Trang chủ PGVN Cửa thiền Khoảng an bình nơi cửa chùa Bình An (TP. Hồ Chí Minh)

Khoảng an bình nơi cửa chùa Bình An (TP. Hồ Chí Minh)

98

Thật đúng như tên của ngôi chùa, nơi đây bình an đến lạ. Cảnh cô tịch, hoang liêu không còn ở chùa Bình An, (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM). Chỉ có sự chan hoà của những người già không nơi nương tựa, tiếng ríu rít của những bé thơ bị cha mẹ ruồng bỏ… Và tất cả đều đang sống dưới khoảng trời bình yên tại chùa, một ngôi nhà chung, nơi những tấm lòng được san sẻ.


Những mảnh ghép bất hạnh


Tôi đến chùa vào buổi chiều xế, ngoài sân, khi bữa cơm chiều vừa xong, tất cả mọi người gồm ni sư, người già và cả những em bé mới lẫm chẫm biết đi đã chọn khoảng sân, nơi có nhiều tán lá bàng khoả rộng, để tìm sự thanh thản, tĩnh lặng khi một ngày lại sắp qua đi.


Thoạt nhìn khung cảnh này, cứ  ngỡ họ là những người có cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng không, tất cả trong số đó đều có những mảnh đời bất hạnh.


Tiếp tôi, ngay câu mở đầu, sư cô Huệ Bình, người đã gắn cuộc đời với ngôi chùa hơn 20 năm bảo: “Những người ở đây đều có hoàn cảnh cả”. Nỗi bất hạnh mỗi người mỗi khác, chẳng ai giống ai. Tuy nhiên, họ có điểm chung đó là đang cố quên đi quá khứ, để cùng được sống chung dưới ngôi chùa này.


Gặp bà Lâm Thị Việt nay đã ngoài 70 tuổi, hỏi quê quán bà chỉ nói tại Cà Mau, còn cụ thể ở nơi huyện, xã, ấp nào thì bà chịu. Hỏi về thân nhân, bà lắc đầu nguầy nguậy. Chùa cũng không biết được trước đây cuộc sống của bà ra sao, chỉ biết bà đi bán bánh bò ở các chợ ven thành phố, phật tử gặp bà, thương cảnh đưa về chùa nương náu. Bà ở đây đã được 3 năm.


Trong lúc trò chuyện với sư cô Huệ Bình, bà Nguyễn Thị Sinh, 86 tuổi, cứ đến gần hỏi những điều bâng quơ. Sư cô bảo, bà bị lẫn và đã vào chùa gần 8 năm nay. Không rõ lai lịch quê quán, chỉ biết quê tận miền Bắc bởi giọng nói của bà. Rồi bà Lê Thị Xinh, 80 tuổi, quê tận miền Trung, bà Lâm Thị Ên, bà Nguyễn Thị Hợi, tất cả đã vào tuổi “cổ lai hy” cũng vào chùa nương náu.


Đó là gương mặt một vài nguời trong số hơn 50 cụ già trên 70 tuổi hiện đang sống tại đây. Họ gửi những năm tháng cuối đời tại chốn cửa chùa. Gần như họ không một người thân thích đến thăm nom, chẳng bà con họ hàng đến chào hỏi. Họ sống lặng lẽ như cái bóng.


Trong chùa hiện còn có 24 em nhỏ. Có em đã thành thiếu nữ, đứa lẫm chẫm biết đi. Huỳnh Thị Hà Vy, ở trong chùa đã gần 8 năm, nay vừa tròn 20 tuổi, là một trong những em đó. Hôm tiếp chuyện cùng tôi, Vy mặc nguyên bộ đồ cửa Phật, nói chuyện về mình thật rụt rè như bản tính của em vậy.


Quê Vy ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Cha bỏ mẹ nên Vy và mấy đứa em bơ vơ. Người mẹ không việc làm, cả gia đình túng quẫn chỉ trông chờ vào bữa no, bữa đói bên ngoại. Cũng may, một phật tử tốt bụng đã đưa cả hai chị em vào chùa tá túc. Em ruột Vy, Huỳnh Thị Hà Nam, tuổi tròn 16 cũng đã cảm nhận được ngôi chùa Bình An là nơi che chở, cưu mang em suốt thời gian thơ ấu…


Nguyễn Thị Thảo, 15 tuổi, có cặp mắt đen láy nhưng mang đậm nét buồn. Em không biết quê quán, chưa được nhìn thấy cha mẹ mình. Chỉ biết hồi còn nhỏ, ở với người bà con xa nhưng vì gia cảnh quá khó khăn nên em được gửi vào chùa và người này đã đi làm ăn biệt xứ. Còn nữa, em Đỗ An Hiếu, vào chùa lúc 11 tháng tuổi, bây giờ đã gần 12 năm em sống trong tiếng chuông chùa.


Có những em bé khi chùa nhận về chỉ vài ngày tuổi. Ni sư Huệ Bình nói, đây là “kết quả” của những cuộc tình éo le ngang trái. Hôm tiếp chuyện cùng tôi, bé 11 tháng tuổi Đỗ An Khánh (tên do chùa đặt) cứ líu ríu bên sư cô. Bé bị cha mẹ bỏ rơi khi mới 2 ngày tuổi. Nhưng thật ngạc nhiên, trong thời gian được chăm sóc, nuôi dưỡng tại chùa, gương mặt Khánh ngày càng xinh xắn, kháu khỉnh đến lạ. Hiện trong chùa có khoảng hơn 10 em cùng trạc tuổi Khánh. Mỗi đứa một vẻ, mỗi số phận khác nhau. Nhưng tất cả đều toát lên sự hồn nhiên, ngây thơ, cứ “tíu ta tíu tít” như bầy chim non…

An bình nơi cửa chùa Bình An


Chuyện làm từ thiện tại chùa Bình An đã có cách đây gần hai mươi năm. Lúc đó, chùa nghèo lắm. Ni sư phải đi xin từng tấm lá về làm nhà cho 10 người già trên 70 tuổi tá túc. Họ là những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa đã được phật tử thương tình mang về chùa. Lúc đó, để có chi phí sinh hoạt hàng ngày, tất cả sư cô trong chùa phải thức từ 12h đêm đến 6h sáng làm bánh cam bỏ mối tại các chợ để có “đồng ra đồng vào”.


Cũng may, với 50 kg nếp mỗi ngày, bánh làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí có những hôm “cháy hàng”, những ngày sau phải tăng thêm lượng bánh. Thời gian sau, khi phật tử có lòng ủng hộ đã nhiều thêm, căn phòng nơi các cụ ở đã được thay dần bằng mái tôn xây gạch. Phần lương thực, thực phẩm sinh hoạt hàng ngày cũng nhờ lòng từ bi của phật tử mang tới trợ giúp.








1

Các em nhỏ bị bỏ rơi đang được nhà chùa cưu mang


Hiện tại, các cụ có mức sinh hoạt tương đối “tươm tất”. Sáng ăn cháo hoặc uống sữa. Trưa, chiều là bữa cơm thường nhật. Tối, các cụ còn được “kèm” thêm hộp sữa. Từ ngày vào chùa, các cụ thêm phần siêng năng tập thể dục, dưỡng sinh. Hôm tôi đến lấy tư liệu viết bài, bà Việt “khoe: “Nè, chú biết không, cách đây vài bữa có bác sĩ ở trên quận xuống khám miễn phí, lại còn kê toa, cho thuốc. Mà sao mấy cô y tá dễ thương quá, vừa mát tay, vừa vui tính nữa”. Nói xong bà cười hả hê, bờ vai rung lên vì thích thú.


Cái ăn là thế, còn cái mặc, một năm chùa may cho mỗi người 4 bộ đồ. Để “giải khuây” cho các cụ, thi thoảng chùa cũng tổ chức thuê xe đưa mọi người thăm viếng nhiều chùa miệt tỉnh như Bà Rịa, Vũng Tàu, Châu Đốc, Mỹ Tho…


Gần như, tâm niệm nơi cửa chùa “đã lo thì lo cho trót”, tức đã cưu mang ai thì lo đến tận lúc “nhắm mắt xuôi tay”. Vì lẽ đó, mỗi khi cụ nào mất, sau khi làm lễ nơi cửa phật, các cụ được đem đi hoả táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà, hài cốt mang về chùa thờ cúng. Tất cả chuyện hậu vận này, nhà chùa lo hết. Đến nay, đã có hàng chục “cụ” được quy tụ tại chùa, đêm đêm có người hương khói.


Đó là chuyện của những cụ “gần đất xa trời”, còn với các em thiếu nữ, những đứa bé mới lẫm chẫm bước đi, chùa lại có cách lo khác. Nói “lo khác”, thật ra cũng chẳng gì lạ lẫm. Em đến tuổi đi học phải… đi học, từ một đến năm tuổi vào mẫu giáo.


Thật ngạc nhiên, trong chùa hiện có 2 cô sinh viên mặc áo phật đang học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Mở bán công TP.HCM. Đó là Huỳnh Thị Hà Vy và Đỗ Thị Hồng Thy. Sư cô Huệ Bình cũng cung cấp thêm danh sách các em chuẩn bị vào năm học mới. Liệt kê, có 9 em đi nhà trẻ trường Sen Hồng, từ lớp 1 đến 11 tổng cộng 15 em.


Hôm gặp Vy, hỏi về con đường phía trước, xoe tròn đôi mắt, em bảo: “Dạ, chắc tốt nghiệp xong khoa Anh, cháu sẽ học tiếp Đại học Phật giáo”. Với em ruột Vy, Huỳnh Thị Hà Nam, hiện đang học lớp 9 trường Hồ Văn Long, là học sinh giỏi nhiều năm, em cũng có ước mơ như chị mình.


Em Đỗ An Hiếu, học lớp 5 trường Tiểu học Tân Tạo, bốn năm liền đạt học sinh xuất sắc. Hôm gặp tôi, nét mặt ngây thơ, em tâm sự: “Ở đây, tụi con sống hoà nhã, thương yêu đùm bọc lẫn nhau lắm, chị lớn dạy các em nhỏ, thân thương như trong một nhà”. Em còn bảo, sẽ cố gắng để vào được đại học, như các chị lớn trong chùa.


Dù có tấm lòng từ bi, nhà chùa không thể một mình lo hết cho mọi người, vẫn cần những sự giúp đỡ từ muôn nơi. Sư cô Huệ Bình cho biết, lãnh đạo quận Bình Tân cũng như phường Tân Tạo A luôn nhiệt tình ủng hộ chùa về nhiều mặt. Những ngày lễ lớn, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị thường đến thăm và tặng quà. Bệnh viện quận thường xuyên đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho ni sư và tất cả những người đang sống tại chùa. Đặc biệt, chính quyền phường đã giúp việc làm hộ khẩu để các em dễ dàng được nhập học…


Ngoài việc thiện tại đây, chùa còn đóng góp nhiều chương trình hỗ trợ cho các phong trào của phường như quỹ khuyến học, nhà tình thương. Và, cùng với nhiều đoàn thể quận, chùa cũng đã góp sức cứu trợ bà con bị thiên tai, bão lụt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước…

Bao năm nay, ngôi chùa Bình An đã trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời bất hạnh, những tấm lòng cần sự sẻ chia. Cửa chùa vẫn luôn rộng mở chở che những người già neo đơn, cô độc. Tiếng chuông chùa đang ươm những mầm xanh không may mắn, hướng cho các em tới những điều tốt đẹp của cuộc sống… Mỗi thân phận trắc trở sẽ được an bình nơi cửa phật. Đó cũng chính là thiện nguyện của ngôi chùa Bình An.