Cung kính đảnh lễ đức Thế tôn!
Thân chào quý Phật tử, quý đồng hương!
Hòa cùng niềm vui chung của nhân loại khắp năm châu, quý vị tụ hội về đây trong nghĩa tình đồng hương, đạo tình Phật tử, Thầy ở phương xa thật hoan hỷ khi nghĩ về không khí sum vầy này. Thân gởi đến quý vị lời nguyện chúc mạnh khỏe, thành công, bình an trong cuộc sống!
Thưa các anh chị em, cho phép Thầy được gọi như thế bằng chân tình của quê nhà mộc mạc, sâu lắng. Bình minh khua sương hiển lộ, mặt trời vươn chào ban mai, khung cảnh nhộn nhịp, hân hoan của đồng bào Phật tử quê nhà làm nao nức bao lữ khách phương xa. Hàng triệu con tim đang nô nức hướng về mùa Phật đản PL. 2557 bắt đầu từ những ngày qua và chính thức kéo dài trong 1 tuần lễ từ mùng 8 đến rằm tháng tư với nhiều hoạt động ý nghĩa. Tận nơi quê nhà nhưng trong tâm thức, Thầy đang cảm nhận cùng lễ Phật, cùng múc những gáo nước tắm lên thân tướng đức Phật đản sinh, cùng chắp tay nguyện cầu, cùng tưởng nhớ đến hạnh nguyện vị tha của Ngài với các anh chị em… Giữa nơi đất khách quê người, cuộc sống bôn ba, cạnh tranh khắc nghiệt mà anh chị em đã dành ít thời gian về đây dự lễ Phật đản, cùng ngồi quây quần bên nhau trò chuyện về quê hương, về gia đình, về công việc, về những lý tưởng trong đời sống, Thầy xúc động và hoan hỷ lắm. Hằng ngày, Thầy xem những tin tức thành đạt của người Việt nơi xứ Hàn nhưng niềm vui ấy quá ngắn ngủi khi đã “nhường chỗ” lại cho những thương tâm của cô dâu Việt, của lao động xuất khẩu, của những người con mang dòng máu Việt bị kỳ thị… Theo thống kê, có trên 85.000 người Việt (cùng khoảng hơn 20.000 lao động xuất khẩu có thời hạn) đang định cư làm ăn, lao động tại Hàn Quốc. Phần lớn cộng đồng người Việt sống tập trung tại thủ đô Seoul và các thành phố lớn khác như Busan, Daegu, Incheon, Gwangju, Daejeon, Ulsan… Cùng số lượng du học sinh đang học tập, tu nghiệp với khoảng 10.000 học sinh, hầu hết bà con người Việt kiếm sống bằng các nghề nghiệp khác nhau như làm nông nghiệp, khai thác thủy sản, công nhân xây dựng… Đồng hương chúng ta đâu phải ít! Các anh chị em thân, cuộc sống chúng ta ngoài đời sống vật chất với những lo toan bộn bề miếng cơm manh áo thì còn đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Một người giàu có về đời sống vật chất chưa hẳn là hạnh phúc. Một người nghèo túng trong đời sống vật chất chưa chắc là khổ đâu. Nhưng để được an vui và hạnh phúc, chúng ta phải cân bằng hai đời sống này. Nói đến đây, chắc mấy anh chị em đang hồi ức về những tháng cùng ông bà, bố mẹ đi chùa lễ Phật lúc còn thơ. Hay cùng bạn bè vãn cảnh yên bình của mái chùa quê gắn liền với đồng lúa, rặng tre. Hai tiếng gọi “quê hương” đang vẫy gọi xúc cảm dâng trào. Từ ngày xa quê nhà sinh sống ở phương xa, chắc các anh chị em cũng mong ước một nơi nào ấy để cùng ôn lại những nét đẹp truyền thống đậm chất “Việt Nam”. Và nơi ấy đang dần được ươm mầm với sự hiện diện của anh chị em Phật tử chúng ta. Việc có mặt của mọi người trong mùa Phật đản năm nay đã truyền một niềm tin, một sức sống mới cho cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Chắc mọi người cũng đang cảm nhận niềm hạnh phúc vô biên của người con Phật trong mùa lễ hội thiêng liêng này giống như Thầy. Đồng cảm về điều này, chúng ta sẽ dần xóa đi khoảng cách của gần 8 giờ bay, J.
Các anh chị em thân, không như sự ra đời của các chúng sanh khác, đức Phật đản sinh là sự kiện hi hữu, mang lại lợi lạc, hạnh phúc cho muôn loài như trong kinh khẳng định “Này các Tỳ kheo, có một người xuất hiện ở đời, xuất hiện vì an lạc của số đông, xuất hiện vì lòng thương tưởng đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Người ấy là ai? Đó là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác.”
(Kinh Tăng Chi I, Hội Kinh Tạng Pāli, London, 1989, tr. 14-15). Thật vậy, cuộc đời của Ngài chính là minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy. Trải qua 49 năm du hoá khắp nơi ở Ấn độ, bằng những lời dạy đầy nhân bản, trí tuệ và từ bi, Ngài đã đem lại sự an lạc cho vô số trời người, thiết lập sự bình đẳng xã hội, mang đến những giá trị đạo đức cao thượng và hoà bình cho nhân loại. Thông điệp Từ bi, Trí tuệ, Hòa bình, bất bạo động mà đức Phật đã truyền tải cho cuộc đời hết sức cần thiết trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay của thế giới trong việc chiến tranh, thiên tại, lũ lụt, đạo đức con người xuống cấp. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nói: “Lời khẳng định của Đức Phật “cách thức để thay đổi thế giới là phải thay đổi bản chất của con người” đã mang đến một nhận thức quan trọng nhằm cải thiện điều kiện cho hành tinh của chúng ta và các cư dân đang sống trên đó.”
Hôm nay, các anh chị em cùng quỳ dưới chân đức Thế tôn, cùng đang quay về nhìn lại chính mình, cùng chia sẻ đạo tình pháp lữ nghĩa là chúng ta đang khơi dậy đức Phật trong chính mình. Đức Phật đã nhập Niết bàn 2557 năm rồi nhưng pháp thân, thông điệp của Ngài vẫn hiện diện khắp nơi qua cách sống, cách phụng sự của mỗi người đệ tử Phật.
“Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!”
(kinh Pháp cú, kệ 194)
Cho nên, khi lạc quan nhìn thấy sự hiện diện khắp nơi của pháp Phật trong thời đại này, chúng ta cũng nên đồng thời nhìn nhận một sư thực rằng: bất cứ nơi đâu, chỉ khi nào giáo pháp được thực hành một cách đúng đắn, lúc đó, đức Phật mới thực sự có mặt. Và khi Ngài có mặt, sự an lạc sẽ toả chiếu rạng ngời, không phiền não nào mà không bị xua tan, không đau khổ nào mà không được giải trừ.
Đức Phật đản sinh trong từng giây phút chúng ta lắng lòng dừng lại. Những vọng chấp đảo điên, những tham tâm vị kỷ, những thù hằn ganh tỵ, những vô minh vọng động… nếu chỉ trong một sát-na dừng lại, thì ngay nơi đấy, một đức Phật ra đời.
Mùa Phật Đản lại trở về, người con Phật khắp nơi, xin hãy cùng chắp tay nguyện cầu cho chánh pháp được trường tồn và tuyên dương ở khắp nơi chốn khổ đau của trần thế. Nguyện cho bất cứ ai nghe được chánh pháp cũng đều phát tâm tiếp nhận thực hành. Nguyện đức Phật luôn thị hiện đản sanh trong mỗi con người chúng ta.
Kính lễ dưới cây Vô Ưu hiện thân đản sinh,
Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.
Giọt nắng quê nhà, gởi tặng phương xa
Phật tử, đồng hương từ khắp mọi nhà
Tu thân tích đức, nhìn lại chính ta
Hạnh phúc hiện diện, khổ đau sẽ qua.
Sài gòn, mùa Phật đản PL. 2557,
Với tình thương,
Thầy Thích Tường Thanh.