghĩ, cảm xúc như thế nào? Tại sao nhân vật đi dự Lễ Phật đản.v.v…
Cách mở đầu câu chuyện chính là điểm sáng tạo của người viết, càng khai thác chi tiết càng có cái để sáng tạo. Sau đó, câu chuyện mới dần dần chuyển tải nội dung Phật giáo, đến đây là bạn đang đến mục đích chính rồi đấy!
Hiện nay, báo chí hiện đại có xu hướng phát triển phương pháp viết “Câu chuyện báo chí” để phản ánh sâu sắc đời sống xã hội vốn rất phong phú và đa dạng. Có thể coi đây là hình thức thông tin mới mẻ được bắt đầu từ một câu chuyện có thật, tức là câu chuyện có bối cảnh, nhân vật, có nội dung chi tiết.
Với cách kể chuyện có chi tiết nhân vật, có cảm xúc nhân vật thì người viết có thể cuốn hút người đọc tiếp tục xem hết thông tin sự kiện, chương trình Phật giáo. Khi website Phật giáo cập nhập hàng loạt bài viết về một ngày lễ, một sự kiện Phật giáo thì cũng không tạo sự nhàm chán cho bạn đọc.
Hoặc cách viết khác, bạn có thể so sánh sự kiện, chương trình hoạt động của năm nay so với năm ngoái (của cùng một ngôi chùa tổ chức). Bạn có thể so sánh điểm giống nhau và khác nhau, thuận lợi và khó khăn, số lượng và quy mô. Xin nhấn mạnh là chúng ta chỉ nên so sánh sự kiện, chương trình của cùng một ngôi chùa tổ chức. Rất không nên so sánh sự kiện chùa này với chùa khác.
Trên đây là một số “mẹo” viết bài truyền thông Phật giáo.