Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ; HT. Thích Minh Thiện – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên thư ký HĐTS, Phó chánh Văn phòng 2 TƯ, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban điều hành Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc, trụ trì chùa Vạn Phúc cùng chư vị Phó Ban Hoằng pháp TƯ: TT. Thích Phước Nghiêm, TT. Thích Trí Chơn, TT. Thích Thiện Thuật, TT. Thích Tâm Thuần, TT. Thích Chúc Tiếp.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ; bà Phạm Bảo Khánh – Phó trưởng ban Tôn giáo TP Hà Nội cùng quý vị giảng viên lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ phát biểu khai mạc
Ban điều hành lớp đào tạo giảng sư đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của đại diện chính quyền các cấp
Đại diện Tăng Ni giảng sinh dâng lời phát nguyện tu học
Theo báo cáo, năm học 2022 là năm học đầu tiên của khóa II. Rút ra những bài học kinh nghiệm từ khóa I, khóa học thứ II có nhiều điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nội dung chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho công tác tu học và đào tạo, nhằm hoàn thành tốt nhất mục tiêu đào tạo của cả khóa và từng năm học.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá có nhiểu đổi mới. Chương trình đào tạo năm học 2022 – 2023 được tổ chức theo định hướng: đảm bảo cả việc tu và việc học, trang bị kỹ năng toàn diện, phát triển năng lực người học; đi vào nội dung trọng tâm củng cố kiến thức nội điển, bổ trợ kiến thức ngoại điển một cách phù hợp. Bên cạnh đó chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy – học. Các giảng sư, giảng viên tham gia giảng dạy tại Lớp đào tạo giảng sư đều là những vị tôn đức có uy tín kinh nghiệm và chuyên môn, ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Ngoài ra còn có sự tham gia giảng dạy, trao đổi chuyên đề của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, các Giáo sư, Tiến sĩ, nghệ sĩ, giảng viên các trường đại học, các nhà chuyên môn có uy tín ở các lĩnh vực có liên quan đến công tác giảng sư hoằng pháp.
Sau một năm đào tạo dù thời gian học không nhiều nhưng đã đạt được hiệu quả rõ rệt từ nhận thức cũng như kết quả thực hành của Tăng ni giảng sinh.
Khoá học thứ 2 lớp Cao cấp giảng sư tuyển sinh đầu vào là 150 học viên, số học viên đủ điều kiện tuyển sinh là 78 trong đó có 72 học viên chính thức, 6 học viên dự thính.
Đại đức Thích Chánh Thuần báo cáo tóm tắt công tác đào tạo lớp cao cấp giảng sư khu vực phía Bắc năm học thứ nhất
Ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ phát biểu
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp nhấn mạnh việc đào tạo giảng sư vô cùng quan trọng. Chư Tổ và các bậc tiền bối xưa kia đã nhìn ra được điều đó, và mở những lớp đào tạo giảng sư đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp nối sự thành công đó, phía Bắc cũng đã mở ra được hai khóa đào tạo Giảng sư, và đây là năm thứ hai của khóa II được khai giảng, đó chính là một thuận duyên lớn. Ngành Hoằng pháp có thể coi là ngành mũi nhọn bởi lẽ tất cả Tăng, Ni dù đứng ở cương vị nào cũng được mệnh danh là người sứ giả của Như Lai, mang sự uyên bác, tư tưởng giải thoát giác ngộ của Như Lai đến cho nhân loại. Vì thế, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN luôn nhắc lời của Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông “thuyết pháp chính là hoàn thành tâm nguyện nhất của 10 phương chư Phật”, hoằng truyền chính Pháp thì Phật pháp mới được trường tồn. Điều đó cho thấy trách nhiệm của Tăng già rất quan trọng.
Từ khi ngồi trên cương vị Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Hòa thượng luôn trăn trở cách làm thế nào để có thể đào tạo được những vị Giảng sư đức hạnh, tìm mọi phương cách để thuyết pháp độ sinh và từ đó, lập ra 10 phân ban chuyên môn. Nhận thấy tầm quan trọng của truyền thông trong thời đại 4.0, Thường trực Ban Hoằng pháp TW đã họp và chỉnh đốn những quy tắc ứng xử cho một vị giảng sư sẽ được thông qua 8 quy tắc.
Nhân đây, Hòa thượng đã sách tấn Tăng Ni giảng sinh “Trước nhất là thân quý vị phải đoan nghiêm. Chúng ta thấy mười phương chư Phật tướng bố thí Pháp, độ sinh phải là tướng hảo, có thanh quang minh, không có nghĩa rằng phải chọn người có hình sắc, nhưng phải nhớ thân giáo cũng là thuyết Pháp. Người ta nhìn vị Tăng Ni giảng sư khi bước lên tòa ung dung tịnh đắc, Sư lên đàn như quan tiến trần, sư ngồi đăng bảo tòa mà ma phải khể thủ, đá phải cúi đầu. Bởi vì trong luật Sadi đã dạy chúng ta, Nếu uy khả úy, hữu nghi khả kính. Người mà có uy thì người khác sợ, quỷ thần sợ, người mà có phép tắc thì được mọi người cung kính. Cho nên người giảng sư ngay từ những lúc đầu phải được uốn nắn 4 oai nghi trong đi – đứng – nằm – ngồi. Đấy là oai nghi của người xuất gia, nhưng người giảng sư cần phải có oai nghi cho mình, bởi lẽ Sư đăng bảo tòa, vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai và thuyết pháp Như Lai.
Về khẩu, phải biết quy tắc ứng xử để không ảnh hưởng đến Giáo pháp, uy tín của Giáo hội, ảnh hưởng đến chính sách Pháp luật của Nhà nước. Phát ngôn chừng mực, chuẩn xác, điềm đạm. Xưa kia, khi tôi theo Hòa thượng Đệ tứ Pháp chủ bây giờ đi giảng, Ngài dạy: Trước khi giảng nên uống ngụm nước và lúc giảng làm sao giảng để giữ hơi và giữ giọng, trong lúc giảng tuyệt đối không bao giờ uống nước, nó mới giữ được oai nghi của người Pháp sư. Và từ đó cho đến bây giờ, tôi học được điều đó. Tụng kinh hay thuyết pháp đều như vậy, cần tập trung vào việc chính và đừng mắc những lỗi về oai nghi…
Về ý, hãy luôn trung thành với giáo pháp của Đức Phật, hãy lồng ghép khéo léo giáo lý Phật đà vào trong những câu chuyện đời sống để Phật tử dễ tiếp thu, bởi lời Phật cách đây 2567 năm vẫn không bao giờ lỗi thời”.
Sau cùng, Hòa thượng mong rằng “muốn làm giảng sư, thì phải trau dồi kiến thức cho mình từng ngày, từng giờ, thâm nhập sâu vào Kinh Tạng để hiểu rốt ráo ý nghĩa sâu xa của chư Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tức là sứ giả của Phật, thì phải làm đúng trách nhiệm trung thành với giáo pháp. Quý vị Tăng Ni giảng sinh còn trẻ, đầy nhiệt huyết, cần phải vừa học vừa thực tập giảng pháp để trau dồi kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thuyết pháp và tùy cơ ứng xử. Quý vị phải thực tập nhiều, thực tập với nhau, luyện giọng, luyện oai nghi và trau dồi kiến thức. Đấy là một tâm niệm mà chúng tôi mong muốn để truyền đến Tăng Ni trẻ nói chung và của ngành Hoằng pháp nói riêng để đào tạo ra những giảng sư có thể kế thừa cho chúng tôi sau này”.
Thượng tọa Thích Tâm Thuần phát biểu bế mạc
Sau lời phát biểu bế mạc của Thượng tọa Thích Tâm Thuần, chư Tôn đức Tăng Ni cùng đại diện chính quyền và Phật tử đã lên Thiền đường niêm hương đỉnh lễ Tam Bảo, khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn.
Diệu Tường