1) Tổ chức Lễ Phật đản vào đầu thập niên 2000
Trong khi nhiều tôn giáo hết sức chú trọng khai thác những lợi ích đem lại, nhất là trong hoạt động tổ chức lễ hội, từ công cuộc đổi mới, thì bước sang thập niên 2000, ở việc tổ chức Lễ Phật đản, Phật giáo hầu như kết thúc khai thác cơ hội có được, duy trì cố định như trước việc tổ chức Lễ Phật đản.
Trong những năm 2000, mức độ phát triển việc tổ chức lễ hội tôn giáo nói chung có chững lại so với những năm 1990, vì việc phục hồi các lễ hội tôn giáo có trước 1975, nhìn chung đã hoàn thành. Nhiều lễ hội tôn giáo (Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo) được đầu tư vào chiều sâu, thu hút đông hơn số lượng người tham dự, trong bối cảnh tổ chức ngoài trời, việc tăng số lượng người không bị hạn chế vì lý do địa điểm.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… chưa có những cuộc lễ tôn giáo hàng trăm ngàn người, nhưng phía Thiên chúa giáo đã có cố gắng đưa vị trí cuộc lễ tập trung đông người về gần Hà Nội (thí dụ tại Hà Nam).
Một số hình thức mới trong tổ chức lễ hội tôn giáo cũng được chú ý, như ghe thuyền về dự lễ ở Phú Tân An Giang, trước đây đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển như xe khách, thì về sau có được chú trọng trang trí, tạo không khí lễ hội tưng bừng cả một vùng sông nước rộng lớn.
Xu hướng cởi mở, thông thoáng, linh hoạt hơn nữa trong hoạt động tôn giáo được duy trì, pháp luật về tôn giáo dần dần trở nên hoàn thiện, thể hiện nhiều hơn quan điểm tự do tôn giáo. Tuy vậy, có thể nói hiện thực phục hồi các ngày lễ tôn giáo vẫn đi trước. Duy chỉ có Phật giáo chậm chân trong việc phục hồi lễ Phật đản.
Trong những năm đầu thập niên 2000, vẫn không có một cuộc lễ Phật đản nào được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo số lượng người tham dự như Lễ Phật đản năm 1982, Lễ Phật đản đầu tiên do GHPGVN tổ chức, và được tổ chức nơi công cộng (trên đường Bà Huyện Thanh Quan, trước chùa Xá Lợi).
Đó là so sánh Lễ Phật đản với lễ hội các tôn giáo khác. Còn nếu so sánh với các lễ hội tín ngưỡng dân gian thì, so với việc tổ chức nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian, việc tổ chức Lễ Phật đản trong những năm 2000 còn bị bỏ lại phía sau một khoảng cách xa hơn.
Lễ hội tín ngưỡng dân gian, trong đó có các lễ hội liên quan đến chùa chiền, vẫn được phục hồi, phát triển. Điều này mang lại cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng dù là những tác động tiêu cực, như làm xuống cấp môi trường đình chùa, gây ô nhiễm, hỗn loạn, mất an ninh trật tự, nhiều người sử dụng xe công đi lễ hội, nhiều nơi tắc nghẽn giao thông, nó vẫn cho thấy những lễ hội tín ngưỡng dân gian ngày càng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Trên báo chí, không hề có vấn đề do sự hiện diện quá đông người vào Lễ Phật đản gây ra. Quan sát thực tế, số người đến chùa vào Lễ Phật đản thập niên 2000, vẫn chưa đông đảo đến mức tạo thành một lễ hội quần chúng, nhất là ở khu vực các tỉnh phía bắc.
Quy mô lễ Phật đản bị bỏ lại phía sau rất nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian, chỉ có điều lễ hội tín ngưỡng dân gian hầu hết chỉ có tính địa phương, không triển khai đều khắp cả nước như Lễ Phật đản.
Trong hình hình đó, ở miền Nam, Lễ Phật đản càng trở nên mờ nhạt hơn khi một số chùa tổ chức ở quy mô lớn nhiều lễ hội Phật giáo mới, như lễ Vía Phật A Di Đà, lễ Phật thành đạo…
Có nơi, số người tập trung về chùa dự các cuộc lễ trên lên đến vài chục ngàn người, đông hơn lễ Phật đản. Tình trạng như vậy phát triển ra nhiều chùa ở miền Nam, miền Bắc. Như vậy, tại các chùa đó, thứ hạng tổ chức lễ Phật đản lại xuống một bậc nữa, sau Vu Lan, rằm tháng giêng, thì nay thêm sau vía Phật A Di Đà hoặc lễ Phật thành đạo.
Tổ chức lễ Phật đản với thứ hạng quy mô giảm xuống như vậy không phải là ý muốn chủ quan của tăng ni, nhưng đây cũng không phải là vì hoàn cảnh khách quan, vì lý do truyền thống như đối với lễ vu lan, rằm tháng giêng. Ở đây, đã có ý thức về việc xây dựng những ngày lễ truyền thống mới, và điều đó rõ ràng có ảnh hưởng đến vị trí ngày lễ Phật đản trong nội bộ Phật giáo.
Cũng không nên đánh giá điều này là tiêu cực, nhưng cũng không thể không nói đến trong quá trình tìm hiểu diễn tiến việc tổ chức lễ Phật đản. Bổ sung ngày lễ Phật giáo mới vẫn là điều tốt, nhưng để ảnh hưởng, phân tán sự tập trung vào ngày lễ Phật đản là điều không tránh khỏi, mà ở đây lại là điểm nhấn chủ quan.
Như vậy, đầu những năm 2000, việc tổ chức hướng đến quy mô đối với ngày lễ Phật đản không tiến triển, và bối cảnh là không thuận lợi, tuy rằng môi trường đổi mới, cởi mở vẫn còn. Dù muốn dù không, tình trạng tự do thuận lợi tổ chức các ngày lễ tôn giáo tín ngưỡng, do các tôn giáo tổ chức có hệ thống, có bài bản hay là lễ hội tín ngưỡng dân gian, được quần chúng phục hồi tự phát, đều có tác dụng làm mờ nhạt hơn nữa ngày lễ Phật đản.
Mục tiêu tổ chức ngày lễ Phật đản trở thành ngày lễ lớn nhất tại Việt Nam, phù hợp với vị trí tôn giáo có đông tín đồ nhất tại Việt Nam của Phật giáo ngày càng xa vời (1).
Giữa thập niên 2000, sự phát triển của internet và các hoạt động mang yếu tố nước ngoài, chủ yếu đến từ Âu Mỹ, tại Việt Nam đã làm nổi lên một lễ hội tôn giáo mới tại Việt Nam. Đó là lễ phục sinh.
Lễ phục sinh được nhắc nhiều trên môi trường internet, gần đây là nhờ vào Face Book. Đến gần lễ phục sinh, là không gian mạng tràn ngập hình ảnh cuộc lễ này.
Hiện nay, trên Face book, những người dùng mạng giao lưu với nhau, dù muốn dù không, cũng phải tiếp xúc với lễ Phục sinh. Lễ phục sinh cũng được các giáo hội Thiên chúa La Mã, Tin Lành ra sức quảng bá. Người ta tổ chức nhiều buổi truyền giảng phục sinh nhiều tuần trước ngày lễ, dựng pa nô, treo băng rôn, phát thiệp mời…
Lễ phục sinh cũng hiện diện trong các đơn vị có yếu tố nước ngoài (châu Âu, Bắc Mỹ) như doanh nghiệp, trường quốc tế bằng hình thức mừng lễ (như việc vẽ trứng), nghỉ lễ, hát nhạc thánh phục sinh. Lễ phục sinh tại Việt Nam là kết quả của quá trình phương Tây hóa xã hội và trở lại, nó cũng là động lực thúc đẩy quá trình phương Tây hóa.
Lễ phục sinh tại Việt Nam đã đi vào bước chuyển từ ngày lễ tôn giáo thuần túy trong nội bộ Ky tô giáo thành một ngày lễ xã hội, có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với xã hội. Đón lễ Phục sinh tại Việt Nam từ thập niên 2000, không chỉ là tín đồ Ky tô giáo, mà còn là giới trẻ thời thượng ở các thành phố lớn.
Chương trình lễ phục sinh được các nhà thờ Tin Lành tổ chức trong nhiều ngày, không chỉ để phục vụ tín đồ, mà là phục vụ số khách mời thanh niên đến nghe thánh nhạc Phục sinh.
Tác nhân lễ phục sinh đang đưa ngày lễ Phật đản trở thành ngày lễ tôn giáo thứ 5 tại Việt Nam (sau lễ Noel, rằm tháng bảy, lễ hội tháng giêng, phục sinh).
Dường như chưa một ý kiến nào cảnh báo tăng ni Phật tử về điều này.
Cuối thập niên 2000, lễ Noel được tổ chức bằng hình thức tập trung tại sân vận động, có 20.000 người tham dự, dù chỉ do một số giáo phái Tin Lành tổ chức.
2) Vesak 2008, cơ hội mới cho lễ Phật đản bị bỏ qua
Vesak, một tên gọi theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, bao gồm cả lễ Đức Phật đản sinh, thành đạo, niết bàn, được cử hành vào ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch.
Lễ Vesak Liên hiệp quốc được Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2008 là một cơ hội lớn cho việc tổ chức lễ Phật đản tại Việt Nam.
Vesak 2008, ngoài cuộc lễ tổ chức tại trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi, trọng thể. Một luồng sinh khí mới đã thổi vào ngày lễ Phật đản tại Việt Nam.
Với Vesak 2008, sau hơn 40 năm nếu tính từ lễ Phật đản năm 1964 tại miền Nam, ngày lễ Phật đản lại đột xuất trở thành ngày lễ tôn giáo lớn nhất cả nước (nếu tính trên phạm vi toàn quốc thì có lẽ đây là lần đầu tiên).
Khóa lễ Phật đản theo truyền thống ở Hà Nội, TPHCM được tổ chức tại nơi công cộng. Tại quảng trường Cung Hữu Nghị, Hà Nội, lễ Phật đản ở thủ đô được tổ chức trọng thể chưa từng thấy trong suốt lịch sử tổ chức lễ Phật đản. Ở TPHCM lễ Phật đản có 20.000 tăng ni Phật tử tham dự ngồi kín các khán đài sân vận động Quân khu 7. Đây là lễ Phật đản đông người tham dự nhất ở Sài Gòn – TPHCM tính từ lễ Phật đản năm 1964.
Không khí Vesak tràn ngập phố phường với cờ hoa, băng rôn, pa nô, lồng đèn, ảnh tưởng Đức Phật sơ sinh, biểu tượng lễ vesak Liên Hiệp quốc…
Vai trò của nhà nước trong lễ Vesak 2008 rất lớn, nhưng nỗ lực từ phía giới Phật giáo cũng không nhỏ. Tinh thần Phật đản của Phật giáo Việt Nam lên cao chưa từng thấy, cùng với sự đoàn kết chung sức chung lòng vì ngày lễ trọng đại.
Đỉnh cao mà Vesak 2008 đạt đến chứng tỏ, với cố gắng, Phật giáo Việt Nam vẫn có thể tổ chức ngày lễ Phật đản thành ngày lễ tôn giáo lớn nhất Việt Nam, tạo những ảnh hưởng lớn đối với xã hội Việt Nam đưa những giá trị từ Đức Phật, từ Phật pháp đến với đông đảo người dân trong cộng đồng. Ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch 2008, cả đất nước Việt Nam tưng bừng hoan hỷ trong không khí Vesak.
Tuy nhiên, Vesak 2008 đã không được xem như là một mức chuẩn về việc tổ chức lễ Phật đản, để theo đó tổ chức lễ Phật đản với mức thành công tương tự trong lễ Phật đản những năm sau đó.
Quy mô tổ chức lễ Phật đản trong những năm sau đó trên phạm vi toàn quốc, như chúng ta đã thấy, đã xuống hẳn. Có nơi không chỉ xuống so với Vesak 2008, mà mức độ sa sút còn kém hơn cả những cuộc lễ Phật đản trước Vesak 2008.
Vesak 2008 chỉ là một đỉnh điểm nhất thời, một kết quả đáng mừng chỉ có một lần, rồi tan biến. Vesak 2008 không trở thành cú hích, đà tiến, tiêu chuẩn vàng cho việc tổ chức lễ Phật đản những năm sau đó. Một cơ hội bằng vàng đã có trong tay Phật giáo Việt Nam lại bị bỏ qua.
Cơ hội Vesak 2008 chính là cơ hội mà nhà nước đã tạo ra riêng cho Phật giáo. Nếu như cơ hội trong thập niên 1990 là cơ hội chung cho các tôn giáo, là hệ quả của chính sách đổi mới ở lãnh vực tôn giáo, thì cơ hội Vesak 2008 là cơ hội đối với sự ưu đãi đặc biệt riêng cho Phật giáo Việt Nam. Bằng thành công Vesak 2008, Phật giáo Việt Nam đã chạm tay vào cơ hội đó, đã đạt được đỉnh cao của cơ hội đó.
Nếu xem 2008 là bước khởi đầu, là định chuẩn mới phải đạt tới, Phật giáo Việt Nam sẽ từ đó đưa việc tổ chức lễ Phật đản lên một tầm cao mới, tầm cao Vesak 2008.
Thế nhưng, từ ngữ Vesak, từ chỗ quen thuộc với người dân Việt Nam trong năm 2008, theo thời gian đã phai mờ dần trong ký ức số đông, mà nay đã có người lấy làm xa lạ khi nhắc đến.
Đỉnh cao Vesak 2008 đã thể hiện năng lực của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng việc đánh mất cơ hội mà Vesak 2008 tạo ra, lại thể hiện một khía cạnh khác, một tầm mức khác của năng lực đó. Phê phán việc này, có thể lại đặt vấn đề tầm nhìn, sự khôn ngoan và trách nhiệm.
Tạo thuận duyên nhiều mặt cho việc tổ chức Vesak 2008, nhà nước Việt Nam rõ ràng muốn có một Phật giáo Việt Nam mạnh. Quan điểm như thế đối với Phật giáo Việt Nam thể hiện không chỉ ở khâu hỗ trợ, xúc tiến tổ chức, mà còn thể hiện qua sự có mặt của các nhà lãnh đạo chính quyền qua nhiều thời kỳ, qua nội dung diễn văn của ông Chủ tịch nước…
Do vậy, cơ hội được nói đến ở đây không phải chỉ là tiêu chuẩn tổ chức, là quy mô tổ chức mà là cơ hội của môi trường, của hoàn cảnh. Cơ hội như vậy là hết sức giá trị, không phải chỉ là chuyện của một cuộc lễ, mà nó có ý nghĩa mở ra một thời kỳ mới.
Cái đáng tiếc của việc đánh mất cơ hội chính ra là ở chỗ này. Với Vesak 2008, món quà mà Phật giáo Việt Nam được hưởng từ nhà nước vừa là một hình mẫu, vừa là một khả năng. So với cơ hội của những năm 1990 từ công cuộc Đổi mới, lần này món quà được trao tận tay Phật giáo.
Nhưng kết quả lại chỉ trong một lần, ở một năm. Năm 2009, tuy vẫn còn những dư âm thành tựu từ Vesak 2008, nhưng diện mạo ngày lễ Phật đản đã khác hẳn năm trước và tiếp tục đi xuống sau đó. Phật giáo Việt Nam không đi được tiếp trên con đường đã mở và để lại quà tặng.
Việc đối chiếu thực trạng tổ chức lễ Phật đản năm nay và Vesak 2008 là điều dễ dàng thống nhất kết quả so sánh. Phải chăng cơ hội đã hoàn toàn bị bỏ qua.
Chúng ta đã điểm qua những cơ hội mà Phật giáo Việt Nam đã có được trong 4 thập niên, trong đó có 3 lần vào những lễ Phật đản xác định, đó là vào những năm 1964 (ở miền Nam), 1982 và 2008, và một lần trải dài trong suốt một thập kỷ. Bạn đọc có bình luận gì về việc ghi nhận các cơ hội như trên? Có đúng là đã có những cơ hội như thế không?
Theo quý bạn đọc, đâu là nguyên nhân Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ đã bỏ lỡ những cơ hội nói trên?
Quý bạn đọc có thống nhất với việc đánh giá hiện nay, lễ Phật đản đang sa sút dần xuống vị trí ngày lễ tôn giáo có ảnh hưởng xã hội đứng hàng thứ 5 tại Việt Nam không sau 4 cuộc lễ tôn giáo là Noel, Rằm tháng 7, tháng giêng (cúng sao, giải hạn), lễ phục sinh? Nếu không đồng ý với xếp hạng trên, theo bạn về ảnh hưởng xã hội, lễ Phật đản đứng ở vị trí ngày lễ tôn giáo thứ mấy tại Việt Nam?
Theo quý bạn đọc, làm thế nào để cải thiện, làm cho tốt hơn việc tổ chức ngày lễ Phật đản? Mục tiêu đó có thực hiện được không? Bạn đọc có dự kiến ra sao về tương lai tổ chức ngày lễ Phật đản?
Những câu hỏi trên là đề tài thảo luận, để trong những bài viết sau, chúng ta đi vào mức độ có tính chất cốt lõi của vấn đề tổ chức lễ Phật đản.
MT
(1) Trong các ngày lễ Phật giáo, lễ Phật đản hiện nay có số lượng người đến chùa ít hơn ngày lễ Vu Lan rằm tháng 7, cúng sao giải hạn rằm tháng giêng xác định qua định lượng quan sát trực tiếp và kiểm số nhang được đốt trong các lễ tương ứng ở một số chùa.